Một tàu khu trục của Đức sẽ lên đường tới châu Á vào tháng 8 và đi qua Biển Đông trong hành trình trở về.
Thông tin này được một quan chức cấp cao ở Berlin tiết lộ hôm 2/3.
Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một chiến hạm Đức di chuyển qua Biển Đông kể từ năm 2002.
Các quan chức trong Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Đức nói thêm rằng con tàu sẽ không đi vào khu vực 12 hải lý (của các quốc gia ở Biển Đông).
Trong tuyên bố đưa ra hồi tuần trước, Nghị sĩ Đức Thomas Silberhorn cho biết nước này sẽ điều tàu chiến tới Biển Đông sớm nhất là vào mùa hè.
"Tôi chưa thể nói về chi tiết. Đức muốn tăng cường quan hệ với các đối tác dân chủ", ông này cho hay.
Đức là quốc gia châu Âu thứ ba gửi tàu chiến tới Biển Đông. (Ảnh: Ảnh: Defpost) |
Thông tin trên được hé lộ trong bối cảnh chính quyền Biden đang tìm cách xây dựng lại các liên minh của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc trước các hành vi ngang ngược gia tăng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tuần tước, Pháp điều tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và khu trục hạm Surcouf đi qua Biển Đông hai lần. Tờ SCMP nhận định, việc Pháp sẵn sàng đối đầu với các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trong khu vực Biển Đông phản ánh kế hoạch hợp tác của Paris với nhóm "Bộ tứ Kim cương".
Truyền thông Anh hồi cuối tháng 2 đưa tin tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của nước này đã rời cảng Portsmouth để lên đường tới Biển Đông. Hàng không mẫu hạm này được hai tàu khu trục Type 45, hai tàu hộ tống Type 23, một tàu ngầm hạt nhân, một tàu tiếp nhiên liệu lớp Tide và tàu tiếp tế RFA Fort Victoria tháp tùng thực hiện sứ mệnh.
Đức, Anh, Pháp là ba quốc gia châu Âu gửi công hàm lên Liên hợp quốc hồi tháng 9/2020, phản bác các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Giới chuyên gia nhận định bước đi mới đây cho thấy ba nền kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng họ có lợi ích trong bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông.
Việc các nước liên tiếp gửi tàu chiến tới Biển Đông cũng phản ánh sự dịch chuyển chính sách của châu Âu trong bối cảnh các quốc gia ngày càng cảnh giác với Trung Quốc.
SONG HY (Nguồn: Reuters)