Tuyển bóng đá nam Việt Nam đang thắng như chẻ tre, tiến sát chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018 một cách thuyết phục.
Chiến công này nối dài thành tích hạng tư ASIAD 2018 (Hàn Quốc), hạng nhì U23 châu Á 2017 (Trung Quốc) và kết lại vòng tròn 10 năm cơ hội tái đăng quang sân chơi AFF Cup (2008-2018).
Thành tích hẳn nhiên là rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là những giá trị nền tảng mà bóng đá nước nhà đã xây dựng được để vun bồi cho trái ngọt hôm nay. Nền tảng đó trước tiên xuất phát từ niềm đam mê bóng đá cháy bỏng của người hâm mộ, làm xung lực cho khối tư nhân tham gia ngày càng sâu vào việc đào tạo, bồi dưỡng và phát huy nhân tài ở lĩnh vực này. Sau HLV Park Hang-seo và các tuyển thủ thì Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, Viettel... là những cái tên xứng đáng được xưng tôn đầu tiên khi vinh danh đội bóng đá nam quốc gia lần này, chứ không phải bất cứ tên đơn vị quốc doanh nào khác.
Từ những lò đào tạo ấy, không chỉ Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Quang Hải, Đình Trọng, Đức Huy, Đức Chinh... bay cao, bay xa mà chẳng phải đợi lâu sẽ có những lứa cầu thủ kế thừa, được đào tạo rất bài bản, kỳ vọng tài năng sẽ tỏa sáng không kém. Nhìn cái cách Tập đoàn Vingroup đầu tư cho lò bóng đá PVF hay sự chăm chút của ông bầu Đỗ Quang Hiển cho chiếc nôi bóng đá Hà Nội, chúng ta vững tin rằng bóng đá Việt Nam có đủ cơ hội để vươn xa hơn.
Vậy, bóng dáng của các tổ chức nhà nước ở đâu trong vầng hào quang chiến thắng ấy? Thật không dễ tìm! Có nghịch lý đã xảy ra là trong nhiệm kỳ lãnh đạo, điều hành lần thứ VII khá nhiều xì-căng-đan của LĐBĐ Việt Nam (VFF) như vừa qua thì bóng đá trẻ lại rất thành công. Sự thành công đó làm phai nhạt vai trò vốn rất lờ mờ của VFF. Người ta có cảm tưởng cú bay lên ngoạn mục của bóng đá Việt hôm nay không hề bám vào "đôi cánh" của tổ chức lãnh đạo, điều hành bóng đá nước nhà.
Hàng ngũ lãnh đạo VFF nhiệm kỳ VIII vừa được bầu lên. Trong hàng ngũ mới đó vẫn tồn lưu vài gương mặt cũ, có cả cá nhân lãnh đạo phụ trách chuyên môn đã và đang bị chê triền miên và tơi tả. Những-con-người-VFF nhiệm kỳ mới đừng nên sớm nghĩ về công trạng đối với những thành tích chung đã gặt hái mà hãy tư duy từ nay sắp tới sẽ phải làm gì cho vừa vặn với cái ghế mình ngồi.
Xu thế xã hội hóa thể thao, trong đó bóng đá hầu như sôi động nhất, là tất yếu và sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Nhà nước chỉ nên là "bà đỡ", khai phát cho thông thoáng thêm hành lang pháp lý; xây dựng và cầm trịch tổ chức thực hiện chiến lược, sách lược phát triển bóng đá hiện đại sao cho thu hút khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn, hào hứng hơn và trách nhiệm hơn vào bộ môn này. Các ông chủ câu lạc bộ và những nhà tuyển trạch đã biết cách kích hoạt cho bước chạy thêu hoa dệt gấm của những Công Phượng, Quang Hải, Văn Đức, Tiến Linh... nhanh hơn, thanh thoát hơn; giờ chỉ còn mong các nhà quản lý đừng làm ngược xu thế: buộc chì vào cổ chân các cầu thủ.
Nếu cứ "một người đạp ga, ba người đạp thắng" thì có 10 "phù thủy" Park Hang-seo và bao thế hệ cầu thủ "vàng" cũng chào thua tấm lá chắn "cơ chế"!
Và mấy ngày qua, bàn dân thiên hạ dậy sóng trước thông tin 2 năm nay toàn bộ lương, thuế thu nhập cho HLV trưởng Việt Nam Park Hang-seo 19,2 tỉ đồng là do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức tài trợ chi trả. Quái lạ, Tổng cục TDTT làm gì? VFF ở đâu mà để tư nhân “cân” cả việc của nhà nước trong khi tổ chức của các vị và bản thân các vị được ngân sách cấp tiền, trả lương hằng tháng đều như bắp?
Quang Huy
AFF CUP 2018: Đại hội VFF khóa VIII: Bàn tay sắt và bình minh hy vọng bóng đá Việt
AFF CUP 2018: Có tình cờ không khi giai đoạn 2014-2018 thành công nhất lịch sử bóng đá Việt Nam lại gắn liền với thời ... |