Nông dân cùng các chuyên gia xác định cây lúa cho thu nhập thấp và khó có thể làm giàu nên cần thiết cắt giảm mạnh diện tích sản xuất.
Giá lúa tại miền Tây cuối vụ Đông Xuân đang ở mức 4.800 – 5.500 đồng mỗi kg (tùy loại), cao hơn 300 - 600 đồng so với đợt thu hoạch rộ hai tháng trước. Tuy nhiên, rất nhiều nhà nông dân không vui vì đã bán hết lúa khi giá ở mức thấp, 4.200 – 5.000 đồng mỗi kg, kém gần 1.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Nông dân vùng biên giới An Giang thu hoạch lúa. Ảnh: Cửu Long. |
Có 50 năm gắn bó với cây lúa ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, lão nông Lê Văn Lam (68 tuổi) cho biết, vụ này giá phân bón tăng 20%, thuốc trừ sâu tăng 10%, giá công lao động cũng nhích lên 20%. Do đó, giá thành sản xuất tăng cao, khoảng 4.100 - 4.200 đồng mỗi kg. Trong khi đó năng suất khoảng 4,8 – 6 tấn mỗi ha, giảm khoảng 10%, do thời tiết bất thường và rầy nâu gây hại.
"Đa phần nông dân ở đây đã thu hoạch và bán hết tại ruộng từ hai tháng trước để thanh toán tiền vật tư, giống và đầu tư tiếp vụ sau nên khi giá lên như hiện nay, họ không được lợi gì", ông Lam nói và cho biết với giá lúa bán thấp, nông dân lãi rất ít, mỗi ha chỉ lời 7-8 triệu đồng sau hơn 3 tháng canh tác.
Mấy chục năm làm ruộng, ông Lam khẳng định cây lúa cho thu nhập thấp nhất ngành nông nghiệp. "Mỗi ha lúa chỉ lãi 20 - 30 triệu đồng một năm, là quá tệ. 10 năm trước xóm này 100 hộ đều trồng lúa nhưng không đủ trang trải. Hiện, 30% trong số đó đã bán đất rồi đi làm thuê kiếm sống", ông nói.
Theo thống kê, tại miền Tây, quy mô sản xuất trung bình của hộ trồng lúa là một ha mỗi hộ. Sáu năm trước, lúc giá lúa dao động 5.000 đồng mỗi kg, một nghiên cứu của các chuyên gia trong nước và quốc tế cho thấy, thu nhập trung bình của nông dân chỉ đạt 535.000 đồng mỗi tháng, tương đương một nửa mức lương tối thiểu khi đó. Các hộ sản xuất lúa quy mô nhỏ không thể sống dựa vào trồng lúa mà phải nhờ vào thu nhập từ chăn nuôi hay các hoạt động phi nông nghiệp khác.
"Cái bệnh an ninh lương thực làm chết nông dân chúng tôi", lão nông Lê Văn Lam nói và đề nghị Nhà nước đừng gò bó nông dân ở Đồng Tháp Mười làm lúa mãi, cho họ chuyển đổi đất đai cây trồng để có lợi nhuận cao hơn. Ông dự tính, nếu được cho chuyển đổi, 30 ha đất của gia đình 25 nhân khẩu của mình, ông sẽ giữ một phần trồng lúa, hai phần còn lại trồng cây ăn trái và nuôi tôm cá.
Giám đốc sở nông nghiệp một địa phương có diện tích lúa lớn ở miền Tây cho rằng, đa phần nông dân bán lúa tại ruộng với giá thấp, cuộc sống khó khăn nhưng rất khó thực hiện chuyển đổi diện tích lớn những vùng trồng lúa sang cây khác. Bởi hiện nay không có chủ trương, không đảm bảo đầu ra và khả năng ảnh hưởng đến tổng sản lượng lúa gạo và an ninh lương thực.
Có hàng chục năm gắn bó với nền nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, Việt Nam sản xuất lúa gạo nhiều quá. Lãnh đạo các địa phương thừa biết rằng nông dân trồng lúa gặp nhiều khó khăn, nhưng vì chỉ tiêu trên giao xuống phải làm, tình trạng này kéo dài nhiều năm qua. Và ngày càng đẻ ra nhiều công trình thủy lợi nghìn tỷ đồng để phục vụ một trong những mục đích chính là tăng thêm sản lượng lúa gạo.
"Mỗi năm dư để xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo nhưng nông dân trồng lúa có giàu được đâu?", Giáo sư Xuân nói. Theo ông, giải pháp ổn định lâu dài là giảm bớt diện tích cây trồng này, cần đầu tư tổ chức sản xuất các loại cây, con mà nông dân có lợi tức cao hơn, như nuôi tôm, cây ăn trái, rau quả cao cấp...
Đa phần nông dân miền Tây sản xuất lúa quy mô nhỏ lẻ. Ảnh: An Phú . |
Theo đó, cần giữ các vùng an toàn nước ngọt khoảng một triệu ha ở An Giang, Đồng Tháp, một phần Tiền Giang, Vĩnh Long... Những vùng này rất thích hợp cho cây lúa và cần phải được đầu tư chiều sâu, sản xuất lúa chất lượng, phẩm cấp cao trên diện tích tập trung, thắt chặt mối liên nông dân – doanh nghiệp...
"Miền Tây giữ lại một triệu ha lúa vẫn đảm bảo an ninh lương thực, vẫn dư một ít để xuất khẩu giá cao; không tội tình gì mà nông dân phải nai lưng trồng lúa mãi", Giáo sư Võ Tòng Xuân nói và khuyến cáo trên diện tích lúa cắt giảm cần đầu tư sản xuất các loại cây, con khác mà thị trường cần nhiều hơn, xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế, lợi nhuận nhiều hơn cho nông dân.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện nghiên cứu về biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ cho rằng, trồng lúa tiêu tốn rất nhiều nước, cần 3.000 lít nước để sản xuất ra mỗi kg lúa, nhưng giá bán 10 năm qua vẫn quanh quẩn mức 5.000 đồng mỗi kg, thậm chí giảm.
Theo Tiến sĩ Tuấn, miền Tây nên ngưng phát triển đê bao khép kín. Những khu vực đê bao không hiệu quả thì từng bước mở ra để trữ nước ngọt. Đặc biệt, nông dân vùng khô hạn mạnh dạn thay lúa thế bằng các loại cây trồng, vật nuôi cần lượng nước ít nhưng cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2018, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt 6,1 triệu tấn, tăng 5,1% so với năm trước, với giá trị đạt trên 3 tỷ USD, tăng 16,3%. Năm 2019, dự kiến Việt Nam xuất khẩu 6 triệu tấn gạo... Vụ Đông Xuân 2018-2019, miền Tây gieo trồng 1,6 triệu ha, đến nay đã thu hoạch xong, sản lượng hơn 11 triệu tấn lúa, tăng hơn 200.000 tấn so vụ trước. Trong đó, lượng lúa dành cho xuất khẩu trên 7,3 triệu tấn, tương đương 3,6 triệu tấn gạo. Vụ Hè Thu năm nay, toàn vùng dự kiến gieo sạ hơn 1,6 triệu ha lúa, năng suất khoảng 56,46 tạ mỗi ha, sản lượng hơn 9 triệu tấn, tăng gần 260.000 tấn so cùng kỳ năm trước. |
Cửu Long
Dưa hấu phải dán tem Trung Quốc ở Quảng Nam: Nông dân sẽ có lợi?
Ngành nông nghiệp Quảng Nam cho rằng việc nông dân dán tem Trung Quốc trên trái dưa hấu, trước mắt sẽ có lợi, song về ... |
Xót xa nhìn cảnh nông dân đổ đi cả xe ô tô dứa chín do Trung Quốc ngừng thu mua
Mùa thu hoạch dứa đang rộ ở Mường Khương, Lào Cai, tuy nhiên dứa không xuất được chất đống khắp nơi, thậm chí phải đổ ... |