- Nhà hát Kịch CAND dàn dựng vở "Người không cô đơn"
- NSƯT Chí Trung về hưu, NSƯT Sĩ Tiến làm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ
Vài năm gần đây, NSƯT Đức Khuê được mùa phim trường màn ảnh nhỏ. Riêng năm 2022 anh lên hình tới ba phim nhiều tập, cả vai chính lẫn vai phụ: “Đấu trí”, “Gia đình đại chiến” và “Đừng nói khi yêu”. Chưa hết, năm nay anh lại gây ấn tượng trong hai phim: “Chúng ta của 8 năm sau” và “Cuộc đời vẫn đẹp sao”. Từ khi Đức Khuê nhận giải thưởng “Nam diễn viên chính xuất sắc” (2005) cho tới nay, anh liên tục được mời tham gia vài phim mỗi năm.
Nhớ một thuở “Đời cười”
Đức Khuê vào nghề khi tuổi đã cập kề 30 sau khi tốt nghiệp lớp diễn viên khóa 4 năm 1994 tại Nhà hát Tuổi trẻ. Hơn nữa, vào cuối thập niên 90 thế kỷ trước, sân khấu nói chung luôn “tối đèn” khi “đụng độ” với sự đổi mới của nền kinh tế thị trường. Nhà hát Tuổi trẻ ngày đó hoang mang chưa biết khởi động thích ứng như thế nào để thoát cảnh đìu hiu vắng khách. May sao đạo diễn Lê Hùng đã nảy sáng kiến “chơi” kịch ngắn hài hước để dụ người xem. Sự chuyển động này thu được hiệu quả khi hàng đêm khán giả xếp hàng đến nhà hát xem nườm nượp. Và đây chính là cơ hội của Đức Khuê xuất hiện với sự bùng nổ qua các vai gây cười sảng khoái.
Anh nổi lên bất ngờ qua nhân vật bệnh nhân trong vở “Bệnh nói nhiều” (2003). Phải nói tốc độ nói không ngừng nghỉ với những câu nói lặp đi lặp lại của nghệ sĩ trẻ Đức Khuê đã làm khán giả phải ôm bụng mà cười. Cho đến nay, vở kịch “Bệnh nói nhiều” vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Những câu nói trở thành kinh điển trong vở như: “Ở đời phải biết mình là ai”, hoặc hài hước với hình ảnh: “Trời không mưa sao lại mặc áo mưa?” … đã đi sâu vào đời sống. Những khẩu ngữ luôn gây cười nhưng lại có tính lên án thói hư tật xấu của người đời.
Soi kỹ mới thấy Đức Khuê không có những lợi thế về mặt hình thể, diện mạo trên sàn diễn. Tuy vậy, Đức Khuê lại ăn đứt bạn diễn ở chất dung dị và giọng nói dầy ấm vang xa. Vì sự thiệt thòi về “nhan sắc” mà Đức Khuê luôn bị nhắm vào vai phụ ít đất diễn trong một thời gian dài. Vậy mà mấy ai có thể hình dung sẽ có một Đức Khuê duyên dáng, hóm hỉnh và đầy ngẫu hứng từ vở kịch “Bệnh nói nhiều”. Anh cùng với các nghệ sĩ hài khác của Nhà hát Tuổi trẻ như Vân Dung, Thanh Dương, Hương “tươi”, Xuân Tùng... làm nên làn sóng sân khấu thị trường thật kỳ thú.
Đức Khuê có một màu sắc xao xác, ngờ nghệch làm khán giả bật cười ngay khi anh mới bước ra sân khấu. Có những lúc Đức Khuê tự hỏi, tại sao mỗi lần mình bước ra sân khấu là khán giả lại cười. Nghĩ mãi. Nghĩ mãi. Khó tìm ra câu trả lời. Không ít lần soi gương với những dáng vẻ khác nhau, Đức Khuê cũng bật cười vì cái mặt ngố của mình. Nom cái bộ dạng lớ ngớ của Đức Khuê, khán giả không nhịn được cười là phải. Còn đôi mắt tít sau cặp kính dầy cộp của anh nữa cũng làm họ cười cứ như vớ được của.
Đức Khuê ngày đó đã tham gia nhiều vở kịch khác như: “Phong bì”, “Thần lô thánh đề”, “Bến Ô sin” … Nhưng thành công từ vở “Bệnh nói nhiều”, Đức Khuê luôn thăng hoa trong diễn xuất và trở nên dị biệt. Hình ảnh hồn nhiên do chứng bệnh tâm thần của nhân vật mà Đức Khuê diễn tả ngày đó còn sống động cho đến nay. Đức Khuê có tài thể hiện sự kỳ quặc của nhân vật như thật làm cho khán giả vô cùng thích thú. Từ đó cái tên Đức Khuê đã trở thành thương hiệu. Đặc biệt màu sắc các vai diễn của Đức Khuê luôn tạo ánh sáng lan tỏa mới. Đó là sự đa dạng về tính cách nhân vật do anh thể hiện. Chính vì thế mà không ít đạo diễn điện ảnh đã để ý đến Đức Khuê. Họ trao cho anh cơ hội phát huy hết sở trường diễn xuất đặc sắc mà sân khấu không có dịp lộ diện.
Những thước phim đắt giá
Lại thêm một bất ngờ, cái dáng vóc không mấy thuận lợi từ sân khấu của Đức Khuê lại tỏa sáng trong điện ảnh. Vào những nhân vật có cá tính khác đời thì với dáng dấp ngơ ngác của mình, Đức Khuê bỗng trở nên duyên dáng và thú vị. Bất ngờ anh bừng sáng qua liền hai phim: “Của rơi” (2002) và “Hàng Xóm” (2004). Đây là những tác phẩm điện ảnh đầu tiên mà Đức Khuê được tham gia và thành công lớn. Đó là những thước phim quý giá của nền điện ảnh Việt Nam.
Có thể nói, nhân vật Dương Thắng do Đức Khuê đóng trong phim “Của rơi” là một sự phát hiện của đạo diễn Vương Đức. Nghệ sĩ Đức Khuê đã thể hiện được vẻ đẹp nội tâm và trí tuệ trong cái vỏ bên ngoài khờ khạo. Đó là vai một nhà toán học trẻ trong sáng, luôn khao khát sáng tạo với lý thuyết toán kỳ dị. Ngược lại nhà toán học lại hết sức lúng túng với những tình huống bi hài mà mình không thể ngờ tới. Kể cả khi đến với tình yêu, nhà toán học lại càng luống cuống đến tội nghiệp. Một đạo diễn nói, dường như vai Dương Thắng để dành riêng cho Đức Khuê. Chính anh cũng tự nhận chỉ đọc kịch bản đã thấy nhân vật giống mình. Sắc thái kỳ dị của nhân vật đã khẳng định tài năng diễn xuất tuyệt vời của Đức Khuê. Lối diễn dung dị chân thực của anh có sức hấp dẫn người xem, tạo nên chất hài hước nhẹ nhõm đáng yêu. Ngược lại nhân vật Hà, một doanh nhân trong phim “Hàng xóm”, đạo diễn Phạm Lộc lại khai thác được màu sắc trái chiều của Đức Khuê. Khi đó anh phải hóa thân vào đời sống nhân vật đầy toan tính và khao khát làm giầu bằng mọi giá.
Vậy là sang đến điện ảnh, nghệ sĩ Đức Khuê đã được thử thách nhiều cung bậc tâm lý khác nhau trong đời sống nhân vật. Và, anh đã thành công khi đoạt giải “Nam diễn viên xuất sắc nhất” trong Liên hoan Phim lần thứ 14 (2005) cho cả hai nhân vật Thắng, phim “Của rơi” và Hà, phim “Hàng xóm”. Đến nay, nghệ sĩ Đức Khuê khó hình dung mình đã đóng bao nhiêu phim và bao nhiêu tập cho phim truyền hình. Cuộc sống cơm áo gạo tiền tuy luôn luôn kêu gọi nhưng chưa bao giờ Đức Khuê quên đi những khát khao sáng tạo nghệ thuật mỗi khi đứng trước ống kính.
Những ký ức luôn luôn hiện về trong mỗi lần đi làm phim hay bước lên sân khấu. Cả hai lĩnh vực vẫn song hành cùng với Đức Khuê. Anh thường nhớ tới nhiều đêm diễn kịch trên rừng núi Tây Nguyên với những nụ cười chiến sĩ và đồng bào vùng sâu vùng xa. Vẫn là những tiếng cười bùng nổ với các tình huống “Đời cười” mà anh từng diễn. Dưới ánh sáng mờ ảo của núi rừng, tiếng cười càng rộn ràng, thân thiện hơn. Những hình ảnh ấy không bao giờ phai mờ trong anh. Anh đã thêm một lần gắn bó với điện ảnh và truyền hình khi tốt nghiệp khóa đạo diễn phim truyền hình (2010). Đức Khuê đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2011.
Vẫn… cười tít mắt
Đức Khuê luôn cần mẫn, khiêm tốn trong đời sống và làm việc trên sàn diễn. Anh thường tìm hiểu kỹ lưỡng về nhân vật của mình và chọn cách thể hiện hồn cốt vai diễn với thủ pháp phù hợp nhất. Đó là nguyên tắc và cũng là nếp sống. Tài năng Đức Khuê đã thiết lập một thương hiệu gắn bó thân thiết với Nhà hát Tuổi trẻ. Với hàng chục vai hài hước, từ sân khấu đến phim, NSƯT Đức Khuê đã tạo dựng sự nghiệp của mình thật sự thành công trong 30 năm qua.
Và, cũng ít ai ngờ NSƯT Đức Khuê còn có giọng hát khá hay với âm sắc Baritone trầm ấm. Trong nhiều chuyến đi giao lưu hay biểu diễn, anh vẫn có dịp hát cho khán giả nghe những ca khúc truyền thống. Giọng hát Đức Khuê trầm ấm và tha thiết. Kết thúc biểu diễn trên sân khấu, anh cúi chào khán giả và thường được nhận một tràng vỗ tay tán thưởng kèm theo những tiếng la to và tiếng cười sảng khoái sau cử chỉ, điệu bộ hài hước. Lúc đó anh cũng cười tít mắt sau cặp kính cận rồi đặt bàn tay lên trái tim mình. Đó là niềm vui bất tận của NSƯT Đức Khuê trong cuộc sống tràn ngập tình yêu thương mà khán giả dành cho anh. Anh luôn luôn mơ những tiếng cười, mong an ủi và giải tỏa mọi ẩn ức trong tâm hồn con người mỗi khi khổ đau.
Đ