Bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm được giới chuyên môn đánh giá là bộ phim tiêu biểu của nền điện ảnh Cách mạng thời chiến. Sau khi ra đời, bộ phim giành nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng Ðặc biệt của Hội đồng Hòa bình thế giới tại Liên hoan phim Moscow năm 1973.
Riêng với NSND Trà Giang, với vai Dịu trong phim, chị đã nhận được giải Nữ diễn viên chính xuất sắc và được đánh giá là một biểu tượng của điện ảnh Việt Nam. Nhân kỷ niệm 43 năm ngày Đất nước thống nhất, Trà Giang đã kể về hành trình tìm lại nguyên mẫu nhân vật Dịu trên mảnh đất Vĩnh Linh mà chị thể hiện thành công vai diễn của mình.
NSND Trà Giang ngày đó.
NSND Trà Giang cho biết khi đi viết kịch bản cho bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, ê kíp kịch bản là đạo diễn Hải Ninh và biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã xây dựng hình tượng nhân vật Dịu không phải từ một con người cụ thể mà khái quát từ nhiều phụ nữ mà ê kíp đã gặp gỡ tại vùng đất lửa Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Suốt mấy năm trời, từ 1965 đến 1970, phải mấy lần trực tiếp đi vào Vĩnh Linh để gặp gỡ các nhân vật cũng như tìm chất liệu từ thực tế, ê kíp mới hoàn thành kịch bản.“Suốt mấy tháng trời, chúng tôi sống với bà con Vĩnh Linh, tôi phải học từ cách đi đứng, nói năng, cả cách mắc võng, đan lưới theo yêu cầu của đạo diễn. Thậm chí tôi còn phải tập chèo thuyền thúng trên sông Nhật Lệ. Cách chèo thuyền thúng thật khó, leo lên chèo nó cứ xoay tròn, phải học mãi tôi mới có thể cho thuyền đi theo ý muốn”- NSND Trà Giang nhớ lại.
“Nghĩa là khi tôi hoàn thành phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm thì O Thảo qua đời. Vậy mà suốt mấy chục năm qua, tôi cứ nghĩ O đã được xem phim. Tôi đã quá vô tâm không biết gì. Buồn quá!”
Trà Giang kể về nguyên mẫu nhân vật mình thủ vai
Trà Giang kể: Một hôm đạo diễn Hải Ninh gọi chị ra và giới thiệu cho một cô du kích trẻ tên là Thảo mà ông Ninh gọi là O Thảo. Sau đó, đạo diễn nói Thảo chính là một trong những nguyên mẫu của nhân vật Dịu mà chị cần tìm hiểu. Suốt một buổi chiều hôm ấy, Trà Giang đã trò chuyện với Thảo.
“Tôi không ngờ O Thảo rất trẻ vậy nhưng đã là Bí thư Đảng ủy xã kiêm Đội trưởng đội du kích xã Gio Hà. Nhiệm vụ của O là ban ngày thì sang bờ Bắc để học tập, đêm tối lại qua bờ Nam sông Bến Hải chiến đấu. Gian khổ thế nhưng O Thảo vẫn rất hồn nhiên, vui tươi”- Trà Giang kể.
Qua cuộc trò chuyện, Trà Giang mới biết gia cảnh của O Thảo. Ba mất sớm, mẹ chết trong một trận càn khi Thảo mới biết bò. Hai người anh cũng hy sinh. Trong đó, có một người anh bị bắt ngay trước mặt O và O đã phải cắn răng, nén nỗi đau vào trong để không khai ra vị trí của nhiều du kích đang ẩn nấp. Vì hoàn cảnh đó nên Thảo đã tham gia du kích từ rất sớm. O tham gia nhiều trận đánh và được đồng đội đánh giá là gan dạ, dũng cảm...
Tấm ảnh chụp chung Trà Giang và O Thảo (Liệt sỹ Hoàng Thị Thảo).
Chuyện đời của O du kích khiến Trà Giang thực sự xúc động, tạo cảm xúc vô tận cho chị hóa thân vào vai Dịu trên phim. Một cô Dịu vượt qua nhiều đau thương mất mát để đứng lên cầm súng chống kẻ thù, nhưng vẫn giữ nét đẹp đằm thắm, dịu dàng và nghị lực của một người phụ nữ can đảm. Đó là một hình mẫu phụ nữ rất Việt Nam và Trà Giang đã hóa thân để làm lên một cô Dịu huyền thoại của bộ phim. Khi chia tay, Trà Giang và O Thảo đã hẹn khi nào hết chiến tranh sẽ tìm lại nhau.
Sau ngày đất nước Thống nhất, Trà Giang bị cuốn vào cuộc sống mới với những dự án làm phim, với những khó khăn của đất nước thời kỳ đó nên chị chưa có cơ hội để vào Vĩnh Linh. Nhưng lúc nào Trà Giang cũng có tấm hình chụp chung với O Thảo do đạo diễn Hải Ninh bấm máy. Trà Giang luôn mong khi gặp Thảo sẽ gửi tặng để làm kỷ niệm. Mãi đến năm 1999, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12 tổ chức tại Huế, Trà Giang mới có cơ hội tìm về Gio Linh để thăm O Thảo. Khi nghe Trà Giang bày tỏ mong muốn được về Quảng Trị để tìm lại nguyên mẫu trong phim, BTC liên hoan phim đã ủng hộ và bố trí xe, thậm chí còn bố trí thêm ê kíp làm phim tư liệu đi theo, hy vọng sẽ có những thước phim đáng giá về cuộc gặp gỡ này.
NSND Trà Giang và NSND Lâm Tới trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.
Từ Huế, đoàn đã đi thẳng tới Gio Linh. Nhưng chiến tranh đi qua mấy chục năm và nhiều địa danh, nhiều tên các vùng đất đã thay đổi. Trà Giang chỉ có trong tay tấm hình và cái tên o Thảo- Đội trưởng du kích xã Gio Hà. Nhưng cái tên xã Gio Hà cũng thay đổi sau năm 1975. Cả đoàn đi qua nhiều vùng đất ở Gio Linh, tìm hỏi nhiều người lớn tuổi về O Thảo nhưng đều không có ai biết. Mãi đến lúc tưởng chừng như chuyến đi thất bại thì đột nhiên xe chạy ngang văn phòng Huyện ủy Gio Linh. Trà Giang bảo: “Tôi hy vọng chỉ còn nơi đây có thể biết về O Thảo". Và thật may, vừa đưa tấm hình ra thì trong văn phòng có vài người reo lên: "O Thảo đây mà, đây mà!" Tôi hỏi "vậy O Thảo đang ở đâu tôi muốn tới thăm thì mọi người đột nhiên im lặng. Rồi một người nói O Thảo hy sinh rồi!”. Trà Giang kể, chị đã lặng người đi khi nghe câu nói đó. Suốt mấy chục năm qua, chị vẫn mong ngày 2 chị em gặp lại sẽ có nhiều chuyện để hàn huyên, để tâm sự về bộ phim. Vậy mà... “Nghe mấy người kể O Thảo hy sinh năm 1971, trong một lần công tác Thảo bị vướng phải mìn giặc. Nghĩa là khi tôi hoàn thành phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm thì O qua đời. Vậy mà suốt mấy chục năm qua, tôi cứ nghĩ O đã được xem phim. Tôi đã quá vô tâm không biết gì. Buồn quá!”- Trà Giang kể.
Poster phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.
Huyện ủy Gio Linh cho người dẫn cả đoàn làm phim về thăm nhà người anh trai của O Thảo. Nhìn 3 tấm bằng Tổ quốc ghi công trên bàn thờ đề tên 3 liệt sỹ là Hoàng Việt Chánh, Hoàng Đình Thí (2 người anh trai của Thảo) và Hoàng Thị Thảo, Trà Giang đã bật khóc. Mãi tới lúc đó, Trà Giang mới biết O Thảo tên đầy đủ là Hoàng Thị Thảo - Nguyên quán Gio Quang - Gio Linh. Và khi Trà Giang đưa tấm hình chụp chung ra, nhiều người bật khóc theo. Ông Hoàng Xuân Đính - anh trai O Thảo vừa khóc vừa ôm tấm hình: “Đúng O Thảo đây nì”. Trà Giang tặng lại tấm hình chụp chung đó cho gia đình. Trước bàn thờ của O Thảo và 2 người anh, Trà Giang đã nói trong nước mắt: “Nhờ có cuộc gặp gỡ định mệnh với O Thảo thì tôi mới có thể vào vai Dịu một cách chân thực và hoàn hảo như trên phim. Tôi xin cám ơn gia đình, cảm ơn mọi người đã giúp tôi gặp được Thảo dù chỉ một lần. Thảo đã hy sinh nhưng tôi tin vong linh Thảo cũng sẽ rất vui khi biết mình đã đóng góp rất nhiều cho sự thành công của bộ phim”.
NSND - Ðạo diễn Hải Ninh nhớ lại thời khắc chụp O Thảo: “O Thảo có làn da trắng, trắng đến mức nhìn thấy những vệt lông tơ trên làn da mịn màng. Vẻ đẹp của o cho người ta cảm giác ảo ảnh về sự hiện diện có thật của cô gái đẹp ở trận tiền, trên một vùng gió Lào nắng cháy, khô cằn của miền Trung khắc nghiệt... Tôi chợt nghĩ đến nhân vật chị Dịu trong truyện phim và quay nhìn về phía Trà Giang để tìm sự đồng cảm thì thấy Trà Giang cũng đang ngơ ngẩn ngắm nhìn vẻ đẹp của O Thảo. Và tôi đã bấm máy chụp lại khoảnh khắc đó”.
Minh Hằng, Trung Anh được xét tặng danh hiệu NSND
Trong 36 nghệ sĩ của các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) đợt này có tên ... |
Bộ Văn hóa công bố kết quả xét tặng NSND, có tên \'Chí Phèo\' Bùi Cường
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố kết quả xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp Bộ. Nghệ ... |
Xuân Bắc rút hồ sơ xin xét danh hiệu NSND, khán giả nói gì?
Mới đây, NSƯT Xuân Bắc đăng tải một clip chia sẻ lý do rút hồ sơ xét duyệt danh hiệu NSND trên trang cá nhân. ... |