Mỹ đang dẫn đầu giải pháp mới mẻ giúp tháo gỡ cuộc xung đột Israel và Palestine trong nhiều năm qua bằng việc phân chia nguồn nước.
Nguồn nước là vấn đề trầm trọng của Palestine.
Trong 20 năm qua, Israel và Palestine đã tiếp cận đàm phán hòa bình với giả định sai lầm rằng, để đạt được thỏa thuận, tất cả các vấn đề cốt lõi phải được giải quyết cùng một lúc.
Tuy nhiên khi xung đột tiếp diễn, những bất đồng cần được tháo gỡ dần dần trên từng khía cạnh. Điều này đã được chứng minh khi phái viên Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump - Jason Greenblatt đang đạt được thành công bước đầu từ một giải pháp không nhiều người nghĩ tới - nước sạch.
Đối với cộng đồng người Palestine đang sống trong cảnh thiếu nước trường kỳ, một thỏa thuận từ Israel trong việc hỗ trợ nguồn tài nguyên quý giá này tăng thêm 50% mỗi năm sẽ cải thiện đáng kể đời sống của người dân nơi đây.
Vùng lãnh thổ của Israel và Palestine phần lớn là những sa mạc khô cằn khan hiếm nguồn nước. Theo thỏa thuận hòa bình Oslo, phía Palestine có quyền khai thác đến 108 nguồn nước. Tuy nhiên, vấn đề phân chia nguồn nước trong nhiều năm qua thường không được quan tâm do bị các lĩnh vực khác che mờ.
Hiện chỉ có 1/3 nguồn nước được khai thác để cung cấp cho người dân Palestine, số còn lại đều bị Isarel chiếm giữ và quản lý. Chính việc phân chia nguồn nước bất hợp lý đã làm tình hình căng thẳng và làm bùng nổ thêm cuộc đối đầu vốn đã dai dẳng giữa hai dân tộc. Do đó, vai trò trung gian hòa bình của Mỹ thông qua việc chia sẻ nước giữa Israel-Palestine đang được giới quan sát ca ngợi, ủng hộ.
Mỹ nhận rõ tầm quan trọng của an ninh nguồn nước trên bình diện quốc tế khi mới đây đã công bố chiến lược nước toàn cầu với sự phối hợp hoạt động của 16 cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ và các đối tác tư nhân. Chính phủ Israel công nhận nước là một vấn đề an ninh quan trọng, đồng thời coi đây là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi trong bối cảnh cuộc xung đột Israel-Palestine vẫn diễn ra gay gắt. Đối với Chính phủ Palestine, nước này đang nỗ lực tăng cường nguồn cung cấp nước để đáp ứng nhu cầu cơ bản, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như khát vọng trong việc phát triển nguồn lực của riêng mình.
Israel là quốc gia luôn tự hào về công nghệ sản xuất nước dồi dào và tiết kiệm khi có thể lọc nước ngọt từ nguồn nước mặn Địa Trung Hải. Hiện nay 70% lượng nước uống của Israel được sản xuất bằng phương pháp khử muối và 85% nước thải được xử lý và tái sử dụng để đáp ứng nhu cầu nông nghiệp.
Giờ đây khi bước vào thời kỳ khô hạn, Israel không còn phải chịu đựng tình cảnh thiếu nước như trước kia. Với nguồn nước giàu có của mình, Israel được cộng đồng quốc tế hy vọng sẽ ngồi vào bàn đàm phán hướng tới thỏa thuận phân bổ hợp lý nguồn nước tự nhiên cho người Palestine, giúp giải quyết một trong những vấn đề cốt lõi gây rắc rối cho tiến trình hòa bình.
Dẫu vậy, cả hai bên đã từ chối đàm phán về việc tái phân bổ nguồn nước tự nhiên và muốn bất kỳ thỏa thuận nào về nước vẫn phải là điều kiện đi kèm với các vấn đề chính thức khác như đường biên giới và người tị nạn.
Các chính trị gia Israel nhấn mạnh một thỏa thuận về nguồn nước sẽ cần kết hợp với sự thỏa hiệp của phía Palestine về người tị nạn. Tuy nhiên, phía Palestine cho rằng, họ không thể đánh đổi sự cần thiết của một thỏa thuận về nước để giảm bớt áp lực đối với các vấn đề khác.
Cuộc xung đột Israel và Palestine vẫn kéo dài nhiều năm qua.
Việc thiếu và khan hiếm nước không những làm ảnh hưởng đến kinh tế, đặc biệt là trong canh tác nông nghiệp của người Palestine mà còn gây nguy hại đến sức khỏe. Ở Bờ Tây, khoảng 60 triệu m3 nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm đổ ra biển Địa Trung Hải mỗi năm. Tại Gaza, nước thải làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, đồng thời khiến cho hầu hết các bãi biển ở Gaza và một số ở Israel buộc phải đóng cửa.
Thiếu tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường không đầy đủ đã dẫn đến sự lây lan của những dịch bệnh khó lường. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ dịch tả và các loại bệnh truyền nhiễm khác ở Gaza và lập luận rằng nguồn nước ô nhiễm là mối đe dọa môi trường và an ninh quốc gia của Israel.
Theo số liệu đưa ra tại Tòa án Tối cao Pakistan, 83% nguồn cung cấp nước ở Sindh, khu vực đông dân thứ hai ở Pakistan, đang bị ô nhiễm bởi nước thải và chất thải công nghiệp. Tỷ lệ này là 90% ở Karachi, thành phố lớn nhất và là trung tâm tài chính của đất nước. Thậm chí tệ hơn, có đến 60 triệu người trên khắp đất nước có thể đã tiếp xúc với chất độc asen gây chết người bị rò rỉ vào nguồn nước ngầm.
Hiện nay, vẫn có đến hàng triệu người Palestine không được sử dụng nước sạch và luôn trong tình trạng “khát nước”. Nước không còn là vấn đề kinh tế hay sức khỏe mà còn là vấn đề chính trị vì liên quan đến sự tồn vong của cả một dân tộc. Giới quan sát đang kêu gọi chính quyền Trump sẽ gạt bỏ những bất đồng qua một bên để ưu tiên các dự án nước vì lợi ích của một Trung Đông ổn định hơn.
Rõ ràng, việc phân bổ công bằng và hiệu quả nguồn nước ngọt của khu vực có thể là chìa khóa mở ra một con đường quan trọng cho sự ổn định vững vàng ở Trung Đông. Ngược lại, sự bền vững của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào ở nơi đây sẽ bị tổn hại và nguy cơ có xung đột, chiến tranh cũng có thể xảy ra nếu nguồn nước không được phân bổ một cách công bằng và được quản lý một cách hiệu quả.
Iran dọa tấn công mọi căn cứ Mỹ tại Trung Đông
Phó tư lệnh vệ binh cách mạng Iran cảnh báo nước này có thể tạo "địa ngục" cho Israel, đủ sức phá hủy mọi căn ... |
Tổng thống Philippines cảnh báo các nước Trung Đông
Tổng thống Duterte đe doạ sẽ cấm người lao động Philippines sang làm việc tại Trung Đông nếu chính phủ các nước này không đảm ... |