Theo một số nhà khoa học, hồ Tây có từ thời Vua Hùng. Lúc ấy, nơi đây là một bến ở cạnh sông Hồng, thuộc động Lâm Ấp, nên gọi là bến Lâm Ấp của thôn Long Đỗ.
Hồ Tây là hồ ngoại sinh, có dạng lòng chảo, được tạo thành do tác dụng xâm thực của sông Hồng
Mãi tới thời Hai Bà Trưng, bến này thông với sông Hồng. Chung quanh bến Lâm Ấp là một rừng lim rậm rạp có nhiều hang động. Sau này, khi đánh cá, ngư dân thỉnh thoảng vẫn vớt được những khúc gỗ lim ở dạng trầm tích.
Về địa lý, hồ Tây là hồ ngoại sinh, có dạng lòng chảo. Hồ tạo thành chủ yếu là do tác dụng xâm thực của sông Hồng. Tuy nhiên sự hình thành của nó thì vẫn còn là câu hỏi không dễ trả lời. Liệu hồ Tây có phải là một khúc sông Hồng sau khi đê bị vỡ sau đó người ta đã đắp đê mới phía ngoài hồ? Tuy nhiên, lịch sử đê Việt Nam mới chỉ từ thế kỷ thứ VI nên việc vỡ đê tạo thành hồ xem ra không thuyết phục.
Một giả thuyết khác, Hồ Tây xưa là khúc uốn của sông Hồng khi sông đổi dòng chảy lấn về bờ bên kia đã để lại một hồ nước, giống như khi sông Hồng đổi dòng đã tạo ra hồ Lục Thủy để rồi một phần trên của Lục Thủy là hồ Gươm hiện nay. Thực tế thì sông Hồng đã nhiều lần đổi dòng khiến sông Cà Lồ (ở xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Nếu chấp nhận giả thuyết đó thì hồ Tây có từ bao giờ vẫn là câu hỏi không dễ trả lời.
Nhưng một điều chắc chắn, nguồn cung cấp nước gián tiếp cho hồ Tây từ nửa đầu thế kỷ XVIII trở về trước chính là sông Hồng thông qua sông Thiên Phù ở phía Tây và sông Tô Lịch ở phía Đông. Khi vua Lý Công Uẩn rời Hoa Lư ra lập kinh đô Thăng Long thì hồ Tây bắt đầu gắn liền với kinh thành và đời sống xã hội Thăng Long. Thời Lý, Trần, Lê, kinh thành bên hồ Tây và rất nhiều làng ở khu vực này thuộc kinh đô Thăng Long.
Trong cuốn của “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” của Nguyễn Văn Uẩn thì hồ Tây rộng 538 héc ta. Nguyễn Văn Uẩn hoàn thành bộ sách này năm 1983-1984 nên diện tích hồ Tây trong sách không rõ là số liệu năm nào? Theo bản đồ do Liên Xô chụp vào tháng 12-1981 bằng vệ tinh thì hồ Tây rộng 526,16 héc ta còn theo số liệu của Công ty Đầu tư và Khai thác Thủy sản hồ Tây thì năm 1987 hồ chỉ còn 516 héc ta. Số liệu không thống nhất có thể do quan niệm về diện tích hồ khác nhau, tính từ chỗ không có dân cư sinh sống hay theo mặt nước lúc cao nhất và lúc thấp nhất.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Trước khi thành phố Hà Nội thực hiện dự án kè hồ, nhiều người cho rằng hồ Tây rộng hơn trước vì họ căn cứ vào một số làng ven hồ xưa còn có đất ruộng, đầm, ao có bãi tha ma nhưng đến thập niên 60, 70 đã chìm dưới nước. Nhận định đó là có cơ sở. Đầu thế kỷ XVIII, cửa sông Thiên Phù bị lấp, nguồn cấp nước cho hồ Tây chỉ còn trông chờ vào sông Tô Lịch và cũng chỉ năm nào mưa to, lũ lớn mới có nước chảy vào hồ. Hồ cạn nên các làng quanh hồ khai hoang lấy đất trồng trọt và làm nghĩa địa.
Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương mất năm 1822 được chôn ở hồ Tây (có thể là vực cánh đồng Táo thuộc làng Nghi Tàm). Cuối thế kỷ XIX, sông Tô Lịch cũng bị lấp nên hồ Tây không còn nguồn cấp nước gián tiếp từ sông Hồng, trở thành hồ tù. Một số đầm, ao ở phía Tây Bắc hồ là do bị lấy đất cung cấp cho nhà máy gạch Quán Thánh từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Đầu thế kỷ XX, có 9 làng nằm sát hồ gồm: Yên Hoa (nay là Yên Phụ), Nghi Tàm, Tây Hồ, Quảng Bá, Nhật Chiêu (nay là Nhật Tân), Thụy Chương (nay là Thụy Khuê), Hồ Khẩu, Võng Thị, Trích Sài. Theo sách về dân số của Ngô Vi Liễn (dựa vào kết quả điều tra dân số của chính phủ Bảo hộ) thì số dân năm 1928 của 9 làng này tổng cộng là 13.000 người. Với số dân như vậy nên lượng nước thải đổ xuống hồ vào mùa khô không làm nước hồ dâng lên.
Sau năm 1954, dân số các làng tăng mạnh. Năm 1928, dân số Nhật Tân là 2.035 người, đến năm 1954 tăng lên 2.500 người. Năm 1928, dân số Trích Sài là 929 người đến năm 1940 tăng lên 1.350 và năm 1954 là 2.002 người. Dân số quanh hồ tăng lên và tăng nhanh nên lượng nước sử dụng cũng tăng lên dẫn đến lượng nước thải đổ xuống hồ là rất lớn. Lại thêm nước thải (trong đó có Nhà máy Điện Yên Phụ) đổ vào hồ Trúc Bạch sau đó qua cống trên đường Thanh Niên chảy sang hồ Tây làm tăng đáng kể lượng nước trong hồ Tây.
Nước thải đã trở thành nguồn cung quanh năm cho hồ và lượng nước thải tăng dần theo từng năm cùng với nước mưa làm nước trong hồ dâng cao ngay cả mùa khô là nguyên nhân khiến ruộng, đầm, ao và nghĩa địa của các làng ngập dưới nước. Một nguyên nhân khác làm hồ rộng hơn là mất sen. Trước năm 1954, quanh hồ được trồng sen, ngoài làm đẹp, sen còn mang lại nguồn lợi kinh tế nhưng quan trọng nhất là sen có tác dụng ngăn sóng chống lở đất.
Thế nhưng khi thành lập Xí nghiệp Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản hồ Tây năm 1958, người ta đã phá hết sen vì sợ gai ở thân cây sen làm chết cá. Nước thải cộng với mất sen là nguyên nhân khiến đất của làng Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân, Trích Sài... bị sóng đánh dẫn đến lở đất. Trước chùa Thiên Niên sóng đánh khiến các mộ táng không còn đất trơ ra phần gạch. Cho nên nói hồ Tây rộng hơn xưa là đúng. Sau khi kè bờ quanh hồ, hiện diện tích hồ Tây chỉ còn 460 héc ta. Nguyên nhân mất mấy chục héc ta là do khi kè, người ta đã lấn đất ra hồ.
Ngắm những búp sen trà giá 4 triệu đồng mỗi kg đang gây sốt Hà thành
dịch vụ ướp sen trà ngay tại các vườn sen để phục vụ du khách nở rộ. Tuy nhiên, giá cho 1 búp sen ướp ... |
Người Hà Nội hái sen ủ trà
Hoa sen được chọn ủ trà phải là giống sen hồ Tây, bông hoa tròn to và mỗi sản phẩm có giá 30.000 đồng. |
Sắc màu cuộc sống trong lòng hồ Tây
Ở Hà Nội, nếu có một nơi mang những biến chuyển rõ nhất trong ngày thì có lẽ không đâu bằng hồ Tây. Từ sáng ... |
Hà Nội - Đi tìm những dấu yêu
Trong những chiều suy tư ngang dọc, nhiều lần tôi tự hỏi vì sao, khi nói về vẻ đẹp Hà Nội, người ta vẫn cứ ... |