Có đề xuất cho rằng Hàn Quốc nên chi trả 5 tỷ USD theo yêu cầu của chính quyền Mỹ để tiếp tục duy trì quân đội Mỹ tại Hàn Quốc.
Tiền của đồng minh đâu?
Theo kế hoạch, hôm nay (20/8), các nhà ngoại giao Hàn Quốc và Mỹ sẽ gặp nhau ở thủ đô Seoul để đàm phán về vấn đề chia sẻ chi phí duy trì binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Tham dự đàm phán có ông Chang Won-sam thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và người đồng cấp Mỹ Timothy Betts.
Hai quan chức này là các trưởng đoàn đàm phán trong các cuộc đàm phán trước đây về Hiệp định Các Biện pháp Đặc biệt (SMA), một thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự cho việc duy trì Lực lượng Mỹ gồm 28.500 người tại Hàn Quốc (USFK). Các cuộc đàm phán sắp tới được cho là sẽ cam go trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây sức ép đòi Seoul tăng chí tiêu quốc phòng.
|
Kể từ năm 1991, Seoul đã gánh một phần chi phí trong khuôn khổ SMA để chi trả cho các dân thường Hàn Quốc được USKF thuê mướn, xây dựng các cơ sở quân sự để duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu của liên quân và các hình thức hỗ trợ khác. Trước đây, Hàn Quốc và Mỹ quyết định về khoản chia sẻ chi phí quân sự cho lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc 5 năm một lần, áp dụng mức tăng dựa trên tỷ lệ lạm phát. Tuy nhiên, ông Trump đã xóa bỏ tiền lệ này, yêu cầu tăng mạnh và rút ngắn thời hạn xuống một năm một lần.
Theo SMA lần thứ 10, Seoul đã nhất trí chi 1,04 nghìn tỉ won (858,7 triệu USD) trong năm 2019, tăng 8,2% so với năm 2018. Một số hãng truyền thông đưa tin sau chuyến thăm Hàn Quốc tháng trước của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, Washington đã yêu cầu Seoul đóng góp 5 tỷ USD, gấp 6 lần quy mô gánh vác hiện nay của Hàn Quốc.
Trong khi Hàn Quốc vẫn tỏ ra hết sức thận trọng về vấn đề này, tờ Nikkel Asian Review của Nhật Bản mới đây đăng bài viết có tựa đề "Nếu Tổng thống Trump tái cử năm 2020, ông sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc". Tác giả bài viết đề xuất rằng Hàn Quốc nên chi trả 5 tỷ USD theo yêu cầu của chính quyền Mỹ để tiếp tục duy trì quân đội Mỹ tại Hàn Quốc.
Theo bài viết, bằng việc trả 5 tỷ USD, chính phủ Hàn Quốc có thể biết được chính quyền Tổng thống Trump có nói thật hay không trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách rút khỏi Hàn Quốc.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Hàn Quốc không nên thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Trump bởi lời đe dọa của ông Trump khó có khả năng thành hiện thực và việc trả thêm tiền cho Mỹ có thể tạo tiền lệ xấu.
Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng John S. McCain cho năm tài chính 2019, đã được thông qua vào năm 2018, không bố trí ngân sách cho việc cắt giảm số quân Mỹ ở Hàn Quốc xuống dưới 22.000 người, trừ trường hợp Bộ Quốc phòng Mỹ nêu được lý do về lợi ích an ninh quốc gia và đã tham vấn với các đồng minh, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản.
|
Trái ngược với những bình luận của Tổng thống Trump rằng Triều Tiên không còn là một mối đe dọa đối với Mỹ, cộng đồng tình báo Mỹ liên tục thu thập được những tin tức tình báo đưa đến kết luận rằng Triều Tiên vẫn chưa thực hiện các bước đi cụ thể nào để dỡ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Không có sự ủng hộ rõ ràng từ giới tình báo Mỹ, Tổng thống Trump sẽ rất khó tìm ra những lý do để có thể ra lệnh rút bớt các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc.
Do đó, Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng trên thực tế đã ngăn cản khả năng Mỹ rút quân bằng cách cấm sử dụng các ngân sách của Mỹ cho mục đích này trong khi việc rút binh lính khỏi Hàn Quốc sẽ rất tốn kém. Việc cấm sử dụng ngân sách để rút quân tạo ra một trở ngại lớn đối với Tổng thống Trump.
Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng 2020 được thông qua gần đây càng "trói tay" Tổng thống Trump bằng việc đặc biệt cấm cắt giảm số binh sỹ Mỹ ở Hàn Quốc hiện đang ở mức 28.500 người như hiện nay, và đạo luật này đã được thông qua tại Quốc hội với đa số phiếu thuận.
Sự tham lam hay chiến thuật khôn ngoan?
Giới phân tích bình luận, "làm bạn" với Triều Tiên là một chuyện, còn việc rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc lại là một vấn đề khác. Bất kể động thái rút quân nào của Mỹ chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối mạnh từ Quốc hội và giới hoạch định chính sách ngoại giao Mỹ. Chính việc lo ngại Tổng thống Trump có thể rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc đã khiến Quốc hội đưa ra những điều khoản nhằm ngăn chặn động thái này của ông.
Trong bối cảnh Mỹ đang vướng vào một cuộc tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc sau khi gọi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược, việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc sẽ là một "món quà" chiến lược đối với Trung Quốc và là "hồi chuông báo tử" đối với ảnh hưởng của Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
|
Quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc giúp duy trì sự hiện diện của Mỹ tại khu vực, là một biểu hiện cụ thể của sức ảnh hưởng Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay, việc Tổng thống Trump muốn rút binh sỹ khỏi Hàn Quốc là điều không thể cả về mặt chính trị và mặt pháp lý.
Giới phân tích thậm chí còn cho rằng Hàn Quốc sẽ thật “ngớ ngẩn” nếu đồng ý trả 5 tỷ USD hàng năm cho Mỹ. Tổng chi phí hàng năm cho sự hiện diện của binh lính Mỹ tại Hàn Quốc vào khoảng 2 tỷ USD, và Hàn Quốc đã đóng góp đáng kể. Trả 5 tỷ USD sẽ đồng nghĩa với việc mang lại cho Mỹ “khoản lời” lên tới 3 tỷ USD. Liệu Hàn Quốc có chấp nhận đánh đổi bằng một thỏa thuận chỉ có lợi cho một bên như vậy?
Lý do khiến Hàn Quốc luôn chần chừ trong việc xem xét lại chia sẻ chi phí quốc phòng với Mỹ nằm ở chỗ mỗi lần như vậy, Hàn Quốc phải chi trả nhiều hơn cho Mỹ để giữ binh lính Mỹ tiếp tục ở lại Hàn Quốc. Các chính phủ Hàn Quốc tiền nhiệm đã nỗ lực hạn chế việc phải tăng đóng góp cho chính phủ Mỹ thông qua các cuộc đàm phán không khoan nhượng và nhiều động thái để lấy lòng Mỹ.
Ngược lại, vì những lý do chính trị, tại mỗi kỳ đàm phán xem xét lại chi phí, phía Mỹ luôn muốn Hàn Quốc tăng phần đóng góp của mình. Không có nhà lãnh đạo chính trị Mỹ nào có thể để mình bị đánh giá là yếu đuối khi bảo vệ những lợi ích của Mỹ. Do đó, tại mỗi lần xem xét lại việc chia sẻ chi phí, luôn có căng thẳng xảy ra, bởi Mỹ yêu cầu Hàn Quốc tăng đóng góp, còn Hàn Quốc nỗ lực tăng phần đóng góp của mình ít nhất có thể.
|
Đánh giá về động thái của Tổng thống Mỹ, đài KBS của Hàn Quốc bình luận rằng ông Trump đang coi việc nâng khoản đóng góp của Hàn Quốc là một "thành tựu" cá nhân, chuẩn bị cho việc chạy đua chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai, đồng thời lái sự quan tâm của dư luận Mỹ sang một vấn đề khác, thoát khỏi 2 vụ xả súng gây chấn động gần đây.
KBS cũng bác bỏ lập luận của ông Trump rằng Washington đang là bên chịu tổn thất. Theo ông Trump, lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc là để giúp Seoul, nên chi phí cho lực lượng này đương nhiên phải do Hàn Quốc chi trả. Trong khi Hàn Quốc khá giàu, nhưng Mỹ lại phải bỏ ra một khoản tiền khổng lồ mà không thu lại được gì.
Những phát biểu của Tổng thống Mỹ đã bác bỏ hoàn toàn bối cảnh lịch sử, ý nghĩa chiến lược, lợi ích của Mỹ, lịch sử quá trình chia sẻ chi phí quân sự giữa hai nước trong suốt thời gian qua.
KBS tái khẳng định, Tổng thống Trump đang coi việc tăng quy mô chia sẻ chi phí quân sự của NATO là một thành quả quan trọng trong nhiệm kỳ của ông. Tương tự, rất có thể ông Trump cũng sẽ nâng mạnh khoản chia sẻ chi phí quân sự của Hàn Quốc, Nhật Bản, biến nó trở thành một "chiêu bài" quan trọng để giúp ông tái đắc cử.
Đông Triều
Brazil trở thành đồng minh phi NATO của Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31/7 thông báo cho Ngoại trưởng Pompeo về việc Brazil trở thành đồng minh lớn không thuộc NATO. |
Các đồng minh Mỹ và bài toán khó ở vùng Vịnh
Anh vừa thông báo triển khai tàu chiến thứ hai đến vùng Vịnh và gia tăng mức độ báo động tại khu vực giàu dầu ... |
Mỹ nỗ lực hàn gắn 2 đồng minh Hàn - Nhật
Các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 12-7 có cuộc gặp lần đầu tiên kể từ khi Tokyo vào tuần rồi hạn chế ... |