Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng nhà lãnh đạo Ukraine “quá mạnh dạn khi tự cho mình quyền thảo luận về các vấn đề quốc tế.
“Tôi thực sự rất ngạc nhiên khi thấy Tổng thống Ukraine quá mạnh dạn cho mình quyền thảo luận các vấn đề đòi hỏi sự hiểu biết về bản chất những gì đang xảy ra” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova phát biểu trong cuộc họp báo hôm 22/8 bình luận tuyên bố gần đây của Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng, Nga sẽ có thể quay trở lại G8 và có một vị trí trong chương trình nghị sự ngoại giao cấp cao sau khi trao trả Crưm và chấm dứt cuộc xung đột ở Donbass.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova. (Ảnh: TASS) |
Bà Zakharova cũng lưu ý rằng cấu trúc của các mối quan hệ quốc tế không thể nào được hiểu rõ chỉ trong một buổi tối. “Chúng tôi nhận thức rõ rằng lĩnh vực mà vị tổng thống đương nhiệm của Ukraine đang hoạt động, tất nhiên, có một khía cạnh quốc tế, nhưng lại hơi khác một chút” - nhà ngoại giao Nga bổ sung thêm.
Bà Zakharova giải thích rằng để có thể đưa ra những tuyên bố liên quan đến việc Nga quay trở lại G8 kiểu như ông Zelensky đã làm, tốt nhất nên “tham khảo ý kiến hoặc trao toàn quyền cho các chuyên gia, những người thực sự hiểu bản chất của những gì đang xảy ra”.
“Vì những phát biểu của ông Zelensky là nhằm vào Nga, nên chúng tôi có quyền bình luận về chúng. Nói chung, có một khuyến nghị thế này: nên để các chuyên gia giải quyết vấn đề mà họ nghiên cứu, và nếu bạn không có đủ sự am hiểu trong một số vấn đề, tốt hơn là nên ủy thác các vấn đề này” - đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga kết luận.
Trước đó, Thư ký Báo chí của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov nói rằng Nga không thực sự muốn quay lại G7 bởi với nhiều vấn đề cần giải quyết, hình thức của G20 sẽ hiệu quả hơn.
"Quay trở lại G7, tức từng là G8 không phải là mục tiêu đối với Nga. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Nga cho rằng việc thảo luận các vấn đề toàn cầu hiện nay về địa chính trị, an ninh và kinh tế sẽ không hiệu quả lắm nếu không có Trung Quốc và Ấn Độ", ông Peskov nhấn mạnh.
“Vì thế, các hình thức khác, chẳng hạn như G20 sẽ có nhiều lợi thế hơn", Thư ký báo chí điện Kremlin cho biết, đồng thời nhận định thêm rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nói rằng Matxcơva sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác dưới bất kỳ hình thức nào.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump đã cùng nhất trí với nhau về việc nên mời Nga tham dự hội nghị G7 vào năm 2020.
Nga gia nhập G7 vào năm 1998. Đến năm 2014, hội nghị thượng đỉnh G8 đáng lẽ được tổ chức tại Sochi, tuy nhiên trong bối cảnh các sự kiện ở Crưm, các thành viên khác đã quyết định không đến địa điểm dự kiến, mà lại tập trung tại Brussels khi không có mặt Nga.
Tuần này, Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ được tổ chức tại Biarritz (Pháp). Giới truyền thông loan tin rằng tại Hội nghị G7 lần này, vấn đề đưa Nga tái hòa nhập G7 sẽ được đưa ra thảo luận.
Ukraine không phải là thành viên của Nhóm G7 và cả G20.
(Nguồn: TASS)