Mùng 5 Tết là ngày Thần Tài với người Trung Quốc, nhưng các nông dân như Qiu Xiangjian chỉ mong Thần Tài giúp họ vượt qua khó khăn.
Qiu, 50 tuổi, đến từ tỉnh Giang Tô, thức dậy vào sáng mùng 5 Tết với một số tin tức đáng lo ngại. Để chống dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV) đang lan rộng khắp Trung Quốc, chính quyền tỉnh đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh đóng cửa tới ngày 10/2, ngoại trừ những cơ sở cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Ông giờ đây không thể bán gà cho các lò mổ hay chợ. Qiu chỉ còn đủ thức ăn cho 40 con gà trong hai ngày, nhưng tất cả các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi đều đã đóng cửa. Nếu không thể mua thêm thức ăn cho chúng, ông sẽ phải nhìn đàn gà của mình chết đói. "Với tôi, như thế là mất hết tất cả", ông nói.
Một trang trại nuôi gà ở Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, hồi tháng 11 năm ngoái. Ảnh: Reuters. |
Cỗ máy kinh doanh khổng lồ không biết mệt mỏi của Trung Quốc đột ngột ngừng hoạt động vào tuần trước. Nhiều khu vực bắt đầu áp lệnh phong tỏa để chủ động ngăn dịch lây lan. Những công ty lớn như Apple, General Motors, Ikea, Starbucks cũng ngừng hoạt động, thay đổi cách thức kinh doanh hay có những bước chuẩn bị cho một cuộc biến động tài chính.
Nhưng bị ảnh hưởng nhiều nhất không phải các doanh nghiệp quốc tế, mà là giới nông dân, chủ cửa hàng, chủ quán mì cùng hàng triệu cơ sở kinh doanh khác, những người đã đưa Trung Quốc khỏi cơn hỗn loạn của cuộc Cách mạng Văn hóa và biến Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế.
Nhiều người trong số đó vốn đã phải chật vật vì kinh tế Trung Quốc giảm tốc và dịch viêm phổi bùng phát khiến tình hình của họ càng làm trầm trọng.
"Mục tiêu của tôi trong năm 2020 không phải tăng trưởng mà là tồn tại", Zhang Huan, nhà đầu tư kiêm chủ cơ sở kinh doanh ở thành phố cảng Quảng Châu, cho hay. "Chúng tôi chỉ còn cách ngưỡng phá sản một, hai tháng nữa".
Nhà chức trách Trung Quốc đang nỗ lực để làm dịu cơn lo lắng của chủ doanh nghiệp. Chính quyền hôm 26/1 ra lệnh cho các ngân hàng không gây áp lực trả nợ thế chấp và nợ thẻ tín dụng với những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng. Chính phủ cũng yêu cầu hạ lãi suất và tăng các khoản vay cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng.
Tuy nhiên, hướng dẫn thực hiện còn khá mơ hồ và chưa thực sự giải quyết được gốc rễ vấn đề.
Các tuyến giao thương quan trọng đã bị đóng băng. Một số thành phố yêu cầu các công ty vẫn trả lương cho nhân viên trong thời gian họ phải nghỉ việc vì dịch bệnh. Những biện pháp này có thể giúp làm yên lòng người lao động nhưng nó lại là khoản chi phí lớn cho doanh nghiệp.
Wang Chenyun, chủ doanh nghiệp nhỏ hoạt động về Internet, phàn nàn trên trang blog cá nhân rằng chính quyền thành phố Thượng Hải không chỉ kéo dài ngày nghỉ bắt buộc tới 9/2 mà còn yêu cầu các công ty trả gấp đôi lương cho nhân viên làm việc tại nhà.
"Chính quyền Thượng Hải chú ý quá nhiều tới những tập đoàn lớn", ông viết. "Họ không quan tâm liệu doanh nghiệp nhỏ có thể sống sót hay không".
Với Qiu, vấn đề còn vượt ra khỏi việc các lò mổ đóng cửa và nguồn cung thức ăn gia cầm không còn. Ngay cả nếu ông tìm được nguồn cung ở các tỉnh khác, những tuyến đường vẫn bị đóng. Đường dẫn tới làng ông hiện bị đổ những đống đất lớn để ngăn xe qua lại.
Một ngôi làng ở ngoại ô Bắc Kinh dựng chốt kiểm soát tự cách ly với bên ngoài nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ảnh: AP. |
"Nếu tình hình này còn tiếp diễn, nó sẽ ảnh hưởng tới gà, trứng và các nguồn cung thịt khác trên cả nước chỉ trong vài tháng nữa", Sun Dawu, doanh nhân có tiếng ở tỉnh Hà Bắc, chủ doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi gà, viết trên mạng xã hội Weibo. "Nó có thể dẫn tới tình trạng hoảng loạn thị trường và ảnh hưởng đến ổn định xã hội. Tôi kêu gọi chính phủ phải có biện pháp ứng phó ngay lập tức".
Trung Quốc hiện phụ thuộc vào tiêu dùng và dịch vụ cá nhân nhiều hơn so với hồi năm 2003, khi đại dịch SARS bùng phát.
Nhiều nhà hàng đang phải đóng cửa. Haidilao, một trong những chuỗi nhà hàng lớn nhất Trung Quốc, đã đóng tất cả 550 chi nhánh trên cả nước. Vịt quay Bắc Kinh Dadong, một chuỗi nhà hàng cao cấp, cũng đóng hơn 20 chi nhánh và chỉ giữ lại hai cửa hàng ở Bắc Kinh.
"Nếu mọi thứ không trở về bình thường trong hai tháng, chúng tôi có lẽ sẽ phải đóng cửa doanh nghiệp của mình", Dong Zhenxiang, chủ chuỗi nhà hàng Dadong, nói. Ông hy vọng chính phủ có thể giảm thuế, giảm giá cho thuê và thực hiện một số biện pháp hỗ trợ.
Trong lúc dịch bệnh lan rộng, giới chức Trung Quốc đã có các động thái mạnh tay nhằm kiểm soát giá cả. Chính quyền thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, vừa phạt một công ty điều hành trung tâm thương mại gần 300.000 USD vì bán bắp cải và súp lơ với giá cao bất thường.
Chính phủ Trung Quốc cũng nhận được không ít lời khen ngợi khi phạt một số hiệu thuốc vì tăng giá khẩu trang, vốn đang thiếu hụt trên khắp đất nước.
"Nếu có thể dễ dàng mua cải bắp, cửa hàng sẽ không thể bán chúng với giá cao. Sẽ không có ai mua", nhà kinh tế học Liu Xuanhua nói. "Nếu dịch bệnh vẫn tiếp diễn, sự thiếu hiểu biết của chúng ta về nền kinh tế thị trường sẽ dẫn tới việc chúng ta chẳng còn nơi nào để mua rau".
Một số ngành như chăn nuôi gà đang cố gắng thu hút sự chú ý của chính phủ. Các nông dân đã phát động một chiến dịch truyền thông xã hội nhằm kiến nghị chính phủ mở các kênh đặc biệt giúp họ vận chuyển hàng hóa và thức ăn chăn nuôi.
Ngay cả phòng nông nghiệp huyện Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm dịch viêm phổi, cũng đã đệ trình một đơn thỉnh nguyện tới trụ sở cơ quan phòng chống dịch bệnh địa phương yêu cầu giảm bớt các biện pháp kiểm soát giao thông nhằm giúp nông dân địa phương có thể mua được thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.
Dù chịu nhiều thiệt hại và đối mặt nguy cơ trắng tay, Qiu cho biết ông vẫn hết lòng ủng hộ các biện pháp mà chính quyền Giang Tô đã thực hiện để chống lại virus. "Nhưng tôi vẫn có những vấn đề thực sự cần đến sự giúp đỡ của chính phủ", ông nói.
Các nước có bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán. Bấm vào ảnh để xem chi tiết. |
Vũ Hoàng (Theo New York Times)
Virus corona tấn công thể thao Trung Quốc, đe dọa Olympic |
29 hãng hàng không ngừng bay tới Trung Quốc |
Trung Quốc đảm bảo lương thực cho người bị phong tỏa |
Ba bài học từ dịch viêm phổi Vũ Hán |