Phải có chế tài xử lý việc lạm dụng “mật” để bưng bít thông tin

“Nếu thông tin không phải là mật nhưng anh lạm dụng việc bảo mật để giấu giếm, hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân thì trách nhiệm của anh sẽ như thế nào"

Công tác bảo vệ bí mật Nhà nước là hết sức quan trọng, tuy nhiên, cũng cần thiết phải có những quy định hết sức cụ thể, rõ ràng. Một số ý kiến cho rằng, hiện nay, nhiều thông tin đang bị lợi dụng vấn đề bảo mật để bưng bít, không công khai, không mật nhưng vẫn được đóng dấu mật, đặc biệt là thông tin liên quan đến phòng, chống tham nhũng.

phai co che tai xu ly viec lam dung mat de bung bit thong tin

Cần có quy định rõ ràng trong việc bảo vệ bí mật Nhà nước, tránh để lạm dụng.

Nghiêm cấm lợi dụng bảo mật để che giấu hành vi phạm pháp

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định: "Vấn đề bảo vệ bí mật Nhà nước trong thời gian qua vẫn còn một số bất cập. Những tiêu chí thuộc về bí mật Nhà nước cần phải làm rõ ở cấp độ nào để mà bảo mật. Chính vì sự chưa rõ ràng nên vừa qua vẫn có hiện tượng vấn đề bảo mật bị lạm dụng.

Quyền của người dân là thực hiện chức năng giám sát thì họ phải biết những thông tin có liên quan. Thế nhưng, nhiều khi một phần bị lạm dụng hoặc phần là cố tình không muốn công khai tiết lộ các thông tin đó, dẫn đến dấu mật đóng tùy tiện hòng không cho ai biết đến, không cho ai có ý kiến gì về những nội dung đấy. Từ đó khiến người dân rất bức xúc, thắc mắc".

Đại biểu Chiến cũng cho biết: "Tại kỳ họp thứ tư vừa qua, Quốc hội cũng bàn đến dự thảo luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Có rất nhiều ý kiến của các đại biểu đã đề cập đến chuyện chúng ta lạm dụng dấu mật nhiều quá. Thậm chí, như đại biểu Lê Thị Nga có đề cập đến là tài liệu đưa ra để các đại biểu thảo luận mà cũng đóng dấu mật, làm khó cho đại biểu.

Nếu đã là mật thì phải thực hiện theo nguyên tắc mật. Thế nhưng thực chất nội dung đó có phải là mật hay không, mật ở cấp độ nào, chỗ nào mật, chỗ nào không mật thì nó chưa được cụ thể.

Hy vọng rằng, sau quá trình thảo luận lần này, các tiêu chí mật, cấp độ mật phải được cụ thể hóa, công khai, minh bạch để người dân hiểu được đâu là mật, đâu là tuyệt mật, đâu là tối mật. Và để người dân họ biết được quyền tiếp cận những thông tin nào. Các cơ quan quản lý Nhà nước, người thực thi công vụ sẽ phải cung cấp thông tin cho người dân ở mức độ nào.

Đặc biệt những cái gì thuộc mật, tuyệt mật của Nhà nước thì lưu giữ theo đúng quy định của pháp luật, trong thời hạn bao nhiêu lâu thì giải mật cũng phải rõ ràng, còn cái nào không phải là mật cần phải minh bạch thông tin".

phai co che tai xu ly viec lam dung mat de bung bit thong tin

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền.

Đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền cũng nêu quan điểm khi trao đổi với PV: "Hơn 15 năm qua chúng ta thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ bí mật Nhà nước. Tuy nhiên, tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi, quyền tiếp cận, sử dụng thông tin của công dân trong phát triển kinh tế, xã hội đòi hỏi ngày càng cao, đặc biệt là khi khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, sâu rộng.

Hiện nay, vấn đề bảo vệ bí mật Nhà nước có hai khuynh hướng cần phải tránh. Thứ nhất, cái đáng mật thì lại buông lỏng trong quản lý. Tổng kết 10 năm, chúng ta phát hiện có hàng trăm vụ lộ, lọt thông tin bí mật. Cái đó cần quan tâm đúng mức độ hơn. Cần thực hiện mật để đảm bảo an ninh quốc phòng và những vấn khác. Đảm bảo những thông tin nếu ra sớm mà chưa có lợi cho quốc gia, cho người dân thì cần phải có cách quản lý thật tốt, tránh buông lỏng, dẫn đến lộ, lọt thông tin. Nếu chúng ta xử lý sau thì nó rất khó.

Khuynh hướng thứ hai là cái không đáng mật thì lại đóng dấu mật để bưng bít thông tin. Thực tế, vì lợi ích nhóm, ở một số địa phương trong quy hoạch kinh tế xã hội, các dự án, các chương trình... cũng đóng dấu mật. Việc bảo mật thiếu trách nhiệm dẫn đến đóng dấu tràn lan. Có hiện tượng xác định tùy tiện, chỉ mật nhưng đóng dấu tuyệt mật, tối mật…

Theo tôi, cả hai khuynh hướng trên đều cần phải tránh. Nó đòi hỏi trách nhiệm tham mưu và trách nhiệm về hệ thống văn bản luật pháp cho hợp lý. Quy định về tiêu chí thế nào là mức độ mật. Mật, tuyệt mật, tối mật phải rõ ràng. Từ tiêu chí đó thì mình xem xét một cách khách quan, công bằng để xử lý thông tin và xử lý những cá nhân vi phạm trong vấn đề bảo mật".

Cố tình bưng bít thông tin cũng phải bị xử lý nghiêm

Theo Đại biểu Nguyễn Văn Chiến phân tích: "Nếu như thông tin không phải là mật nhưng anh lạm dụng việc bảo vệ bí mật Nhà nước để anh giấu giếm thông tin đó, hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân thì trách nhiệm của anh sẽ như thế nào? Tôi cho rằng, phải có cơ chế để xử lý vấn đề này. Chứ không thể để anh lợi dụng phục vụ lợi ích nhóm hay vì một lý do cá nhân nào khác".

phai co che tai xu ly viec lam dung mat de bung bit thong tin

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến.

"Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở giai đoạn hiện nay, việc minh bạch hóa thông tin lại càng quan trọng. Người dân được quyền tiếp cận thông tin liên quan đến khu vực tham nhũng, chủ thể tham nhũng và liên quan đến các vấn đề nhậy cảm khác để thực hiện quyền giám sát của mình. Nó giúp họ cung cấp kịp thời những thông tin về tham nhũng cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Theo tôi, đây là huyết mạch rất cần thiết, nó cần phải được lưu thông để đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng thực sự có hiệu quả", Đại biểu Chiến nói.

Cũng theo vị Đại biểu Quốc hội này thì: "Vai trò của báo chí là cơ quan để truyền tải thông tin giúp cho các cơ quan chức năng thông qua đó nắm bắt được tình hình dư luận, tình hình thực tế, từ đó hoàn thiện việc quản lý của mình tốt hơn.

Người dân nếu không có thông tin báo chí để truyền tải cũng giống như "người chạy bộ" mà thôi. Cơ quan báo chí kết nối giữa người dân với cơ quan quản lý Nhà nước, nó giống như một xa lộ để giúp cho thông tin được nhanh nhất, nhạy nhất đến với tất cả những người quan tâm. Đây là mối quan hệ hữu cơ rất quan trọng để phối kết hợp nhiệm vụ, đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thông qua kênh báo chí.

Vì vậy, cũng cần có quy định cụ thể về vấn đề bảo mật thông tin trong lĩnh vực báo chí được tiếp cận, thu thập, tránh trường hợp vì quy định không rõ ràng để rồi lấy cớ quy cho họ làm lộ bí mật Nhà nước".

Không có thông tin mật nhưng vẫn đóng dấu mật

Tại phiên thảo luận về luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên) chia sẻ: “Có cơ quan đóng dấu mật cả danh sách vụ trưởng hiện hành, đóng dấu vào chất vấn của đại biểu Quốc hội, trong đó không có thông tin mật nhưng vẫn đóng dấu mật khiến đại biểu Quốc hội không thể trả lời cử tri".

phai co che tai xu ly viec lam dung mat de bung bit thong tin Bà Lê Thị Nga: \'Dấu mật bị lạm dụng, đóng cả vào danh sách vụ trưởng\'

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, quy định về thông tin mật không rõ ràng làm ảnh hưởng đến phòng, chống tham nhũng.

http://www.nguoiduatin.vn/phai-co-che-tai-xu-ly-viec-lam-dung-mat-de-bung-bit-thong-tin-a348722.html

/ nguoiduatin.vn