Lần đầu tiên, doanh nghiệp bị nghi vấn gây ra vụ phá rừng quy mô lớn và có động thái kêu gọi nông dân chia nhỏ nhận trách nhiệm để thoát tội tại Bình Định đã lên tiếng về vụ việc.
Quảng Nam: Đề nghị truy tố hình sự đối tượng phá rừng phòng hộ |
Ai "chống lưng" cho người nghèo phá rừng phòng hộ ở Quảng Nam? |
“Doanh nghiệp dại gì đi phá rừng” (?)
Theo tìm hiểu của Dân Việt, 2 nghi phạm liên quan đến việc phá rừng tại xã An Hưng (huyện An Lão, Bình Định) là Nguyễn Văn Ri (SN 1975) và Phan Dễ (SN 1960, cùng trú tại huyện Hoài Nhơn, Bình Định) vừa bị công an bắt giữ để tiếp tục điều tra mở rộng về tội “Hủy hoại rừng”, có quan hệ họ hàng với nhau. Kiểm lâm địa phương thông tin, trước khi bị bắt, 2 đối tượng này chưa có tên trong danh sách lâm tặc và chưa từng bị phạt vì phá rừng.
Gỗ rừng có kích thước lớn bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc tại xã An Hưng. Ảnh: D.T
Bà Hồ Thị Thùy Linh - Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư-kinh doanh tổng hợp Thương Thảo - xác nhận, nghi phạm phá rừng Nguyễn Văn Ri vừa bị công an bắt giữ từng là nhân viên của công ty.
“Trước đây, Ri và người em ruột làm tại công ty, Ri lái xe. Trong quá trình làm việc, người em của Ri không hoàn thành nhiệm vụ nên bị khiển trách và vào tháng 4.2017 đã chủ động nghỉ việc. Sau đó, Ri có phản ứng về việc người em nghỉ việc và cho rằng lãnh đạo công ty sai. Cuối tháng 6.2017, Ri cũng rời công ty”, bà Linh thông tin.
Lãnh đạo Công ty CP Đầu tư-kinh doanh tổng hợp Thương Thảo cho rằng đã nắm thông tin bị tình nghi là doanh nghiệp phá rừng từ lúc cơ quan chức năng đến kiểm tra lô gỗ không giấy tờ tại xưởng của công ty.
“Người ta cứ nghĩ chúng tôi là kẻ phá rừng nhưng thực sự chúng tôi bị oan, chẳng hiểu vì sao họ lại đặt trọng tâm vào công ty. Ông Lê Văn Thiệt - Tổng giám đốc công ty - cũng rất bức xúc về việc này. Doanh nghiệp không dại gì mà đi phá rừng. Còn thông tin công ty mua người dân để nhận tội thay thì chưa bao giờ có điều đó. Vì người dân họ thích thì họ làm, chứ mua họ cũng không được. Người dân trình độ không có, am hiểu luật pháp không cao, chỉ cần công an dọa vài câu là ra rồi”, bà Linh cho biết.
Bà Hồ Thị Thùy Linh - Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư-kinh doanh tổng hợp Thương Thảo. Ảnh: D.T
Bà Linh xác nhận lô gỗ không giấy tờ nghi lâm tặc khai thác ở xã An Hưng đã được cơ quan chức năng phát hiện tại xưởng gỗ (Nhà máy sản xuất dăm gỗ Tường Sơn trực thuộc công ty), tuy nhiên, phía công ty lại không liên quan đến lô gỗ này (?).
Bà Linh đưa ra lý do: “Năm 2016, công ty có xưởng chế biến gỗ nhưng hoạt động không hiệu quả. Công ty đã cho ông Đoàn Xa - Quản đốc nhà máy - thuê lại xưởng và ông ấy có trách nhiệm với hoạt động của xưởng. Mới đây, tôi thấy có số gỗ đó (lô gỗ không giấy tờ - PV) nhưng không để ý. Công ty không kiểm soát nổi lô gỗ này khi vào cổng vì trong hợp đồng, chúng tôi có nói rõ về việc mua gỗ để hoạt động, ông Xa phải làm đúng theo quy định của pháp luật”.
Từng bị phạt vì sử dụng đất rừng trái phép
Theo bà Linh, năm 2016, công ty đã “dính chàm” liên quan đến việc sử dụng đất rừng trái phép tại xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn).
Theo nguồn tin của Dân Việt, vụ việc này rất nghiêm trọng. Cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố, giao cho Công an tỉnh Bình Định điều tra với tổng diện tích bị tàn phá lên đến 30ha nhưng không ai bị xử lý hình sự (?).
“Khu đất đó, người dân phá rừng trái phép rồi công ty mới khoanh vùng, giữ lại để phối hợp cùng 1 đơn vị khác làm Dự án nghiên cứu khoa học trồng cây keo với diện tích 13ha nhưng chưa xin ý kiến chủ rừng. Dự án này trồng trong 9 năm là sẽ trả lại đất. Trong lúc người dân thấy công ty trồng cây nên cứ nghĩ là doanh nghiệp giành giật rồi họ đưa nhà báo lên rừng để lên phản ánh. Sau đó, công ty đã bị phạt với số tiền 80 triệu đồng vì sử dụng đất rừng trái phép", bà Linh nói.
Xưởng gỗ nơi phát hiện lô gỗ không giấy tờ đã dừng hoạt động. Ảnh: D.T
Bà Linh cũng nhắc đến việc công ty đã hỗ trợ gần 500 triệu đồng để xây dựng cổng chào vào xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) với mục đích công ích xã hội, cống hiến cho quê hương, nhưng gần đây nhiều người lại “đồn thổi” ác ý rằng phía công ty làm việc phi pháp, lấy cổng che lấp tội lỗi. Điều này, khiến lãnh đạo công ty chán nản và có ý định bán lại nhà máy sau khi công an tìm được kẻ phá rừng thực sự để minh oan cho công ty.
Qua điện thoại, ông Đoàn Xa (trú xã Hoài Sơn) xác nhận mình có thuê xưởng gỗ của Công ty CP Đầu tư-kinh doanh tổng hợp Thương Thảo để hoạt động. Tuy nhiên, nói về nguồn gốc lô gỗ không giấy tờ vừa bị tạm giữ, ông Xa lại đưa ra những thông tin không nhất quán. Ban đầu, ông cho rằng lô gỗ không giấy tờ đã tồn tại từ 6-7 năm nay nhưng không biết mua ở đâu (?). Sau đó, ông lại khẳng định lô gỗ trên do ông Nguyễn Văn Ri mang về.
“Số gỗ này được chở vào xưởng vào cuối tháng 7 nhưng chỉ chở vào 19h tối bằng xe tải, tôi nghe nói có nguồn gốc từ trên rừng xuống. Gỗ bị cháy nên chủ yếu tôi tận dụng làm chuyện khác chứ không buôn bán gì cả. Tôi chỉ hứa miệng mỗi xe sẽ trả 3 triệu nhưng chưa đưa tiền. Chuyện của tôi, tôi sai tôi nhận, chứ không ai biểu tôi làm chuyện sai trái hết”, ông Xa phân trần.
Hiện tại, ông Xa đã bị công ty tạm đình chỉ công tác vì đang trong quá trình điều tra.
Sau khi đi thị sát, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã tuyên bố rất mạnh mẽ quyết tìm ra kẻ chủ mưu phá rừng. Ảnh: D.T
Lúc này, 2 nghi phạm phá rừng đã bị bắt giữ nhưng vẫn chưa thể khẳng định kẻ chủ mưu, đứng đằng sau vụ phá rừng quy mô lớn tại xã An Hưng là ai vì vụ việc đang được công an điều tra mở rộng. Tuy nhiên, thông tin từ ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định - đưa ra: “Doanh nghiệp đã kêu gọi nông dân chia nhỏ để nhận trách nhiệm phá rừng trên với mục đích chạy tội” lại đang khiến dư luận, lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm về kẻ chủ mưu thực sự.
http://danviet.vn/phap-luat/pha-rung-o-binh-dinh-doanh-nghiep-len-tieng-keu-oan-809018.html