Ồ ạt đề xuất xây dựng sân bay - nhu cầu thật hay ảo?

Liên tiếp các địa phương có đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT được bổ sung vào quy hoạch việc xây dựng sân bay để phát triển kinh tế, xã hội. Dù vậy, các con số cũng như lý do đưa ra mới chỉ dừng lại ở mức chung chung và toàn… màu hồng.

Mạng lưới sân bay trải khắp nước

Bộ GTVT đã có tờ trình về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch đang được Thủ tướng Chính phủ lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan trước khi phê duyệt thì liên tiếp các địa phương xin được xây dựng sân bay. Đáng nói, hầu hết đều khá mạnh mẽ khi đề xuất trong trường hợp ngân sách Nhà nước hay Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) không đầu tư được thì giao cho địa phương kêu gọi vốn xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Mới đây nhất, UBND tỉnh Lai Châu vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP. Cùng đó, đề nghị giao UBND tỉnh Lai Châu làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án. Lãnh đạo tỉnh cam kết triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Theo đó, định hướng đến giai đoạn 2030 là sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp III; công suất 0,5 triệu hành khách/năm và diện tích sử dụng đất là 167ha; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng; địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên.

1
Sân bay Phú Bài (Huế) đang được đầu tư mở rộng nhà ga T2

Trong khi đó, khu vực phía Tây Bắc hiện cũng đã và đang được phê duyệt, triển khai Cảng hàng không Điện Biên (tỉnh Điện Biên), Cảng hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La). Còn ở miền núi phía Đông Bắc thì tỉnh Cao Bằng cũng đề xuất xây sân bay Cao Bằng từ lâu, tỉnh Lào Cai đề xuất xây dựng sân bay Sa Pa. Xuôi về miền khu vực miền Trung, mạng lưới các sân bay cũng đã dày đặc và theo đánh giá là đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân tại thời điểm này và tầm nhìn đến nhiều năm sau. Tuy vậy, nhiều địa phương vẫn tiếp tục kiến nghị được đầu tư xây dựng sân bay. Cụ thể như tỉnh Hà Tĩnh đề xuất quy hoạch Cảng hàng không Hà Tĩnh có diện tích từ 300ha đến 450ha tại các xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà), Cẩm Dương, Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên).

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, với mỗi sân bay cần phải có nghiên cứu đầy đủ về quy mô, năng suất. Các nghiên cứu, tính toán này phải dựa trên cơ sở thực tiễn chứ không thể cứ đề xuất xây dựng với những con số rất đẹp nhưng lại rất mơ hồ, sau đó doanh nghiệp nhân danh việc này sẽ được sử dụng hàng trăm hecta đất.

Hay như tỉnh Quảng Trị cũng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư sân bay tại huyện Gio Linh. Trong giai đoạn 1, sẽ xây dựng các công trình cơ bản của Cảng hàng không Quảng Trị đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp II theo quy hoạch. Công suất theo dự báo khai thác khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042. Đi tiếp vào khu vực Nam Trung bộ thì có đề xuất xây dựng sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận), sân bay Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận)… Trong khi đó, hệ thống cảng hàng không, sân bay hiện do ACV quản lý, khai thác và sân bay quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn SunGroup đầu tư, khai thác thì hầu hết đang trong cảnh thu không đủ bù chi. Một số sân bay có lượng khách qua lại vẫn rất khiêm tốn như sân bay quốc tế Vinh, sân bay Phú Bài, sân bay Đồng Hới, sân bay Phú Yên…

2
Phối cảnh sân bay Quảng Trị đặt tại huyện Gio Linh

Cần đề phòng nhân danh đầu tư sân bay để “ôm” đất

Tại các văn bản đề xuất xây dựng sân bay, các địa phương đều nêu ra những lý do hết sức “to lớn” và thiết thực như thúc đẩy phát triển ngành kinh tế du lịch, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách… Dù vậy, chưa có tờ trình của địa phương nào nêu được thực trạng cũng như cơ sở khoa học rằng, có thực sự cần thiết xây dựng sân bay hay không và trong bao lâu nhà đầu tư có thể thu hồi được vốn? Đó còn chưa kể, một loạt các sân bay hiện có đều cũng đang đề xuất được nâng cấp, mở rộng, nâng cấp lên sân bay quốc tế như sân bay Vinh (tỉnh Nghệ An), sân bay Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa), sân bay Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), sân bay Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng)… dù thực chất ít địa phương nêu được cơ sở khoa học chứng minh sân bay đã hoặc sắp mãn tải, cần phải đầu tư mở rộng.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, tờ trình về Quy hoạch các hệ thống sân bay của Bộ GTVT dù đã được gửi lên Thủ tướng Chính phủ nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề. “Chúng ta cần phải xây dựng quy hoạch mạng lưới sân bay trên cả nước một cách hợp lý, có cơ sở khoa học, có lý luận và quan trọng nhất phải đưa ra những định lượng rõ ràng về năng suất sân bay, nhu cầu thật hay ảo… chứ không thể mơ hồ như thời gian qua được” - PGS.TS Nguyễn thiện Thống nói.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, một địa phương được đầu tư xây dựng sân bay thì phải đáp ứng những tiêu chí nhất định, chứ nơi nào cũng báo cáo có nhu cầu nhưng toàn là cảm tính. “Địa phương nào cũng mạnh mẽ đề xuất, kêu gọi vốn PPP không cần ngân sách Nhà nước. Nhưng nếu quyết định vội vàng thì đây là một sai lầm về chính sách. Nhiều nơi lợi dụng, lấy danh nghĩa làm sân bay để quy hoạch đất đai, sân bay chỉ là cái cớ để lạm dụng. Do vậy, cần đề phòng nạn tham nhũng đất đai nhân danh xây sân bay” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, với mỗi sân bay cần phải có nghiên cứu đầy đủ về quy mô, năng suất. Các nghiên cứu, tính toán này phải dựa trên cơ sở thực tiễn chứ không thể cứ đề xuất xây dựng với những con số rất đẹp nhưng lại rất mơ hồ, sau đó doanh nghiệp nhân danh việc này sẽ được sử dụng hàng trăm hecta đất. “Tôi lấy ví dụ sân bay Phú Bài tại Huế, đây là kinh đô cũ của nước ta, cũng được kỳ vọng đón lượng lớn du khách, nhưng thực tế hiện nay thì sao? Trong khi tỉnh Quảng Trị có tiềm năng hay thế mạnh gì để thu hút được du khách đến mà xây dựng sân bay năng suất 2 triệu hành khách/năm?” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đặt câu hỏi.

Hiện nay, nhiều chuyên gia đều chung quan điểm nên đầu tư sân bay có trọng điểm, tránh tình trạng phát triển ồ ạt không hiệu quả. Ngoài ra, theo TS Bùi Văn Võ - Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam, dự thảo quy hoạch chủ yếu tập trung cho hệ thống cảng hàng không, sân bay phục vụ loại hình hoạt động bay thương mại mà chưa bao quát tổng thể đến các loại hình khai thác khác như hàng không chung và hàng không chuyên dụng. “Hiện hầu hết các sân bay của nước ta là sân bay hỗn hợp (dân dụng và quân sự) nên cần có đánh giá cả hoạt động bay quân sự trong quy hoạch, trong đó xác định rõ ràng sân bay nào sẽ là sân bay dân dụng và bổ sung quy hoạch hệ thống sân bay chuyên dùng. Chưa kể, giai đoạn 2021 - 2030 có 13 cảng hàng không quốc tế và đến năm 2050 là 15 cảng hàng không quốc tế thì số lượng này đã phù hợp hay chưa?” - TS Bùi Văn Võ nói.

Ngân Tuyền / ANTĐ