Petrovietnam: Khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế quốc dân

Với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh và trí tuệ của những người làm dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, bằng "khát vọng, trí tuệ, chuyên nghiệp, nghĩa tình" văn hóa của mình, sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023 và những năm sắp tới, đạt nhiều thành tích, kỷ lục mới, giữ vững vai trò là Tập đoàn kinh tế nhà nước trụ cột, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngành Dầu khí là ngành mũi nhọn của hầu hết các quốc gia, cung cấp nguồn năng lượng và nguyên liệu quan trọng bậc nhất phục vụ sản xuất điện, nhiên liệu cho giao thông vận tải và các ngành kinh tế… Ngành Dầu khí còn cung cấp đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: công nghiệp hóa chất, phân bón và nhiều ngành khác, trở thành ngành năng lượng quan trọng, cần thiết đối với đời sống xã hội.

Hiện tại, dầu khí vẫn là nguồn năng lượng quan trọng bậc nhất, đang đóng góp 64% tổng năng lượng đang sử dụng toàn cầu. Đối với Việt Nam, ngành Dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, gắn liền không chỉ bài toán năng lượng mà còn là chuỗi giá trị kinh tế trong chiến lược phát triển đất nước; liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo sự tự chủ về nhiên liệu, đảm bảo nguồn năng lượng sạch, nguyên liệu đầu vào cho các ngành kinh tế như phân bón, hóa dầu, các sản phẩm hóa chất… Ngành Dầu khí góp phần đáng kể vào ngân sách quốc gia, mang lại nguồn ngoại tệ lớn, làm cân đối hơn cán cân xuất, nhập khẩu thương mại quốc tế, góp phần tạo nên sự phát triển ổn định đất nước.

Những thành tựu đáng tự hào

Kể từ khi tấn dầu thô đầu tiên được khai thác năm 1986 đến nay, ngành Dầu khí Việt Nam đã khai thác được khoảng 420 triệu tấn dầu trong nước và khoảng 170 tỷ m3 khí, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Với hơn 100 hợp đồng dầu khí đã được ký kết kể từ năm 1981 (trong đó hiện còn 51 hợp đồng dầu khí đang có hiệu lực), hoạt động dầu khí đã bao phủ hầu hết thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, đóng góp quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.

Petrovietnam: Khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế quốc dân

Hoạt động khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ

Trong hành trình xây dựng và phát triển, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) - Doanh nghiệp nòng cốt của ngành Dầu khí đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí; trong đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, đồng thời đào tạo được đội ngũ cán bộ, người lao động ngành Dầu khí hùng hậu có trình độ cao. Giai đoạn 2006-2015, Petrovietnam đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách nhà nước, 18-25% GDP cả nước.

Từ 2015 đến nay, Petrovietnam liên tục phải đối mặt với hàng loạt thách thức, khó khăn bởi những bất ổn của nền kinh tế, áp lực giá dầu giảm sâu, dịch bệnh Covid-19, các cuộc xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... Trong bối cảnh hỗn loạn, bằng bản lĩnh của "những người đi tìm lửa", Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã trụ vững và tiếp tục đạt được những kết quả đáng tự hào. Petrovietnam vẫn đóng góp cho GDP cả nước trung bình từ 10-13%; nộp ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách chung của nhà nước và chiếm 16-17% tổng thu ngân sách trung ương. Riêng nộp ngân sách nhà nước từ dầu thô chiếm 5-6% tổng thu ngân sách chung của nhà nước.

nhà máy Xử lý khí Nam Côn Sơn

Nhà máy Xử lý khí Nam Côn Sơn

Với 5 hệ thống đường ống dẫn khí lớn, hàng năm Petrovietnam cung cấp gần 9-11 tỷ m3 khí cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70-80% khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước. Petrovietnam cũng là đơn vị đứng thứ 2 về cung cấp điện với tổng công suất các nhà máy điện của Petrovietnam đến nay đạt 4.214 MW, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia. Hai nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ của Petrovietnam cung cấp ra thị trường trên 15 triệu tấn urê/năm, đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu phân bón trong nước, góp phần chấm dứt tình trạng khan hiếm phân bón, phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Công trình Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, công trình thế kỷ, biểu tượng của ngành lọc hóa dầu Việt Nam từ khi chính thức đưa vào vận hành sản xuất đến nay đã sản xuất khoảng 6 triệu tấn dầu/năm, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, đặc biệt là đáp ứng nhiên liệu theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng.

Nhà máy điện Nhơn Trạch 2

Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2

Như vậy, có thể thấy ngành Dầu khí là ngành kinh tế đặc biệt là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ và là ngành có nhiều đóng góp ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước. Không có gì ngạc nhiên khi điểm lại hàng chục dự án, nhà máy công nghiệp của ngành Dầu khí như NMLD Dung Quất, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2… Công nghiệp dầu khí triển khai ở đâu thì những nơi đó đều có kết quả phát triển kinh tế khởi sắc.

Tại Quảng Ngãi, GDP của toàn tỉnh năm 2005 đạt 11,7% với nguồn thu ngân sách chỉ đạt 500 tỷ đồng nhưng đến năm 2016 tổng thu ngân sách của Quảng Ngãi đã đạt 22,66 nghìn tỷ đồng, trong đó thu từ NMLD Dung Quất chiếm hơn 90%. Ở vùng cực Nam của Tổ quốc, cùng với việc đóng góp hàng năm gần 30% ngân sách cho Cà Mau, Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2 với công suất thiết kế 1.500 MW, đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau… có vai trò quyết định phát triển kinh tế của vùng cực Nam này. Một vùng thuần nông xưa, nay trở thành một vùng nuôi trồng thủy sản trù phú, mỗi năm xuất khẩu hàng trăm triệu USD ra thị trường thế giới. Ngay cả tại một thành phố lớn như Hải Phòng cũng có dấu ấn của ngành Dầu khí, với việc cung cấp nguyên nhiên liệu đầu vào cho việc phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần mang lại doanh thu, lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp, đồng thời đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho thu ngân sách địa phương hằng năm…

Nhà máy lọc dầy Dung Quất

NMLD Dung Quất.

Năm 2022, mặc dù gặp khó khăn, thách thức chung nhưng nhờ thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Petrovietnam đã đoàn kết, thống nhất, kỷ cương, trách nhiệm, khắc phục các khó khăn, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp. Kết thúc năm 2022, Tập đoàn đạt kỷ lục về sản lượng khai thác dầu thô với 8,98 triệu tấn, vượt 28% kế hoạch năm; sản lượng sản xuất và xuất khẩu phân đạm với 1,88 triệu tấn, vượt 17% kế hoạch, xuất khẩu 606 nghìn tấn, đóng góp 37,4% giá trị xuất khẩu phân bón; sản xuất xăng dầu đáp ứng khoảng 75% nhu cầu xăng dầu trong nước. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 931,2 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 82 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước với 170,6 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 9,6% trong tổng thu ngân sách nhà nước.

Ghi nhận những thành tích, đóng góp của tập thể lãnh đạo và cán bộ, người lao động Petrovietnam trong 61 năm qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Petrovietnam đã có những đóng góp tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Với những đóng góp trong thời gian qua, có thể nói ngành Dầu khí chính là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm tăng trưởng kinh tế của đất nước nhanh và bền vững, cũng như bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời có những đóng góp quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển.

Định hướng phát triển bền vững

Ngành năng lượng Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện chủ trương phát triển bền vững đất nước. Là một tập đoàn dầu khí quốc gia, có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một trong những trụ cột góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bên cạnh chịu sự tác động trực tiếp của sự chuyển dịch năng lượng, Petrovietnam có trách nhiệm trong việc chung tay cùng Chính phủ vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực thi thành công chiến lược phát triển bền vững.

Petrovietnam: Khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế quốc dân

Người lao động dầu khí.

Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW và để phù hợp với bối cảnh chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, Petrovietnam đã xây dựng, điều chỉnh Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và trình các cấp thẩm quyền với mục tiêu tổng quát, đó là: “Xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành tập đoàn năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực; có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”.

Chiến lược phát triển Petrovietnam gắn liền với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và bền vững, có khả năng cạnh tranh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển đất nước, đồng thời nhấn mạnh quan điểm sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động thực hiện các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tìm kiếm và phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong mọi hoạt động của Petrovietnam và được cụ thể hóa theo từng lĩnh vực hoạt động chính.

Petrovietnam: Khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế quốc dân

Hoạt động khoan trên mỏ Đại Hùng

Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, Petrovietnam sẽ tăng cường hợp tác quốc tế để nghiên cứu điều tra cơ bản và tìm kiếm, thăm dò, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch, phi truyền thống như: khí hydrate (băng cháy), khí sét, khí than, hydro, nguồn địa nhiệt... Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung nghiên cứu sử dụng hiệu quả nguồn khí tự nhiên có hàm lượng CO2 cao trong nước để có thể nhận lợi ích đồng thời từ việc sử dụng nguồn hydrocarbon và CO2 nhằm giảm phát thải khí nhà kính; song song với việc ứng dụng các giải pháp thu hồi, giảm đốt bỏ và rò rỉ khí ra môi trường, nghiên cứu tích hợp sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo.

Đối với lĩnh vực công nghiệp khí, bảo đảm thu gom tối đa sản lượng khí của các lô, mỏ khai thác tại Việt Nam nhằm hạn chế tối đa đốt bỏ khí; phấn đấu trở thành doanh nghiệp đứng đầu trong chuỗi LNG, trong đó xem xét ưu tiên đầu tư hạ tầng đi trước. Cùng với đó, tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm từ khí; phát triển lĩnh vực hóa dầu từ khí, tăng cường đầu tư chế biến sâu khí tự nhiên để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm khí, ưu tiên sử dụng nguồn khí giá rẻ trong nước để phát triển các dự án hóa dầu.

Kho LNG Thị Vải

Kho LNG Thị Vải.

Tại lĩnh vực công nghiệp điện, bên cạnh việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả và giải pháp nhằm xanh hóa các nhà máy điện, Petrovietnam sẽ ưu tiên phát triển nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí tự nhiên khai thác trong nước kết hợp với nguồn LNG nhập khẩu; tham gia đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi, nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm triển khai các công trình trên biển. Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2030 đạt 8.000-14.000 MW, trong đó nguồn điện năng lượng tái tạo chiếm 5-10% tổng công suất của Petrovietnam và đạt 8-10% tổng công suất lắp đặt hệ thống điện Việt Nam; trong đó, công suất nguồn điện năng lượng tái tạo chiếm 10-20% tổng công suất của Petrovietnam trong giai đoạn 2031-2045.

Trong lĩnh vực chế biến, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí, tập trung phát triển lĩnh vực hóa dầu (bao gồm cả hóa dầu từ khí), hóa chất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dầu khí, tạo ra các nguyên, nhiên liệu, vật liệu để phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất công nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển nhiên liệu sinh học nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ môi trường; đồng thời nghiên cứu, tìm kiếm cách thức cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm theo xu hướng thay đổi của thị trường cũng như đáp ứng các chỉ số an toàn toàn môi trường theo lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải. Ngoài ra, Petrovietnam cũng sẽ tiến tới nghiên cứu sản xuất hydro, sản xuất năng lượng tái tạo, tích hợp với nhà máy lọc hóa dầu, hóa chất, phân bón, sử dụng làm nhiên liệu cho pin nhiên liệu, định hướng hoàn thiện chuỗi giá trị hydro khâu sau.

Petrovietnam: Khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế quốc dân

Lãnh đạo Petrovietnam khảo sát khu vực dự kiến đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ dầu tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn.

Từ phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí năm 2022 và định hướng chiến lược của Petrovietnam, có thể thấy, trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, sẽ có nhiều dự án dầu khí trọng điểm và tận thu ngoài khơi sẽ được phát triển đồng bộ, làm đòn bẩy tăng trưởng cho toàn ngành.

Tại cuộc họp tổng kết cuối năm 2022 của Petrovietnam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, trong giai đoạn phát triển mới, Petrovietnam cần tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn, dịch chuyển mô hình, tăng năng suất lao động; tái tạo kinh doanh… "Tập đoàn tiếp tục đoàn kết, nâng cao tinh thần dám nghĩ, dám làm với khát vọng xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là đơn vị nòng cốt của ngành Dầu khí, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đã đề nghị Petrovietnam tiếp tục không ngừng nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp; có các giải pháp về tài chính minh bạch, phù hợp, hiệu quả tối ưu; quản trị tốt công tác đầu tư, lấy lại tiến độ các dự án trọng điểm, xử lý các tồn tại, nâng cao hiệu quả các dự án; đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường; đồng thời, tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, có chính sách tiền lương phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; quan tâm bảo đảm an toàn, môi trường và phát triển bền vững; đặc biệt tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên biển; xây dựng văn hóa doanh nghiệp; truyền thông để xây dựng thương hiệu, giúp xã hội hiểu, ủng hộ, tạo đồng thuận, xung lực, cảm hứng thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ được giao.

Với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh và trí tuệ của những người làm dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, với "khát vọng, trí tuệ, chuyên nghiệp, nghĩa tình" văn hóa của mình, người đứng đầu Chính phủ tin tưởng, Petrovietnam sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023 và những năm sắp tới, đạt nhiều thành tích, kỷ lục mới, giữ vững vai trò là Tập đoàn kinh tế nhà nước trụ cột, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân./.

https://pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/f98a5f19-ed5d-4d8b-8c30-3576a053b8a4

PV / Cổng thông tin điện tử PVN