Peter Navarro: Cố vấn tổng thống từng tù tội, tác giả thuế quan gây tranh cãi

Từng bị gạt ra ngoài lề, cố vấn của Tổng thống Trump – Peter Navarro – nhanh chóng trở lại Washington và làm xáo trộn hệ thống thương mại toàn cầu.

Từ bị hắt hủi đến được trọng dụng

Vào một ngày nắng tháng 7 tại Miami, ông Peter Navarro trở lại sau 4 tháng bị giam giữ trong nhà tù liên bang, nơi ông bị kết án vì tội khinh thường Quốc hội. Ông Navarro đã từ chối ra làm chứng trong cuộc điều tra liên quan đến vụ tấn công điện Capitol ngày 6/1, một hành động mà ông gọi là “bảo vệ Hiến pháp”.

Chỉ vài giờ sau khi được thả tự do, Peter Navarro bay đến Milwaukee để phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa nhằm ủng hộ Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch tái tranh cử.

Họ kết tội tôi, họ bỏ tù tôi. Nhưng đoán xem? Họ phải khuất phục trước tôi”, ông phát biểu trong đêm đó, nhấn mạnh từng từ khi đám đông reo hò hưởng ứng. Đó là một màn thể hiện lòng trung thành với ông Trump.

Ông Peter Navarro, Cố vấn thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)

Ông Peter Navarro, Cố vấn thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)

Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, ông Navarro thường bị chế nhạo và xem nhẹ bởi các quan chức khác trong chính quyền. Họ cho rằng các quan điểm bảo hộ mậu dịch của ông là sai lầm về mặt thực tiễn và gây nguy hiểm đối với nước Mỹ.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ hai của ông Trump, ông Navarro – nay 75 tuổi, nhà kinh tế học hoài nghi về thương mại – đã trở lại với quyền lực mạnh mẽ hơn. Ông trở lại chính phủ với tầm nhìn phục thù về nền kinh tế Mỹ, thẳng tay bác bỏ các lời chỉ trích, và mang theo hơn một chục sắc lệnh hành pháp liên quan đến thương mại mà sau này nhiều bản đã được Tổng thống Trump ký ban hành.

Khi nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Trump cán mốc 100 ngày đầu, Peter Navarro đã giúp triển khai ít nhất 6 chính sách thương mại lớn. Các bước đi này đưa thuế quan lên mức chưa từng thấy trong một thế kỷ, với mục tiêu giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào hàng nhập khẩu, buộc các nhà máy quay trở lại lãnh thổ Mỹ. Hai nguồn tin thân cận cho biết ông Navarro là người đứng sau công thức gây tranh cãi mà Nhà Trắng sử dụng để tính mức thuế dựa trên thâm hụt thương mại của Mỹ.Trong hơn 20 năm, ông Navarro – người từng học kinh tế tại Đại học Harvard và là đảng viên Dân chủ – liên tục cảnh báo về tác hại mà các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, gây ra cho người lao động Mỹ.

Ông Navarro bị cô lập trong chính quyền nhưng vẫn duy trì ảnh hưởng khi ông Trump trực tiếp hỏi đến ông với câu: “Peter của tôi đâu?”. Ông góp phần thúc đẩy chính sách thuế thép và nhôm, cứu một xưởng đóng tàu, cải cách hiệp ước bưu chính quốc tế và tổ chức sản xuất vật tư y tế trong đại dịch. Tuy nhiên, Navarro cũng gây tranh cãi vì ủng hộ thuyết âm mưu bầu cử và chống lại lệnh triệu tập của Quốc hội.

“Một hạt bụi giữa biển người”

Cách nhà tù Miami nơi ông bị giam khoảng 90 dặm về phía Bắc, Peter Navarro từng trải qua những khoảnh khắc tuổi thơ hạnh phúc nhất. Cha ông là nhạc công kèn clarinet và saxophone trong một ban nhạc chơi mùa đông ở Florida. Cậu bé Navarro khi ấy từng bán dừa và bơ, đạp xe ngang qua Mar-a-Lago và những bãi biển nguyên sơ.

Sau khi cha mẹ ly hôn, ông Navarro sống với mẹ – một người làm thu ngân và sau là quản lý tại Saks Fifth Avenue. Hai mẹ con sống khá chật vật về tài chính. Navarro học giỏi và giành được học bổng vào Đại học Tufts. Với tính cách tò mò, ông gia nhập tổ chức Peace Corps và đến Thái Lan, đồng thời du lịch đến Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Myanmar và Malaysia trong các kỳ nghỉ.

 

Điều đó khiến bạn khiêm nhường”, ông nói với The New York Times trong cuộc phỏng vấn tháng 2, “bạn chỉ là một hạt bụi nhỏ giữa biển người”.

Ông Navarro sau đó lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Harvard. Ông từng tin vào lợi ích của thương mại tự do, và vào năm 1984, xuất bản cuốn sách đầu tiên có một chương bảo vệ chính sách này.

Ông dạy kinh doanh và kinh tế tại San Diego, sau đó là Đại học California, Irvine, nơi ông được phong hàm giáo sư và giảng dạy hơn 20 năm. Ban ngày ông viết sách như Big Picture Investing hay If It’s Raining in Brazil, Buy Starbucks, và ban đêm thì đi giảng hoặc tham gia bình luận trên truyền hình.

Ông từng viết cho các tạp chí kinh tế có uy tín và đồng tác giả với một nhà kinh tế sau này giành giải Nobel. Ông cũng yêu thích thể thao ngoài trời, thường bơi, đạp xe, chèo ván và tham gia thi đấu ba môn phối hợp (triathlon).

Bên cạnh đó, Peter Navarro còn đam mê chính trị. Là một người theo chủ nghĩa bảo vệ môi trường và tự do xã hội, ông từng nhiều lần tranh cử với tư cách đảng viên Dân chủ, và từng phát biểu tại Đại hội Đảng Dân chủ năm 1996. Ông cũng từng tranh cử thị trưởng San Diego với chương trình tranh cử tập trung vào việc ngăn chặn các nhà phát triển bất động sản lớn.

Tuy nhiên, bước ngoặt trong cuộc đời ông xảy ra vào năm 2001 – khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sự kiện này đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của ông về cả Đảng Dân chủ lẫn kinh tế học dòng chính.

Cách nhìn nhận về Trung Quốc

Việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của ông Navarro về cả đảng Dân chủ và nghề nghiệp của ông.

Vào đầu những năm 2000, ông Navarro cho biết, sinh viên của ông tại Đại học California bất ngờ mất việc, và ông bắt đầu chú ý đến tác động của Trung Quốc đối với thương mại. Ông Navarro giao cho sinh viên nghiên cứu cách Trung Quốc định giá sản phẩm của họ rẻ hơn so với phần còn lại của thế giới.

Ông cho rằng giá cả hàng hoá Trung Quốc rẻ không chỉ vì lao động giá rẻ, mà còn vì những chính sách trợ cấp xuất khẩu, chính sách tiền tệ, thiếu bảo vệ người lao động và môi trường.

Ông đưa những điều đó vào bộ 3 cuốn sách ông viết về Trung Quốc. Một trong số đó là "Chết vì Trung Quốc" mà ông viết cùng Greg Autry và xuất bản vào năm 2011. Cuốn sách đã được chuyển thể thành phim tài liệu. Bộ phim bị báo chí chỉ trích là cường điệu, nhưng nó được ông Trump ủng hộ, cho rằng những điều đó đúng.

Câu hỏi hiện tại là liệu các mức thuế quan có thể chống chọi lại làn sóng phản đối đang dâng cao — và liệu có thể đạt được điều gì đó giống như những gì ông Trump và ông Navarro đã hứa hẹn hay không.

Chính quyền Trump đã áp thuế ít nhất 10% lên gần như tất cả các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ. Ngoài ra còn áp dụng thuế liên quan đến an ninh quốc gia đối với thép, nhôm và ô tô, đồng thời mở các cuộc điều tra có thể dẫn đến thuế đối với đồng, gỗ, chất bán dẫn và dược phẩm. Mỹ cũng tăng thuế trên toàn cầu đối với gần 60 quốc gia, nhưng sau đó ông Trump đã tạm dừng 90 ngày để đàm phán.

https://vtcnews.vn/peter-navarro-co-van-tong-thong-tung-tu-toi-tac-gia-thue-quan-gay-tranh-cai-ar938978.html

Quỳnh Anh(Nguồn: NY Times) / VTC News