Phó ban Kinh tế Trung ương kể lại những chuyện ông mắt thấy tai nghe về việc người dân, doanh nghiệp bị gây phiền nhiễu.
Phó ban Kinh tế trung ương Cao Đức Phát vẫn nhớ lần gặp gần đây với một chủ trang trại nuôi heo ở một tỉnh miền Bắc khi ông đến thăm.
Ông kể với PV Thời báo Kinh tế Sài Gòn, vị này than phiền, cứ ba tháng cán bộ y tế lại đến trang trại để lấy mẫu nước uống cho heo về kiểm tra. Mỗi lần lấy mẫu, vị này cho biết, là một lần ông bị gây phiền nhiễu. “Mới chỉ là quy chuẩn, tiêu chuẩn thôi đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, chứ đừng nói tới điều kiện kinh doanh”, ông nói.
Khi còn làm lãnh đạo ở Bộ NN-PTNT, ông Phát đã từng va chạm nhiều với các điều kiện kinh doanh của ngành mình nên rất hiểu.
Với một trang trại nuôi heo, cứ ba tháng cán bộ y tế lại đến trang trại để lấy mẫu nước uống cho heo về kiểm tra. Ảnh: TBKTSG |
Một lần, khi đang phụ trách soạn thảo Luật Doanh nghiệp 1999, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi đó là ông Lê Đăng Doanh đã mời ông Phát đến để trình bày rằng ngành nông nghiệp có ngần này giấy phép và đề nghị nên cắt bớt đi.
Ông Doanh kể, lúc đó, ông Phát cứ một mực khẳng định ngành nông nghiệp không hề có giấy phép đấy, nhưng vẫn cùng ngồi với ông rà soát, và phát hiện ra đó là các giấy phép con của các cục, vụ thuộc bộ.
Lúc đó, ông Phát nói khảng khái: “Thôi, điều kiện kinh doanh của các cục thì các ông cứ dẹp tất
Sự ủng hộ của ông Phát và nhiều vị lãnh đạo khác đã giúp Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải cắt bỏ 86 giấy phép con đầu tiên.
Theo thống kê của CIEM, 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư hiện tại đã được các ngành đẻ ra tới 3.407 điều kiện kinh doanh.
Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tính toán, cũng với 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, lại có tới 5.719 điều kiện kinh doanh.
Cho dù số điều kiện kinh doanh khác nhau nhưng có cùng một điểm: chúng nảy nở quá nhiều.
Ông Trần Hữu Huỳnh ở VCCI phải thốt lên: “Tôi rà soát điều kiện kinh doanh từ khi làm Luật Doanh nghiệp năm 1999, khi tóc còn xanh, đến nay tóc đã bạc mà điều kiện kinh doanh vẫn sinh sôi nảy nở”.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng: Phải cắt xén điều kiện kinh doanh, chặt chém quy định không thể thực hiện từ dưới lên. Phải thành lập cơ quan “chặt chém” quy định như ở Hàn Quốc (1999-2000); Thụy Điển những năm 1980, hay ở Úc…. chứ không để bộ ngành tự làm được. Ở Thụy Điển các bộ, ngành của họ phải bỏ toàn bộ quy định về điều kiện kinh doanh để xây dựng lại sau 3 tháng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI than phiền: “Giấy phép kinh doanh giờ tinh vi hơn như thủ tục thương mại. Như văn bản chấp thuận tuyến vận tải; văn bản chấp thuận của nhà sản xuất; hiện có nhiều loại quy hoạch ngành như một loại giấy phép. Loại này thường không có trình tự, không có hồ sơ”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn lưu ý: Có hàng loạt điều kiện kinh doanh can thiệp quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Đôi lúc cơ quan soạn thảo văn bản không phân biệt được chức năng quản lý và điều kiện can thiệp vào quyền tự do kinh doanh doanh nghiệp.