Nhùng nhằng, kéo dài thời gian khắc phục sự cố cầu Vàm Cống là do nhà thầu muốn tìm lý do, giảm thiệt hại, chia sẻ rủi ro cho mình.
Tìm kẽ hở, chia sẻ rủi ro
Liên quan tới sự cố nứt dầm thép ngang cầu Vàm Cống, Bộ GTVT đã công bố phương án khắc phục sự cố là thay 70% diện tích dầm ngang.
Tuy nhiên, dù đã xác định rõ nguyên nhân cũng như đưa ra phương án khắc phục, sửa chữa song phía Bộ GTVT vẫn cho thấy sự khó chịu về thái độ thiếu tôn trọng chủ đầu tư, thậm chí còn "phớt lờ" văn bản mời làm việc của đơn vị này gửi tới nhà thầu chính Liên danh GS Engineering & Construction và Hanshin Engineering & Contrustion Co., Ltd (Hàn Quốc).
Bình luận về hiện tượng trên, có chuyên gia đã nói thẳng đó là "hệ lụy từ nguồn vốn vay ODA".
Nứt cầu Vàm Cống. Ảnh: Dân trí
Tham gia phân tích thêm, TS Dương Đình Giám-nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết, việc nhùng nhằng, kéo dài thời gian khắc phục sự cố cầu Vàm Cống là do nhà thầu muốn tìm lý do, giảm thiệt hại, chia sẻ rủi ro cho mình.
Vị chuyên gia nói rõ, những vấn đề trục trặc trong các dự án có sử dụng nguồn vốn ODA của nước ngoài hoặc trong các dự án xây dựng khác được xem là những rủi ro bình thường vẫn xảy ra.
Việc xác định nguyên nhân phải dựa trên các điều khoản thỏa thuận trong ký kết hợp đồng giữa các bên được thực hiện như thế nào?
Trong đó có các nội dung quy định cụ thể như: các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án được chủ đầu tư đưa ra để đặt hàng nhà thầu thi công thì nhà thầu có bảo đảm được các tiêu chuẩn như ký kết hay không?
Trong trường hợp, nhà thầu đã tuân thủ đúng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật theo hợp đồng mà sự cố vẫn xảy ra thì phải xem lại khâu thiết kế.
Có nghĩa là, ngay từ khâu thiết kế đã có vấn đề dẫn tới việc đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu của dự án. Lỗi thuộc về đơn vị thiết kế.
Còn đối với trường hợp, thiết kế chuẩn, các tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm nhưng trong quá trình thi công vẫn đề xảy ra sự cố thì phải xem xét lại chất lượng thi công của nhà thầu.
Ví dụ, thiết kế quy định dầm ngang phải sử dụng thép dày 20 phân nhưng nhà thầu lại chỉ sử dụng thép dày 10 phân thì đương nhiên khi xảy ra sự cố là trách nhiệm của nhà thầu.
Tiếp theo, khi đã xác định rõ cả phía nhà thầu và thiết kế còn phải xem xét thêm cả tác động từ phía thi công. Có hai khả năng, một là thiết kế chuẩn, nhà thầu làm đúng nhưng thi công sai. Hoặc nhà thầu sai, thiết kế sai, thi công cũng sai thì sự cố xảy ra là đương nhiên.
Tới đây lại liên quan tiếp tới bộ phận giám sát, kiểm tra thực hiện thi công dự án có bảo đảm hay không, có làm hết trách nhiệm hay không? Ai là đơn vị giám sát...?
Như vậy, ở đây có rất nhiều vấn đề, nhiều nguyên nhân có khả năng dẫn tới sự cố tại cầu Vàm Cống bắt buộc phải được làm rõ.
Việc làm rõ nguyên nhân là cách nhanh nhất đi đến kết luận ai phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm khắc phục, xử lý thuộc về ai?
Khi làm rõ được những vấn đề trên sẽ buộc được nhà thầu Hàn Quốc phải nhanh chóng khắc phục sự cố.
Tuy nhiên, theo vị TS có tình trạng nhà thầu chây ì, thậm chí phớt lờ những yêu cầu từ phía chủ đầu tư ngoài lý do chưa làm rõ được trách nhiệm cụ thể của các bên thì còn lý do do chi phí khắc phục sự cố quá lớn mà nếu làm thì nhà thầu sẽ bị lỗ do đó nhà thầu cố tìm cách kéo dài thời gian, tìm kiếm các kẽ hở trong hợp đồng để vin vào, tìm cách giảm thiệt hại cho mình.
Chào đón nhưng không dễ dãi
TS Dương Đình Giám cho rằng, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn vốn đầu tư thì vốn ODA chính là một kênh quan trọng giúp Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, cùng với mặt tích cực cũng phải thừa nhận có những mặt trái từ đồng vốn này khiến chúng ta rơi vào thế bị động, bị nhà thấu ép một cách quá đáng.
Ngoài những ràng buộc trong quy định vay vốn ODA về mặt kinh tế, chính trị khiến chúng ta bị làm khó thì TS Dương Đình Giám còn cho rằng, ở Việt Nam vẫn đang tồn tại một luồng tư duy vốn ODA là vốn viện trợ, được "cho không biếu không".
Đây là tư duy sai lầm, khiến nhiều người, nhiều nơi, nhiều dự án vẫn xem việc vay được ODA là một thành tích, vay càng nhiều càng tốt.
Chính từ tư duy sai lệch như vậy nên đã có sự dễ dãi, xuê xoa, thậm chí có sự xuống nước, nhượng bộ cho nhà thầu khi thỏa thuận, ra điều kiện giàng buộc trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của nhà thầu đối với dự án, đối với chủ đầu tư khi ký kết hợp đồng vay vốn ODA.
"Việc này thực tế là tự chúng ta đã làm khó chúng ta.
Trong khi đó, mục đích cuối cùng của thu hút ODA là "hiệu quả" lại không được ghi nhận một cách toàn diện, còn những hệ lụy đi theo thì đang để lại những tiền lệ xấu cho các dự án ODA học theo như: chậm tiến độ, đội vốn, thất thoát, lãng phí, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường... thì ngày càng phổ biến nhưng không xử lý được", TS Dương Đình Giám chỉ rõ.
Chính từ những bất cập nêu trên, vị TS cho rằng, để hạn chế được những rủi ro, tránh rơi vào thế bị động để nhà thầu ép một cách quá đáng, Việt Nam cần phải thay đổi tư duy vay vốn.
"Chúng ta luôn chào đón ODA nhưng không dễ dãi. Phải tỉnh táo, không tạo sơ hở cho nhà thầu lợi dụng.
Quan trong hơn là thu hút ODA phải có chọn lọc, có trọng tâm, không vì thấy tiền mà hoa mắt mà xuê xoa, dễ dãi", vị chuyên gia lưu ý.
Nứt cầu Vàm Cống hi hữu thế giới: Hệ lụy vốn vay?
Không loại trừ, có khả năng nhà thầu đang sử dụng hợp đồng vay vốn để ràng buộc, hỗ trợ, giảm chi phí cho chính ... |
Nứt cầu Vàm Cống hi hữu thế giới: \'Nhà thầu phớt lờ\'
Chủ đầu tư mời Chủ tịch GS E&C sang cùng làm việc, tuy nhiên, phía GS E&C không có bất kỳ hành động và phản ... |