- Tổng thống Biden thúc giục Quốc hội thông qua biện pháp kiểm soát súng đạn
- Canada ra dự luật "đóng băng" vũ khí, Mỹ vẫn "đang thảo luận" về kiểm soát súng đạn
Ngành công nghiệp súng ở Mỹ có ảnh hưởng không nhỏ đến chính giới nước này, đặc biệt vào thời điểm các cuộc bỏ phiếu quan trọng sắp diễn ra.
Hàng loạt vụ xả súng ở Mỹ gây chấn động thời gian gần đây, khiến vấn đề bạo lực súng đạn và các giải pháp kiểm soát vũ khí cá nhân một lần nữa được chú ý. Nhưng câu chuyện về quyền sở hữu súng vốn gây tranh cãi từ lâu và có thể là "ẩn số" ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử ở xứ cờ hoa.
NRA và "gun lobby"
Theo Time, trong nhiều năm, những người ủng hộ các quy định hạn chế súng ở Mỹ cho rằng, cuộc khủng hoảng súng ở nước này có lỗi phần lớn do Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA). Sau vụ xả súng hàng loạt tại trường tiểu học Robb ở Uvalde, Texas, cả Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Obama đều nhắc đến “vận động hành lang súng” (gun lobby) như một trong những “thủ phạm”.
"Khi nào chúng ta mới có thể chống lại việc vận động hành lang này?”, ông Biden từng nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: TTXVN)
Theo BBC, NRA được hai cựu chiến binh Mỹ thành lập vào năm 1871. Ban đầu, đây giống như một nhóm giải trí được thiết kế để "thúc đẩy và khuyến khích bắn súng trường trên cơ sở khoa học".
Năm 1975, tổ chức thành lập một nhánh vận động hành lang, gọi là Viện Hành động Lập pháp, được cho là để cố gắng tác động đến các chính sách của chính phủ. Năm 1977, nhóm thành lập Ủy ban Hành động Chính trị (PAC) của riêng mình, giúp phân phối các nguồn quỹ ủng hộ các chính trị gia.
Theo Financial Times, lúc này, Harlon Carter - người ủng hộ các quyền về súng, từng bắn chết một cậu bé 15 tuổi khi 17 tuổi - trở thành người đứng đầu các hoạt động của NRA. Dưới sự giám sát của Carter, tổ chức đã tăng gấp ba số thành viên lên 3 triệu và tập trung nguồn lực vào điều chỉnh quyền sở hữu súng.
NRA từng là một tổ chức tương đối lưỡng đảng trong các nỗ lực quyên góp và vận động hành lang. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhóm được cho là đã trở nên gắn bó chặt chẽ với đảng Cộng hòa.
(Ảnh minh họa)
Theo dữ liệu OpenSecrets, một cơ quan giám sát chi tiêu chính trị, 98 trong số 100 người hưởng lợi nhiều nhất từ tiền quyên góp của NRA trong quốc hội Mỹ kể từ năm 1989 là đảng viên Cộng hòa. Trong đó Mitt Romney, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Utah, từng cho biết ông không ủng hộ dự luật mở rộng kiểm tra lý lịch cho những người mua súng. Roy Blunt, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ Missouri, cảnh báo lãnh đạo Thượng viện Chuck Schumer rằng việc gấp rút tiến hành luật kiểm soát súng sẽ chỉ khiến các phiếu "chống" hàng loạt xuất hiện.
NRA cũng chi rất nhiều cho việc ủng hộ các ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa, bao gồm cả ứng cử viên Donald Trump vào năm 2016.
Wayne LaPierre, Phó Chủ tịch điều hành của Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở Orlando, Florida, Mỹ ngày 28/2/2021.
Nhìn chung, đây là một trong những nhóm vận động hành lang mạnh mẽ nhất ở Mỹ, với ngân sách đáng kể thu từ phí thành viên, phí các chương trình, đóng góp, quảng cáo,... Một phần ngân sách này được cho là đến từ các công ty sản xuất súng, lên đến hàng chục triệu USD - với những cái tên như Midway USA, Springfield Armory, Pierce Bullet Seal Target Systems, Beretta USA Corporation, Cabala's, Sturm Rugar & Co, Smith & Wesson, theo Business Insider. Một số công ty còn trực tiếp trích doanh thu cho NRA, khiến ngân sách của tổ chức có liên quan trực tiếp đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp súng đạn.
Năm 2020, NRA đã chi tiêu khoảng 250 triệu USD, nhiều hơn tất cả các nhóm vận động kiểm soát súng ở Mỹ cộng lại, theo BBC. Trong đó, theo con số chính thức, tổ chức chi khoảng 3 triệu USD mỗi năm để tác động đến chính sách súng, chưa tính đến những khoản chi thông qua PAC và các quỹ độc lập – thường rất khó theo dõi.
Theo BBC, tổ chức "cho điểm" các thành viên quốc hội từ A đến F về mức độ thân thiện với quyền sử dụng súng. Với số lượng thành viên lớn (nằm trong khoảng 3-5 triệu người), NRA được cho là có khả năng ảnh hưởng lớn đến số phiếu trong một cuộc khảo sát tranh cử, khiến các ứng cử viên ủng hộ quyền kiểm soát súng gặp bất lợi.
Ảnh hưởng trong các cuộc bầu cử
Nhìn chung, bạo lực súng đạn là một vấn đề luôn trở đi trở lại trong các cuộc bầu cử ở Mỹ, bắt nguồn từ bất đồng quan điểm chính trị sâu sắc và ảnh hưởng từ các nhóm như NRA.
Hiện các nhà vận động Mỹ hoan nghênh kế hoạch lưỡng đảng về cải cách an toàn súng, nhưng nhấn mạnh các đề xuất này không đi đủ xa. Các kế hoạch bao gồm việc kiểm tra gắt gao hơn đối với người mua súng dưới 21 tuổi và trấn áp các hoạt động mua bán súng bất hợp pháp.
Kế hoạch do một nhóm thượng nghị sĩ liên đảng công bố, trong đó có sự ủng hộ của 10 đảng viên Cộng hòa. Trong khi đảng Dân chủ ca ngợi đề xuất là "hoành tráng", đảng Cộng hòa cho rằng thỏa thuận vẫn "hạn chế về quy mô".
Điều này cho thấy sự phức tạp chính trị xung quanh vấn đề, cũng như hy vọng mong manh của các nhà lập pháp Mỹ trong việc liên minh giải quyết "điểm nóng" bế tắc kéo dài nhiều năm. Trong khi đó, nước này chuẩn bị bước vào các cuộc bầu cử giữa kỳ quyết định tương lai chính sách hai năm tới.
Như những lần khác, cuộc tranh cãi về kiểm soát súng giữa bên ủng hộ và bên phản đối diễn ra gay gắt, và được cho là sẽ trở thành vũ khí chính trị.
Quan chức phụ trách truyền thông của Ủy ban quốc gia Dân chủ Mỹ, Daniel Wessel cáo buộc đảng Cộng hòa "một lần nữa chọn vận động hàng lang cho súng đạn thay vì con em chúng ta" và cam kết rằng "đây là sự tương phản mà chúng tôi sẽ cho cử tri thấy hàng ngày từ bây giờ cho đến ngày bầu cử”.
Kiểm soát súng nói riêng và các chính sách về súng nói chung có thể đóng vai trò là một yếu tố khiến các ứng cử viên thu hút được nhiều cử tri hơn. Song, theo các chuyên gia của CBS News, ứng cử viên và cử tri đảng Dân chủ chú trọng đến điều này hơn đảng Cộng hòa. Trong khi cử tri đảng Dân chủ đặc biệt hăng hái khi xem xét vấn đề súng có thể ảnh hưởng như thế nào đến phiếu bầu của họ, đảng Cộng hòa có xu hướng ít thay đổi lập trường vì vấn đề này hơn.
Người biểu tình kêu gọi luật kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn. (Ảnh: BBC)
Theo Fox News, cố vấn lâu năm của đảng Cộng hòa Colin Reed lưu ý, trước các vụ việc gây chấn động, bầu không khí chính trị đã rất luận lợi cho đảng Cộng hòa. Đột nhiên hoàn cảnh thay đổi theo chiều hướng bất lợi, và “tôi tin rằng đảng Dân chủ sẽ sử dụng vấn đề kiểm soát súng để thay đổi những cuộc đối thoại trên cả nước”.
Nhưng Reed lập luận rằng vấn đề kiểm soát súng “không thực sự liên quan đến đảng Cộng hòa và Dân chủ mà nó là vấn đề về khu vực nông thôn so với thành thị... Dù vậy sẽ có những đảng viên Cộng hòa ở các bang màu xanh lam hoặc tím cảm thấy áp lực chính trị muốn đề cập đến an toàn súng, khác với những đảng viên đảng Dân chủ ở nông thôn”.
Ngành công nghiệp súng đạn Mỹ trong tay ai?
Theo chuyên gia Terrence Guay, giáo sư thực hành về kinh doanh quốc tế, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh Toàn cầu, đại học bang Pennsylvinia cho biết: “Chỉ tính riêng năm 2020, các nhà sản xuất súng Mỹ đã sản xuất 11,1 triệu khẩu súng, so với 5,4 triệu khẩu năm 2010. Trong đó, súng ngắn (pistol) và súng trường (rifle) chiếm khoảng 75%”.
Chỉ có một số ít các nhà sản xuất súng thống trị cả thị trường. Năm ông lớn kiểm soát hơn 70% tổng lượng súng ngắn sản xuất vào năm 2020 bao gồm: Smith & Wesson, Sig Sauer, Sturm, Ruger & Co, Glock and Kimber Manufacturing. Trong khi đó, các nhà sản xuất súng trường lớn nhất bao gồm Sturm, Smith & Wesson, Springfield, Henry Rac Holding và Diamondback Firearms - kiểm soát 61% thị trường.
https://vtc.vn/nuoc-my-va-con-dau-dau-kiem-soat-sung-dan-ar682512.html