Trẻ được tự chọn màn chào hỏi với cô giáo và được đáp lại cùng những nụ cười của cả cô và trò tạo nên không khí vui tươi mỗi buổi sáng đến lớp tại Trường Mầm non Thanh Bình, TP Hải Dương.
Thay vì tâm thế nhõng nhẽo, mếu máo khi rời bố mẹ, những đứa trẻ chỉ hơn 3 tuổi nhanh chóng và đầy hứng khởi đập tay lên cửa lớp chào cô theo nhiều cách khác biệt, rồi vui vẻ chạy vào lớp.
Nhìn con thơ chủ động vươn người lên đập tay, nhí nhoáy lắc mông hoặc sà vào lòng cô giáo khi vừa đến cửa, các phụ huynh cũng nhoẻn miệng cười yên tâm rời lớp.
Màn chào hỏi đặc biệt theo ý trẻ này đang diễn ra đầu mỗi buổi sáng tại lớp 3 tuổi A Trường Mầm non Thanh Bình.
Trước khi vào lớp, các bé sẽ tự mình lựa chọn một cách chào với giáo viên trong “menu lựa chọn” hành động cảm xúc dán ngay trên cửa lớp. Tùy từng lựa chọn của trẻ, cô giáo sẽ đập tay, bắt tay hoặc nhún nhảy hay ôm đón chào các bé.
Cô giáo Phan Thị Thanh Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 3 tuổi A Trường Mầm non Thanh Bình là người đề xuất hoạt động này trong mạch ý tưởng xây dựng mô hình lớp học hạnh phúc mà nhà trường đang triển khai thí điểm.
Sau khi nghe các chuyên viên của phòng GD-ĐT TP Hải Dương chia sẻ chuyên đề lan tỏa mô hình lớp học hạnh phúc ngay trước thềm năm học 2019-2020, cô Hương quyết thực hiện. Bởi theo cô, với trẻ, gây hứng thú là điều cần làm đầu tiên.
Là người thường xuyên xem các trang mạng về giáo dục của nước ngoài về mầm non, thấy hoạt động này thú vị, cô Hương đã học tập và áp dụng một số nội dung phù hợp với điều kiện lớp mình.
Cô giáo sinh năm 1985 không nặng nề chuyện “học theo nước ngoài” bởi mục tiêu chính của cô là những đứa trẻ được hứng thú, vui vẻ. “Xem các hoạt động giáo dục ở các nước tiên tiến, tôi thấy họ có những cách giáo dục rất gần gũi, thân thiện với trẻ mà mình hoàn toàn có thể áp dụng được".
Hoạt động này không quá khó khăn để thực hiện và cũng không tốn kém nhiều chi phí, mà cốt quan trọng là cái tâm và sự nhiệt huyết của người giáo viên.
“ Hình ảnh có thể tự vẽ tô màu hoặc in trên mạng về. Trước khi thực hiện, tôi cho trẻ ngồi xung quanh để các bé được nhìn rõ. Với mỗi hình ảnh tôi đều giải thích cho các bé về ý nghĩa và hướng dẫn thực hiện việc chào cô ra sao, vì thế các con rất hứng thú”.
Tuy nhiên, cô Hương cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Bởi ở độ tuổi vừa đi học, một số trẻ chưa thể nhận biết để thực hiện được ngay hoặc còn những rụt rè.
“Có những bé mạnh dạn thì chọn ngay biểu tưởng và thực hiện chào cùng cô; nhưng cũng có những bé rụt rè, lưỡng lự mãi. Có bé thì ngày mỗi ngày lựa chọn một cách thức chào hỏi đa dạng, nhưng cũng có bé ngày nào cũng chỉ chọn đi chọn lại một biểu tượng cố định theo sở thích”, cô Hương cười.
Nhưng cô giáo cho rằng chỉ cần sự yêu thương trẻ chân thành thì việc gì cũng có thể làm được.
Chị Phạm Kiều Trang, phụ huynh của lớp 3 tuổi A đánh giá đây là một hoạt động hay, bởi chị thấy con hứng khởi và thích thú hơn mỗi sáng đến trường. “Về nhà, con cũng chủ động chào bố mẹ bằng những cách thể hiện như thế và chia sẻ thích việc buổi sáng cô đón bằng một cái ôm”.
Chị Trang cũng bày tỏ mong muốn có nhiều hoạt động tạo cảm xúc tích cực cho con tương tự như vậy hơn nữa ở lớp cũng như ở trường. “Bởi khi giao con cho nhà trường, tâm lý phụ huynh cũng yên tâm hơn nếu con được vui vẻ và nhận được sự yêu thương”.
Phụ huynh Nguyễn Thị Thương chia sẻ: “Tôi thấy đây là một cách chào hỏi rất mới mẻ, thân thiện và cho con cảm hứng đầu giờ sáng đi học. Việc vào lớp vui vẻ, phấn chấn có thể giúp con tiếp thu các kiến thức, hoạt động tốt hơn. Tôi cũng muốn xen kẽ chương trình học thì có thêm nhiều những hoạt động để cô trò gần gũi nhau hơn, các con được vui chơi, cọ xát với nhau để có thể phát triển tư duy nhanh nhẹn và vui hơn”.
Không chỉ ở việc đón trẻ, thời gian tới, cô Hương cũng hướng đến việc triển khai những hoạt động trong lớp tạo được sự gần gũi, không khí vui tươi và hứng khởi trong những giờ sinh hoạt sau đó.
Cô Hương cho hay hướng tới xây dựng lớp học hạnh phúc, cô không cảm thấy mệt mỏi mà dường như thấy vui hơn mỗi ngày đến lớp. “Hãy thử hình dung một buổi sáng bạn được các học trò nhỏ quấn lấy để ôm sẽ cảm thấy rất vui. Khi trao cho trẻ một niềm vui thì mình sẽ nhận được gấp bội. Lớp tôi có 30 trẻ thì nhận được 30 niềm vui như thế, gấp rất nhiều lần. Những điều đó vượt qua cả những giá trị vật chất hay tiền bạc. Không chỉ vậy, phụ huynh khi gửi trẻ cũng sẽ cảm thấy được yên tâm hơn và đó cũng là một niềm hạnh phúc của người giáo viên”.
Cô cho rằng việc xây dựng lớp học hạnh phúc cũng có tác dụng 2 chiều. “Khi trẻ đến lớp phấn khởi, vui vẻ thì các giáo viên cũng sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc lây. Tôi cảm thấy có động lực, hứng thú hơn với công việc hằng ngày và như được tái tạo năng lượng sáng tạo. Những tâm huyết mà mình bỏ ra thì điều trước tiên được nhất là trẻ vui và được phụ huynh ghi nhận. Đó là điều tôi cảm thấy vui nhất mà cũng là đền đáp xứng đáng nhất”.
Cô Hương chia sẻ, nghề giáo viên mầm non phải đối diện với rất nhiều áp lực, từ nhiều phía như trẻ đông hay chưa ý thức, thu nhập thấp,.. Cũng có lúc chị từng nghĩ hay là mình chọn nghề khác có thể mất nhiều thời gian hơn, vất vả hơn nhưng thoải mái về tinh thần. “Nhưng mỗi ngày đến trường nhìn thấy trẻ cười, chơi vui, đặc biệt khi nhìn thấy “một đàn con” nằm ngủ bạn sẽ cảm thấy bình yên vô cùng. Những lúc đấy mình lại tự nhủ với bản thân: Cố lên! Cố lên! Cố lên! Ngày mai chúng ta lại tiếp tục hành trình”, cô Hương tràn đầy nhiệt huyết.
Bà Vũ Thị Chi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Bình cho hay việc nhà trường đang triển khai rộng mô hình lớp học vui vẻ, hạnh phúc xuất phát điểm từ chủ trương của Bộ GD-ĐT.
“Trước đây chúng tôi đón trẻ cảm giác khá cứng. Chúng tôi muốn các giáo viên được sáng tạo và học tập. Nhà trường chỉ đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình lớp học hạnh phúc và rồi để giáo viên tự vận dụng. Đầu tiên nhà trường chọn 4 giáo viên ở các khối để làm thí điểm. Qua đó, động viên mỗi lớp sẽ đăng ký một hoạt động tương tác tích cực, tự nhiên giữa cô và trẻ. Chúng tôi muốn giáo viên hiểu rằng tạo môi trường trường học hạnh phúc không phải là điều gì đó to tát mà có thể bằng những việc làm rất nhỏ thường ngày”.
Theo bà Chi, để có những lớp học hạnh phúc, học sinh vui vẻ thì việc đầu tiên là chính các giáo viên khi đến lớp cũng phải được vui vẻ, hạnh phúc
Để thực hiện chuyên đề này thì nhà trường cũng có những cách thức để tạo cảm xúc cho các giáo viên.
Nhà trường cũng khuyến khích ghi lại các hoạt động tạo nên lớp học tích cực, vui vẻ và chia sẻ lên trang Facebook của trường để cùng nhau chia sẻ, học tập, góp ý. Lớp nào nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ của mọi người và phụ huynh thì sẽ được động viên bằng cách khen thưởng. Vị hiệu trưởng cũng khuyến khích, động viên các giáo viên bằng việc đưa ra những giải thưởng trích từ chính tiền lương của mình.
“Tôi thường chia sẻ với giáo viên rằng hướng tới lớp học hạnh phúc không phải là cái gì đó to tát cả, không phải áp lực nặng nề, mà những việc đơn giản hằng ngày trẻ thích. Cô vui thì cố gắng lan tỏa tạo nên môi trường hạnh phúc. Do đó, hãy thực hiện một cách tự nhiên nhất”, bà Chi nói.
Theo bà Chi, tạo nên một môi trường lớp học hạnh phúc cũng mang lại lợi ích cho giáo viên.
“Các cô quan tâm, đối xử với trẻ bằng tình cảm yêu thương chân thành thì đáp lại trẻ sẽ yêu quý và phụ huynh sẽ thực sự tin tưởng và giá trị của nghề càng được trân trọng. Chúng tôi vẫn nói với nhau nghề giáo viên mầm non rất vất vả, rất nhiều áp lực nhưng hãy làm với cái tâm của mình thì xã hội sẽ ghi nhận”.
Bà Chi cho rằng, để có những lớp học hay trường học hạnh phúc thì tư duy nhận thức của người đứng đầu, hiệu trưởng là hết sức quan trọng.
“Để làm được thì không phải chỉ các giáo viên phải thay đổi mà bản thân những người đứng đầu, hiệu trưởng nhà trường như chúng tôi cần phải thay đổi đầu tiên. Chúng tôi như những người đứng đầu chèo lái con thuyền, nếu như không thay đổi thì để truyền tải tới các giáo viên là rất khó”.
Từ đầu tháng 8 ở đợt tập huấn đầu tiên năm học này, thay vì chuẩn bị hồ sơ sổ sách, nhà trường đã mời chuyên viên từ phòng GD-ĐT về trực tiếp chuyển tải thông điệp về lớp học hạnh phúc, tạo cảm xúc cho các giáo viên.
Là hiệu trưởng, bà Chi cũng tạo sự thân thiện trong ứng xử, giao tiếp với các giáo viên; tạo điều kiện cho các cô trong công việc như giảm tải sổ sách, khuyến khích các việc làm sáng tạo, tạo cảm xúc cho trẻ.
“Ngoài hình thức chào hỏi thân thiện, nhà trường cũng khuyến khích các giáo viên đưa ra thêm nhiều hình thức, hoạt động khác tạo cảm xúc tích cực cho trẻ trong cả ngày ở lớp. Tới đây, nhà trường đang triển khai việc mỗi buổi sáng, tất cả cán bộ nhân viên, kể cả ban giám hiệu hay bác bảo vệ, cô lao công, nhân viên nhà bếp đều sẽ cùng tập thể dục buổi sáng với trẻ. Việc này vừa để tăng cường sức khỏe, tạo nên trường học thân thiện, tăng cảm xúc và năng lượng cho một ngày làm việc mới”.
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) đánh giá những giá trị và cách làm mà nhà trường hướng đến rất sáng tạo, phù hợp với hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non được quy định tại Thông tư 28 và mục tiêu của chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" mà Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo thực hiện nhiều năm qua.
Đường đến trường ở huyện Mường Tè (Lai Châu) đã bớt gian nan |
Cậu bé nắm tay người bạn tự kỷ ngày đầu đến trường |
Người mẹ để con gái mù tự đến trường suốt 5 năm và sự thật rơi nước mắt |