Nước mắt của những người nhiễm Covid-19 chữa mãi chưa khỏi

Bệnh nhân người Trung Quốc bật khóc khi gặp nhà tư vấn tâm lý sau 2 tháng điều trị mà vẫn dương tính với nCoV. Thậm chí, có lúc ông nghĩ tới chuyện tự tử.

Mặc bộ đồ bảo hộ cao su, đeo hai khẩu trang và tấm che mặt, bà Du Mingjun gõ cửa căn hộ ở ngoại ô Vũ Hán (Trung Quốc) vào buổi sáng.

Một người đàn ông khoảng 50 tuổi đeo khẩu trang ra mở cửa. Khi bà Du giới thiệu mình là nhà tư vấn tâm lý, ông bật khóc.

“Tôi không thể chịu đựng hơn được nữa”, ông nói. Bị phát hiện nhiễm virus nCoV vào đầu tháng 2, người đàn ông này đã chữa trị tại hai bệnh viện. Sau đó, ông được chuyển tới trung tâm cách ly trong một khu chung cư ở khu vực công nghiệp của Vũ Hán.

“Tại sao các xét nghiệm của tôi vẫn dương tính trong hơn hai tháng qua?”, ông thắc mắc.

nuoc mat cua nhung nguoi nhiem covid 19 chua mai chua khoi
Một số bệnh nhân trải qua 2 tháng điều trị vẫn dương tính với nCoV. Ảnh: Reuters

Đội ngũ y tế trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 của Trung Quốc đã thành công khi kìm hãm tốc độ lây lan của virus nCoV. Nhưng câu trả lời cho nỗi băn khoăn trên vẫn là điều bí ẩn.

Các bác sĩ ở Vũ Hán, nơi virus được phát hiện vào tháng 12, cho biết, ngày càng nhiều trường hợp có xét nghiệm dương tính trở lại với virus nCoV mà không có bất cứ triệu chứng bệnh nào. Đó là một trong những thách thức lớn của Trung Quốc khi bước sang giai đoạn mới của cuộc chiến chống dịch.

Trên thế giới, nhiều bệnh nhân có kết quả âm tính với virus nCoV tại một thời điểm sau khi phục hồi, nhưng rồi lại bị dương tính. Thời gian từ lúc họ nhiễm bệnh cho tới khi khỏi bệnh và tái nhiễm là 50-60 ngày, trường hợp cá biệt lên tới 70 ngày.

Khả năng người bệnh vẫn dương tính với virus và có nguy cơ lây nhiễm là mối lo chung của cả thế giới khi nhiều nước đang tìm giải pháp chấm dứt giãn cách xã hội và phục hồi các hoạt động kinh tế khi tốc độ lây lan của dịch bệnh chậm lại. Hiện tại, thời gian cách ly theo khuyến cáo là 14 ngày.

Theo các quan chức y tế Trung Quốc, tới nay vẫn chưa có bằng chứng các ca tái dương tính lây nhiễm cho người khác. Theo thông tin từ các bệnh viện cũng như báo chí, ở Trung Quốc có ít nhất vài chục ca như vậy sau khi khỏi bệnh.

Ở Hàn Quốc, có khoảng 1.000 người vẫn có kết quả dương tính sau khi điều trị 4 tuần. Ở Italy, bệnh nhân Covid-19 có thể vẫn dương tính với virus sau khoảng 1 tháng.

Vì chưa rõ những bệnh nhân này có gây lây nhiễm không, các bác sĩ ở Vũ Hán tiếp tục cách ly các ca trên.

Ông Zhang Dingyu, Giám đốc Bệnh viện Jinyintan, cho rằng việc cách ly này có thể hơi quá đà nhưng nên làm như vậy để bảo vệ cộng đồng trong thời điểm hiện tại.

Ông Zhang đánh giá, đây là một trong những thách thức lớn của bệnh viện và những nhà tư vấn như bà Du được mời tới để giảm bớt căng thẳng cho người bệnh.

Tình trạng của những bệnh nhân mãi chưa khỏi của Vũ Hán cho thấy vẫn còn những điều chưa biết về Covid-19. Tới 9h30 ngày 23/4, thế giới đã có 2.637.727 người mắc; 184.266 người tử vong.

Theo các thông tin chính thống, tới ngày 21/4, đã có 93% trong hơn 82.000 người nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc khỏi bệnh. Các bệnh nhân được xuất viện nếu có xét nghiệm âm tính với virus nCoV hai lần cách nhau 24 tiếng và không còn triệu chứng bệnh nào.

Ông Yuan Yufeng, Phó giám đốc Bệnh viện Zhongnan, cho hay ông biết về các ca tái nhiễm đó: “Chúng tôi chưa từng gặp chuyện như vậy ở dịch SARS”.

Phần lớn những bệnh nhân dương tính trở lại không có triệu chứng bệnh và rất ít người thấy sức khỏe yếu đi.

Một số chuyên gia cho rằng, những bệnh nhân này bị tái nhiễm virus trong cộng đồng. Điều này làm sụt giảm hy vọng rằng người từng nhiễm Covid-19 có thể sản sinh kháng thể giúp họ không bị bệnh trở lại.

Tuy nhiên, bác sĩ Zhao Yan, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Zhongnan, không tin vào giả thiết trên: “Họ được giám sát chặt chẽ ở bệnh viện và nhận thức về nguy cơ, bởi vậy họ ở yên trong khu cách ly. Do đó, tôi tin chắc họ không bị tái nhiễm”.

Trong khi đó, ông Jeong Eun-kyeong, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh Hàn Quốc cho rằng, có thể virus đã tái kích hoạt ở các bệnh nhân Hàn Quốc.

Thông tin chi tiết về các bệnh nhân ít được tiết lộ như liệu họ có bệnh nền hay không.

Năm 2015, một bệnh nhân Hàn Quốc mắc hội chứng Hô hấp Trung Đông có bệnh nền ung thư hạch bạch huyết. Hệ miễn dịch yếu đã khiến cơ thể bệnh nhân không thể hết virus dù điều trị tới 116 ngày.

Ở Vũ Hán, những bệnh nhân dường như không thể thoát khỏi chuỗi xét nghiệm dương tính với virus nCoV đang phải chịu áp lực nặng nề.

Phóng viên Reuters đã cùng bà Du, người xây dựng đường dây nóng khi dịch bệnh bắt đầu ở Vũ Hán, tới một trung tâm cách ly ở ngoại ô thành phố.

Một người đàn ông đã thử 10 lần xét nghiệm từ tuần thứ 3 của tháng 2, một vài lần âm tính nhưng đa số là dương tính.

“Tôi cảm thấy khỏe và không có triệu chứng gì nhưng họ xét nghiệm và dương tính, xét nghiệm và dương tính”, ông nói. “Có chuyện gì với con virus này vậy?”

Bệnh nhân cần phải ở lại trung tâm ít nhất 28 ngày và có hai lần âm tính mới được phép ra viện. Họ ở trong phòng riêng được chính quyền chi trả.

Trường hợp khiến bà Du lo ngại nhất chính là người đàn ông sau cánh cửa gỗ. Tối hôm trước, ông nói với các nhân viên y tế rằng ông muốn tự sát.

“Tôi đang không nghĩ sáng suốt được,” ông nói. Ông đã tiến hành chụp CT và nhiều xét nghiệm, một số có kết quả âm tính.

Người này cho biết cháu của mình đang rất nhớ ông vì ông đã đi quá lâu. Ông lo mình sẽ không được gặp cậu bé nữa. Ông lại òa khóc: “Tại sao điều này xảy ra với tôi?”.

An Yên (Theo Reuters)

nuoc mat cua nhung nguoi nhiem covid 19 chua mai chua khoi 3 bệnh nhân Covid-19 nặng tiếp tục thở máy và lọc máu

223/268 ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đã được công bố điều trị khỏi. Trong 45 trường hợp còn lại có 3 bệnh nhân nặng ...

/ vietnamnet.vn