- Chủ tịch Hà Nội yêu cầu kiểm tra, tạm dừng thi công toà nhà Pháp cổ 4 mặt tiền
- Sở Quy hoạch - Kiến trúc HN: Tòa nhà Pháp cổ không phải công trình cần bảo tồn
- Ảnh: Toà nhà Pháp cổ 4 mặt tiền ở Hà Nội bị phá dỡ để xây cao ốc
Việc tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền ở 61 Trần Phú, Hà Nội, cạnh quảng trường Ba Đình bị phá dỡ để xây cao ốc đang gây nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Dự án này được thực hiện bởi liên danh Công ty CP Thiết bị bưu điện (Postef) với Công ty CP Liên Việt Holdings và Công ty CP Him Lam.
Tuy nhiên, xác nhận với VTC News sáng 7/4, đại diện Him Lam cho biết, Him Lam chỉ đóng vai trò tư vấn tại dự án này.
Trước đó, trả lời trên báo chí thời điểm năm 2020, đại diện của Him Lam cũng khẳng định Him Lam chỉ tham gia với vai trò tư vấn. Dù có tên trong liên danh nhưng không có bất cứ phần vốn góp nào của Him Lam vào dự án.
Khu đất 61 Trần Phú (quận Ba Đình, Hà Nội) có vị trí đắc địa bậc nhất Thủ đô hiện nay, khi chỉ cách quảng trường Ba Đình khoảng 400 m. Vị trí cách không xa Hội trường Ba Đình, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Sân vận Hàng Đẫy, Bệnh viện Xanh Pôn, nhiều đại sứ quán... Khu đất rộng 9.078 m2 được giao cho thành viên Tập đoàn VNPT - Công ty CP Thiết bị bưu điện (Postef, mã chứng khoán: POT) làm trụ sở và sản xuất từ năm 1996, có 4 mặt tiền: Trần Phú, Hùng Vương, Nguyễn Thái Học và Lê Trực.
Khu đất 61 Trần Phú, Hà Nội đang được thi công. (Ảnh: Đắc Huy)
Trước đó, Postef từng dự định xây dựng khu đất này trở thành trung tâm công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D). Tuy nhiên, chỉ ít năm sau, trong cơn sốt chuyển đổi nhà máy, xí nghiệp thành đất thương mại, Postef đã quyết định mang khu đất 61 Trần Phú đi góp vốn triển khai dự án bất động sản.
Đối tác được chọn là Liên danh Công ty CP Him Lam - Liên Việt Holdings.
Ngày 28/12/2011, hai bên ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 40/2011/HĐHTĐT/POT-LVH-HL. Theo đó, vốn góp của dự án là 1.039,2 tỷ đồng, tổng mức đầu tư là 3.200 tỷ đồng. POSTEF góp bằng lợi thế quyền sử dụng đất - tương đương 530 tỷ đồng (51% vốn), cặp pháp nhân góp 49% vốn còn lại.
Rục rịch từ năm 2011, nhưng đến ngày 24/6/2017, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 3841/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trên khu đất "kim cương" 61 Trần Phú.
Cụ thể, tổng diện tích ô đất nghiên cứu là 9.078 m2, trong đó diện tích lập dự án 7.523 m2, diện tích đất trong phạm vi mở đường theo quy hoạch khoảng 1.555 m2, diện tích đất xây dựng công trình khoảng 3.757 m2; mật độ xây dựng 50%; diện tích sân đường nội bộ, cây xanh, bãi xe khoảng 3.766 m2. Tầng cao công trình gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm. Tổng diện tích sàn tầng nổi khoảng 32.306,6 m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023,2 m2; chiều cao công trình tính từ cao độ vỉa hè đến đỉnh tum thang là 42,9m.
Sau đó, Công ty Thiết bị Bưu điện đã nộp 604,799 tỷ đồng tiền thuê đất cho diện tích dự án là 7.523 m2. Đồng thời, thực hiện nộp tiền ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án theo công văn số 401/KH&ĐT-NNS ngày 18/1/2018 của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và tiền thuê đất theo thông báo 19289/CCT-TB&TK ngày 27/9/2018 của Chi cục thuế quận Ba Đình.
Trong nửa đầu năm 2019, công ty đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất này (50 năm) với mục đích sử dụng mới.
Trong khi đó, Liên Việt Holdings đã chuyển cho Postef 836 tỷ đồng để nộp tiền thuê đất và các chi phí khác để thực hiện dự án 61 Trần Phú.
Năm 2019, Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên của POT đã thông qua chủ trương thoái phần vốn chi phối (51%) khỏi dự án 61 Trần Phú. Việc thoái vốn sẽ được thực hiện theo hình thức đấu giá công khai, với kỳ vọng mang về lợi ích lớn nhất.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 18/NQ-ĐHĐCĐ thường niên 2021 ngày 8/3/2021, công ty đã tạm dừng chủ trương này.
Thông tin với báo chí, đại diện của Công ty CP Liên Việt Holdings cho biết thêm, khi lựa chọn tham gia dự án này đơn thuần vì thấy cơ hội đầu tư đem lại hiệu quả, nhưng Liên Việt Holdings không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản. Muốn làm được thì phải liên danh với một doanh nghiệp có đầy đủ kinh nghiệm từ thủ tục, xây dựng, quản lý và khai thác. Và Him Lam với bề dày, kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản đã được lựa chọn, Liên Việt Holdings ký liên danh để thực hiện.
Cũng theo vị đại diện này, trong thoả thuận liên danh được ký vào năm 2011, cũng như phụ lục thoả thuận, Him Lam chỉ tham gia tư vấn trong giai đoạn triển khai thi công công trình và quản lý khai thác dự án sau đầu tư, phối hợp cùng Liên Việt Holdings thực hiện các công việc liên quan khác theo yêu cầu.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu kiểm tra, tạm dừng thi công toà nhà Pháp cổ 4 mặt tiền
Liên quan đến việc thực hiện lô đất kim cương này, mới đây nhất, tại Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vừa công bố, Postef cho biết, ngày 1/2/2019 công ty đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án công trình đa chức năng 61 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.
Dự án hiện tại đã hoàn thành các thủ tục xin đấu nối điện, nước, PCCC.
Đặc biệt, công ty đã nhận được quyết định ngày 4/5/2020 của UBND Hà Nội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án công trình đa chức năng Postef và được cấp giấy phép xây dựng ngày 8/12/2020 với thời hạn 12 tháng. Hiện công ty đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục để chuẩn bị khởi công dự án trong năm 2022.
Liên quan việc toà nhà Pháp cổ 4 mặt tiền cạnh quảng trường Ba Đình bị phá dỡ để xây cao ốc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, công trình này không nằm trong “Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá".
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259 ngày 26/7/2011 và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung thành phố, khu đất nêu trên thuộc Khu Trung tâm chính trị Ba Đình với yêu cầu quản lý quy hoạch và không gian kiến trúc các công trình theo "Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm chính trị Ba Đình".
Trong đó, lô G1 thuộc khu vực phục vụ chung cho Khu Trung tâm chính trị Ba Đình và có định hướng di chuyển nhà máy ra khỏi trung tâm, xây dựng thành khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp; khai thác tối đa không gian ngầm phục vụ thương mại, dịch vụ. Công trình tại đây chỉ được cao tối đa 11 tầng, mật độ xây dựng 50%.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định, việc di dời nhà máy ra khỏi khu trung tâm để xây dựng công trình đa năng với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nêu trên là phù hợp định hướng đã được Thủ tướng phê duyệt và đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
https://vtc.vn/pha-do-thi-cong-to-a-nha-phap-co-o-ha-no-i-him-lam-giu-vai-tro-gi-ar670072.html