Nữ đại gia nắm cổ phần lớn đứng sau Công ty đầu tư nước sạch Sông Đà là ai?

Vụ nước nhiễm dầu thải đang là tâm điểm bởi ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân Hà Nội. Trước khi vụ việc xảy ra, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà Viwasupco từng dính nhiều bê bối về chất lượng nước và hạ tầng công trình.

"Bà trùm" kinh doanh nước, bất động sản, điều hoà...

Trong danh sách cổ đông lớn của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) thì Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) nắm giữ 35,95% cổ phần.

Điều đáng nói, không chỉ đầu tư và Viwasupco, REE còn nắm giữ cổ phần của nhiều công ty kinh doanh nước sạch, nhà máy thuỷ điện ở Việt Nam. REE sở hữu cổ phần tại 4 nhà máy sản xuất nước sạch chiếm lần lượt 41% và 36% tổng công suất thiết kế tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.   

REE gắn liền với tên tuổi của nữ đại gia Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc kể từ khi công ty được cổ phần hóa vào năm 1993 đến nay.

Bà Mai Thanh nắm giữ khoảng 23 triệu cổ phiếu của REE, tương đương với 7,33% vốn, giá trị 41,4 tỉ đồng. Khối tài sản của bà hiện tại là 720 tỉ đồng.

Bà từng được Tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2014.

Bà Thanh nằm trong top 80 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí điện tại Đại học Karl-Marx-Stadt (Đức), từ năm 1982, bà gia nhập REE với vị trí là một kỹ sư, sau đó bà đã trở thành lãnh đạo công ty này từ năm 1985.

Từ đó, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã giúp REE thoát khỏi cảnh chật vật nhờ thương hiệu máy điều hòa Reetech. Đây cũng là công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2000.

Kinh doanh nước sạch lãi 201 tỉ đồng năm 2018

Trong năm 2018, lợi nhuận từ các công ty trong mảng sản xuất và phân phối nước đóng góp cho REE 201 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế và 68 tỉ cổ tức trên giá trị sổ sách khoảng 1.300 tỉ đồng. 

REE trước đây là một xí nghiệp cơ điện lạnh thuộc sở hữu Nhà nước, sau cổ phần hoá đã phát triển mạnh mẽ.

Các công ty trong lĩnh vực kinh doanh nước của REE được chia thành 2 nhóm: các công ty sản xuất nước sạch và công ty phân phối nước. Nhóm các công ty sản xuất nước sạch bao gồm: Công ty cổ phần B.O.O Nước Thủ Đức, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn (Nhà máy nước Thủ Đức III), Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Tân Hiệp (Nhà máy nước Tân Hiệp II), Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW). Nhiệm vụ chính của nhóm này vận hành các nhà máy xử lý nước và cung cấp nước sạch cho các thành phố lớn cũng như các công ty cấp nước khác.

Lợi nhuận đến từ việc đầu tư vào các công ty kinh doanh nước. Ảnh BSC

Nhóm các công ty phân phối nước bao gồm: Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè, Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định (GDW) và Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức (TDW). Các công ty này đầu tư, quản lí hệ thống mạng lưới đường ống nước cấp II, cấp III, phục vụ cấp nước cho các hộ dân trên địa bàn được phân chia.

Tại Hà Nội, REE có 35,95% cổ phần trong nhà máy nước sạch Sông Đà với công suất 600.000 m3/ ngày, chiếm khoảng 35% công suất cung cấp nước cho Hà Nội. 

Theo báo cáo tài chính bán niên 2019 của REE, trong lĩnh vực thủy điện, REE hiện sở hữu 60,42% cổ phần tại CTCP Thủy điện Thác Bà; 21% cổ phần tại Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh; 22,68% cổ phần tại CTCP Thủy điện Miền Trung; 42,63% cổ phần tại Thủy điện Thác Mơ; 25,76% cổ phần tại Thủy điện Sông Ba Hạ; 34,30% cổ phần tại Thủy điện Srok Phu Mieng; 25,47% cổ phần tại Thủy điện Bình Điền.

Nước sạch Hà Nội ai lo?
SOS yêu cầu bổ sung thiết bị kiểm tra chất có hại trong nước sông Đà
Thị trường nước đóng chai rục rịch tăng giá vì thiếu nước sạch?

/ laodong.vn