Tất cả hàng hóa Việt Nam phải có chất lượng cao, đồng nhất và ổn định, giá cả cạnh tranh thì mới hy vọng tồn tại được ở thị trường Mỹ.
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang, mới đây, khi phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng người tiêu dùng Mỹ có thể mua hàng hóa của Việt Nam và nhiều quốc gia khác thay cho hàng Trung Quốc bị áp thuế.
Bình luận về phát biểu của người đứng đầu Nhà Trắng, PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) cho biết, nếu vì cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà người Mỹ muốn chuyển sang nhập hàng hóa của các nước khác, trong đó có Việt Nam, thay thế cho hàng Trung Quốc thì Việt Nam rất hoan nghênh. Đó là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, nhưng đồng thời đây cũng là thách thức đối với hàng Việt.
Ông lưu ý, hiện Việt Nam đang xuất siêu vào Mỹ, Mỹ cũng muốn Việt Nam phải nhập nhiều hàng hóa Mỹ để cân bằng cán cân thương mại.
"Việt Nam luôn ở trong tư thế sẵn sàng và tất cả hàng hóa của Việt Nam, trong đó có hàng nông sản, phải chuẩn bị tinh thần: chất lượng cao, đồng nhất và ổn định, giá cả cạnh tranh thì mới vào được thị trường Mỹ.
Tôi nhấn mạnh đến yếu tố ổn định của hàng Việt bởi nhiều khi doanh nghiệp của ta xuất được lô hàng này rồi, đến lô hàng kế tiếp thì chất lượng đã khác", Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành nói.
Theo vị chuyên gia nông nghiệp, xoài là một trong số ít mặt hàng trái cây của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, giá thành xoài Việt Nam được cho là cao hơn nhiều so với các loại xoài nhập khẩu đang tiêu thụ mạnh ở Mỹ, khiến người tiêu dùng Mỹ quay lại ăn xoài của Mexico.
Tương tự, Việt Nam cũng xuất khẩu xoài sang Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng người tiêu dùng các nước này thấy quá đắt đỏ nên quay về ăn xoài Thái Lan.
"Nếu chỉ xuất khẩu để báo cáo thành tích thì không làm tăng GDP của Việt Nam. Việt Nam phải chuẩn bị tư thế hàng có khối lượng lớn, đồng nhất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sẵn sàng xuất đi bất cứ nước nào, kể cả Mỹ, có như vậy mới mong thu ngoại tệ.
Hàng rào kỹ thuật của các nước phát triển, trong đó có Mỹ, vô cùng chặt chẽt. Tôi lấy ví dụ, Nhật Bản là thị trường lớn thứ 4 của rau quả xuất khẩu Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc), họ nhập khẩu thanh long Việt Nam, đó là điều rất quý.
Bản thân doanh nghiệp Việt xuất khẩu phải tổ chức trồng trọt để trái thanh long thực sự an toàn, không phải theo kiểu xuất cho đã, phía đối tác lấy mẫu phân tích thì phát hiện còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.
Thực tế, theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), 4 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng của Nhật đã kiểm tra và phát hiện nhiều lô nông sản của Việt Nam xuất khẩu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép.
Với vi phạm trên, Nhật dự kiến áp lệnh kiểm tra 100% đối với sản phẩm của các công ty vi phạm và tăng cường kiểm tra chung với các mặt hàng cùng chủng loại từ Việt Nam.
Cụ thể, rau ngò tàu (mùi tàu) tươi sẽ bị kiểm tra 100% các chỉ tiêu Chlorpyrifos, Cypermethrin, Profenofos, Hexaconazole; các mặt hàng rau ngót tươi, trà chưa lên men, nấm Fukurotake, quả thanh long tươi bị kiểm tra 30% một số chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật.
Những vi phạm như trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nông sản Việt Nam, nó để lại ấn tượng xấu cho người tiêu dùng Nhật Bản và khi những thông tin trên được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân Nhật Bản sẽ mất niềm tin đối với nông sản Việt và quay lưng. Đó là thất bại của chúng ta và nó phụ thuộc vào chính chúng ta", PGS.TS Dương Văn Chín phân tích.
Trở lại với phát biểu của Tổng thống Donald Trump, PGS.TS Dương Văn Chín một lần nữa nhấn mạnh, điều quan trọng là việc tổ chức sản xuất của doanh nghiệp Việt. Doanh nghiệp phải tổ chức ký kết với nông dân, có quy trình chặt chẽ, không chỉ phục vụ cho xuất khẩu mà ngay cả đối với người dân Việt Nam, hàng cũng phải chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Không phải hàng xuất thì sạch, còn người dân Việt thì ăn bẩn. Người Việt cũng phải ăn sạch theo tiêu chuẩn quốc tế", PGS.TS Dương Văn Chín lưu ý.
Cũng bày tỏ ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, ở thị trường tiêu dùng mà người dân đã đạt đến trình độ cao thì tự họ sẽ lựa chọn sử dụng hàng hóa của nước nào. Không ai, kể cả tổng thống có thể khuyên được người tiêu dùng.
Nhìn nhận về cơ hội của hàng hóa Việt Nam ở thị trường Mỹ khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, cơ hội ấy nằm ở trong tay những người kinh doanh.
"Nếu doanh nghiệp có năng lực kinh doanh cao thì lúc nào cũng có thể bán được hàng tốt và hiệu quả. Chiến tranh thương mại chẳng qua là cơ hội nhất thời, mà cơ hội thì xuất hiện và sẽ mất đi, cho nên các nhà kinh doanh phải hiểu rằng mình không phải là người chộp giật, phải phát triển trên những nền tảng vững chắc.
Nhà kinh doanh phải chăm chú nâng cao năng lực của mình lên, tạo ra được khả năng kinh doanh. Làm cái gì, bán cái gì, bán ở đâu, giá bao nhiêu... tất cả do năng lực kinh doanh quyết định. Nhà kinh doanh phải thành thạo công nghệ, biết công nghệ đang ở cấp nào, mua ở đâu thì tốt..., họ phải tự giải quyết các vấn đề đó", PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ.
10 năm "cuộc tình" của ngân hàng Việt và đối tác ngoại
Sau một thập kỷ, gần một nửa thỏa thuận hợp tác giữa các ngân hàng nội và cổ đông chiến lược nước ngoài đã chấm ... |
Xe đạp điện nước ngoài 'đội lốt' hàng Việt xuất sang châu Âu
Bộ Công Thương lên tiếng cảnh báo nguy cơ lượng xe đạp điện từ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Châu Âu bất ngờ ... |