Nỗi buồn biệt thự cổ Hà Nội

Người Pháp sau khi rút khỏi Hà Nội năm 1954 đã để lại nhiều biệt thự mang kiến trúc Pháp đa dạng, chủ yếu là kiến trúc Ba-rốc, Gô-tích, Rô-măng. Những biệt thự có khuôn viên vài trăm mét, cây xanh, vườn, bể bơi… thường là 2 - 3 tầng dành riêng các quan chức Pháp nằm trên nhiều con phố như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Điên Biên Phủ…

 Nỗi buồn biệt thự cổ Hà Nội ảnh 1

Trải qua trăm năm dâu bể, rất nhiều biệt thự đã xuống cấp, biến dạng và không có điều kiện để cải tạo

Ngày xưa…

Quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng có nhiều biệt thự mang phong cách pha trộn giữa Tây Âu và phương Đông. Khuôn viên chúng không rộng lắm, thường là 200 - 300m2 và nằm trên nhiều con phố như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh, Tràng Thi, Quang Trung… Chúng là tài sản của các gia đình giàu có như bác sĩ, chủ đồn điền, công trình sư, luật sư, các ông thông, ông phán, ông ký…

Biệt thự Hà Nội được chính quyền Pháp xây dựng đã hơn 1 thế kỉ, mang nét kiến trúc đô thị hài hòa với khung cảnh, cuộc sống sinh hoạt người Hà Nội đầu thế kỷ 20. Nó là bức tranh nhiều màu sắc, duyên dáng, hiện đại của một thành phố lớn - Thủ đô của cả nước. Kí ức vẫn hằn sâu trong tôi từ ngày cắp sách đến trường mỗi khi đi qua con phố Nguyễn Du (đoạn ngã tư hồ Ha Le - Trần Bình Trọng) ngước nhìn những ngôi biệt thự sang trọng bề thế, có hàng rào, cổng sắt, hàng cây cao vút tỏa hương thơm hoa trái giữa không gian yên tĩnh của thành phố văn minh.

Nỗi buồn biệt thự cổ Hà Nội ảnh 2

Biệt thự 65 Nguyễn Thái Học (ảnh chụp năm 2017)

 
 

Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 1.200 biệt thự, ngoại trừ những biệt thự được Nhà nước quản lý phục vụ cho cơ quan Chính phủ, ngoại giao nằm ở khu Ba Đình được giữ nguyên trạng, còn lại đa phần đã bị biến dạng, méo mó, cơi nới, thay đổi kiến trúc ban đầu. Sau ngày giải phóng Thủ đô 10-10-1954, nhiều chủ nhà đã di cư vào Nam, bỏ lại toàn bộ hoặc giao cho họ hàng quản lý. Nhà nước sau này thu lại những biệt thự vô chủ giao cho Sở Nhà đất quản lý.

Các gia đình đang sở hữu biệt thự do người nhà đi Nam để lại chỉ được sử dụng một phần diện tích, còn lại Nhà nước bố trí cho các gia đình khó khăn khác, ít thì 3-4 hộ, nhiều thì 6-7 hộ. Đương nhiên, ngôi biệt thự khi ấy trở thành khu tập thể thu nhỏ. Từ đây kiến trúc khuôn viên ngôi nhà bị biến dạng với nhiều bàn tay chủ hộ tự biên tự diễn. Sân vườn trồng cây được cải tạo, cơi nới thành nhà ở, mỗi hộ chia nhau diện tích theo thỏa thuận.

Thời buổi khó khăn, họ làm chuồng nuôi lợn, gà, vịt bằng những vật liệu tre, nứa, liếp, giấy dầu... Hàng rào bao quanh khu nhà mặt phố được dỡ ra, vẩy thêm mái để kinh doanh. Những bức tường ở mặt tiền được đục thành lỗ hổng để mở quán nước. Kiến trúc ban đầu ngôi nhà bị đẩy lùi vào sâu bên trong, còn lại không gian diện tích bên ngoài được các hộ chia nhau. Chưa hết, do nhu cầu nhà ở, chủ hộ đã tự thay những ban công, ô văng tầng 2-3 thành buồng sinh hoạt bằng khung sắt ốp kính kiểu “chuồng cọp”.

Nỗi buồn biệt thự cổ Hà Nội ảnh 3

Biệt thự số 6B Đường Thành mới được trùng tu đúng với nguyên bản đến từng chi tiết

 

Và ngày nay

Bà Bùi Thi Duyên đã sống hơn nửa thế kỷ ở con phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm kể: “Bác tôi di cư vào Nam năm 1954 có để lại cho gia đình tôi tiếp quản ngôi biệt thự gần 400m2 rất đẹp nằm ở 2 mặt phố. Biệt thự có kiến trúc phương Tây, có hàng rào bao quanh, vườn cây, sân chơi, khu bếp, nhà kho, gara ô tô. Ít lâu sau, Nhà nước đến đo đạc và yêu cầu gia đình tôi chỉ được sử dụng 1 tầng vì không phải chính chủ ngôi nhà, cũng chẳng có giấy tờ sang nhượng. Sau đó, nhiều gia đình chuyển đến ở và ngăn chia các tầng, các phòng, tổng cộng khoảng 5 hộ. Ban đầu, hộ đông nhất gồm 5 nhân khẩu, sau này mỗi gia đình có thêm người từ quê ra, rồi con cái lấy chồng, lấy vợ, sinh con đẻ cái nên diện tích bị thu hẹp, thế là phát sinh những diện tích phụ.

Nỗi buồn biệt thự cổ Hà Nội ảnh 4

Biệt thự trên phố Chân Cầm được xây từ những năm 30 của thế kỷ trước

Lúc đầu, những hộ trên gác cơi nới ban công để có thêm diện tích sinh hoạt. Về sau họ bảo nhau phân chia mảnh vườn bao quanh khu biệt thự, mỗi gia đình làm một căn nhà tạm bằng tre nứa, giấy dầu. Dần dần là xây tường gạch, lợp ngói, có nhà đổ mái bằng, diện tích mỗi căn khoảng 15 - 20m2, lối đi bị lấn chiếm chỉ dắt vừa chiếc xe đạp. Giờ đây căn biệt thự đã biến thành khu nhà tập thể thu nhỏ sập xệ, nhếch nhác. Qua thời gian, gia đình nào cũng con đàn cháu đống, hàng ngày không tránh khỏi va chạm trong sinh hoạt. Có gia đình ở tầng 1 sản xuất khung nhôm kính, vật tư để bừa bãi chiếm dụng lối đi chung, máy cắt, máy hàn hoạt động ngày đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ, học hành, làm việc của các gia đình khác”.

Bức tranh biệt thự Hà Nội đã có hơn 100 năm với nhiều kiến trúc đẹp, là điểm nhấn đô thị hiện đại đã dần bị biến dạng, méo mó do bàn tay con người. Những nét văn hóa ấy đã tồn tại hàng trăm năm nếu không biết gìn giữ, bảo quản thì sẽ mất đi không bao giờ lấy lại được.