Ổ dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội tiếp tục tăng cao bất thường

Trong tuần qua, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm gần 1.000 ca mắc sốt xuất huyết và 71 ổ dịch mới tại 20 quận, huyện. Thông thường, sốt xuất huyết tăng mạnh vào tháng 10 và 11, nhưng năm nay bắt đầu gia tăng từ tháng 6. Theo các chuyên gia đây là điều bất thường, dự kiến đỉnh dịch sớm hơn, rơi vào tháng 9, 10. So với cùng kỳ năm 2022, sốt xuất huyết ở Hà Nội đã tăng hơn 4 lần, 30/30 quận, huyện có ca bệnh.

Nhiều ổ dịch phức tạp, kéo dài

Hoàng Mai là quận ghi nhận nhiều ổ dịch sốt xuất huyết nhất của Hà Nội trong tuần vừa qua – 13 ổ dịch. Tới phường Vĩnh Hưng, chúng tôi ghi nhận nơi đây có mật độ dân cư đông, nhiều nhà trọ cho thuê, nhiều công trình xây dựng và khu vực đất trống dùng làm nơi chứa phế thải, vật liệu xây dựng, chậu hoa, chai lọ vứt ngổn ngang… Nơi đây cũng còn nhiều bể nước nổi, 3 nghĩa trang, nên muỗi vào đẻ trứng, phát sinh nhiều ổ bọ gậy.

“Nhà tôi năm ngoái có 2 con bị sốt xuất huyết nên rất lo vì phường năm nào cũng có ổ dịch. Khu này có nhiều phòng trọ cho thuê, năm trước một người ở phòng trọ bị, sau đó 3-4 người ở cùng khu cũng mắc. Ngoài phun thuốc diệt muỗi, cả nhà đi ngủ đều mắc màn để phòng bệnh”, ông Đinh Văn Hưng, một cư dân ở đây cho biết. 

SXh6-1692834578559
Rất nhiều gia đình chủ quan để thùng nước mưa lâu ngày, muỗi vào đẻ trứng phát sinh ổ bọ gậy.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Việt Phương, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Vĩnh Hưng cho hay, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn ghi nhận 3 ổ dịch sốt xuất huyết với 14 ca bệnh, trong đó có nhiều ca là sinh viên thuê trọ. Phường đã tổ chức 3 lần diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường, phun hoá chất diệt muỗi ở 3 ổ dịch.

“Từ nay đến cuối năm, với thời tiết mưa nắng như hiện nay, sốt xuất huyết sẽ tăng cao. Vì vậy, hằng tuần phường đều tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch trên loa phát thanh. Điều quan trọng là ý thức của người dân, phải vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại nơi mình sinh sống thì mới phòng được bệnh”, ông Phương nói.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nơi có diễn biến dịch phức tạp và ca bệnh nhiều nhất của Thủ đô hiện nay là huyện Thanh Trì và Thạch Thất. Riêng tại Thạch Thất 2 xã có ổ dịch phức tạp, kéo dài, ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất là thôn Vĩnh Lộc, thôn Bùng (xã Phùng Xá, có 334 bệnh nhân) và thôn Sen, thôn Bàn (xã Hữu Bằng, có 186 ca mắc).

Điều đáng nói là năm 2022, ổ dịch sốt xuất huyết tại thôn Bùng (xã Phùng Xá) diễn biến phức tạp và kéo dài nhất của Hà Nội khi tồn tại vài tháng không dập dịch được. Năm nay, ổ dịch này lại bùng phát và trở thành một trong những ổ dịch phức tạp nhất của Thủ đô. Sự chủ quan của người dân và sự vào cuộc không ráo riết của chính quyền cơ sở ngay từ đầu đã dẫn đến “lịch sử lặp lại” và sốt xuất huyết lây lan nhanh chóng. 

Theo ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, qua kết quả kiểm tra, giám sát công tác xử lý ổ dịch tại xã Phùng Xá cho thấy, ổ dịch không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu do thiếu lực lượng tham gia diệt bọ gậy. Thêm vào đó, kỹ năng diệt bọ gây của đội xung kích chưa tốt, để sót nhiều ổ bọ gậy; ý thức người dân chưa cao, không quan tâm đến các hoạt động phòng chống dịch; chỉ số bọ gậy sau xử lý đều cao vượt ngưỡng nguy cơ. Sau đó, ổ dịch này đã lây lan sang xã Hữu Bằng là xã tiếp giáp với Phùng Xá.

Còn ổ dịch tại thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) ghi nhận 217 bệnh nhân, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, giám sát cho thấy, ổ dịch này cũng không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu. Kết quả kiểm tra của CDC Hà Nội đều ghi nhận chỉ số bọ gậy cao vượt ngưỡng nguy cơ.

Đừng chủ quan khi đỉnh dịch sắp đến

Những năm trước, sốt xuất huyết tập trung đông ở nội thành Hà Nội thì từ năm 2022 đến nay, ghi nhận số ca mắc và ổ dịch nhiều nhất lại ở vùng ven, huyện ngoại thành. Theo thống kê, thời gian vừa qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức tiếp nhận điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết nhiều nhất (hơn 100 ca), tiếp đến là Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội 79 ca và Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị 68 bệnh nhân.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày trung bình tiếp nhận 10-20 ca mắc sốt xuất huyết là người Hà Nội vào nhập viện. Trong số đó, có khoảng 5-10% bệnh nhân có biểu hiện nặng.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 326 ổ dịch sốt xuất huyết với 4.058 ca mắc, hiện còn 129 ổ đang hoạt động tại 27 quận, huyện, thị xã. Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, đỉnh dịch năm nay của Hà Nội có thể rơi vào khoảng tháng 9, tháng 10, tương tự như những năm ghi nhận nhiều bệnh nhân: năm 2015 có 15.412 ca; năm 2019 có 12.255 ca; năm 2020 có 19.771 ca.

Lý giải cho sự gia tăng này, ông Cương cho biết, thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26-32 độ C, tạo thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều nơi vượt ngưỡng dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Thời điểm này, sinh viên các trường đại học, cao đẳng từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học làm gia tăng số lượng đối tượng cảm nhiễm với bệnh.

Nguyên nhân bùng phát các ổ dịch phức tạp, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, một số nơi còn lơ là trong phòng chống. Nhiều địa phương cho biết, trước đây hoá chất diệt muỗi do CDC Hà Nội cung ứng, nay đã chuyển về các quận, huyện đấu thầu mua sắm. Vì vậy, còn gặp khó khăn trong công tác đấu thầu mua hoá chất.

Nhiều nơi thiếu nhân lực cho phòng chống dịch, ý thức người dân chưa cao. BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội lo lắng: “Năm 2022, tháng 8 dịch mới gia tăng, nhưng năm nay, ngay từ tháng 7, dịch đã gia tăng, sớm hơn 1 tháng. 5 năm trở lại đây, Hà Nội ghi nhận trung bình 1.000 ca/năm. Năm nay dự báo số ca mắc có thể không dưới 19.000 ca. Nếu không có các biện pháp phòng chống quyết liệt, hiệu quả, nguy cơ dịch bệnh còn gia tăng hơn nữa”.

Theo CAND