Những vấn đề đốt nóng kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Covid-19, "tai ương kinh tế" mà nó gây ra và nguy cơ Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung là những chủ đề nóng tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ.

Kỳ họp thứ 75 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA 75) khai mạc hôm 22/9 và được tổ chức theo hình thức trực tuyến, trong bối cảnh toàn cầu bị chia cắt bởi một đại dịch tàn khốc. Các lãnh đạo thế giới tham gia cuộc họp trực tuyến cấp cao chưa từng có, nơi người đứng đầu Liên Hợp Quốc (LHQ) kêu gọi đoàn kết và giải quyết những vấn đề nhức nhối nhất của thời đại.

4914 000 8qh2de 3323 1600828736
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong kỳ họp thứ 75 của Đại hội đồng LHQ tại thành phố New York, Mỹ, hôm 22/9. Ảnh: AFP.

Khi Tổng thư ký Antonio Guterres phát biểu khai mạc phiên thảo luận chung đầu tiên, những bất đồng về chính trị và sự giận dữ giữa các quốc gia thành viên LHQ trở nên rõ ràng. Thông qua những bài phát biểu được ghi hình từ trước và phát tại phiên họp, lãnh đạo Trung Quốc và Iran "đấu khẩu" với Mỹ, trong khi nhiều người bày tỏ tức giận và thất vọng trước cách xử lý Covid-19, đại dịch mà Guterres gọi là "mối đe dọa an ninh toàn cầu số một trong thế giới của chúng ta hiện nay".

Khi bắt đầu phát biểu, Tổng thư ký Guterres nhìn ra phòng họp rộng lớn của Đại hội đồng, nơi chỉ cho phép mỗi nước trong số 193 thành viên LHQ cử một nhà ngoại giao đeo khẩu trang có mặt và tuân thủ giãn cách xã hội.

"Đại dịch Covid-19 đã thay đổi chóng mặt cuộc họp thường niên của chúng ta", Guterres nói. "Nhưng nó cũng khiến cuộc họp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết".

Trong kỳ họp ảo kéo dài 6 ngày độc nhất vô nhị lịch sử 75 năm của LHQ, bài phát biểu của các lãnh đạo đã nêu rõ mọi xung đột, khủng hoảng và chia rẽ trước một thế giới mà Guterres cho rằng đang chứng kiến "gia tăng bất bình đẳng, thảm họa khí hậu, chia rẽ xã hội ngày càng lớn, tham nhũng tràn lan".

Ông cho rằng "đại dịch đã tận dụng những bất công này, nhắm vào những người dễ bị tổn thương nhất và xóa sổ những tiến bộ đạt được trong nhiều thập kỷ", trong đó có sự gia tăng của tình trạng đói nghèo lần đầu tiên trong 30 năm qua.

Tổng thư ký kêu gọi đoàn kết toàn cầu chống lại đại dịch, đồng thời chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc vì không ngăn chặn được nCoV và khiến mọi việc tồi tệ hơn.

Trong phát biểu sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ trích cách "các quốc gia phải tự vật lộn" khi đại dịch bùng phát, nhấn mạnh "chủ nghĩa đa phương hiệu quả đòi hỏi các thể chế đa phương hiệu quả". Ông kêu gọi LHQ nhanh chóng cải cách, bắt đầu từ Hội đồng Bảo an, cơ quan quyền lực nhất của LHQ với 5 thành viên có quyền phủ quyết là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp.

Ngược lại, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, lãnh đạo quốc gia ghi nhận số người chết vì Covid-19 cao thứ hai thế giới sau Mỹ, nhấn mạnh sự tập trung của ông vào kinh tế khi đối phó đại dịch.

Bolsonaro chỉ trích "truyền thông Brazil" đã "gieo rắc sợ hãi" bằng cách khuyến khích người dân ở nhà, ưu tiên sức khỏe cộng đồng hơn kinh tế. Ông hạ thấp mức độ nghiêm trọng của virus, liên tục nói rằng đóng cửa nền kinh tế sẽ gây khó khăn tệ hơn cho người dân.

Guterres nói với các đại biểu theo dõi cuộc họp từ xa rằng "có nhiều lúc giữa khả năng lãnh đạo và quyền lực là một khoảng cách lớn".

Một năm trước, ông từng cảnh báo về tình trạng đối đầu gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và hôm 22/9, ông lại tiếp tục cảnh báo "Chúng ta đang đi theo hướng rất nguy hiểm".

"Thế giới của chúng ta không thể chấp nhận một tương lai nơi hai nền kinh tế lớn nhất chia cắt toàn cầu bằng một Vết nứt Lớn, trong đó mỗi bên đề ra các quy tắc thương mại và tài chính riêng cũng như sở hữu năng lực Internet và trí tuệ nhân tạo riêng", Guterres nói. "Chúng ta phải tránh điều này bằng mọi giá".

Sự kình địch giữa hai cường quốc bộc lộ rõ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong một bài phát biểu ngắn, đã thúc giục LHQ buộc Bắc Kinh "chịu trách nhiệm" vì đã không ngăn chặn được Covid-19, đại dịch đã khiến hơn 200.000 người Mỹ cũng như gần một triệu người trên thế giới thiệt mạng.

4916 5 1600832611 1600832623 8822 1600832675
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại kỳ họp trực tuyến UNGA 75. Ảnh chụp màn hình video của Nhà Trắng.

Đáp lại, khi giới thiệu video phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình, đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân tuyên bố mọi cáo buộc chống lại Bắc Kinh là "hoàn toàn vô căn cứ".

"Trong thời điểm này, thế giới cần đoàn kết và hợp tác, chứ không cần đối đầu", ông Trương. "Chúng ta cần tăng cường tín nhiệm và tin tưởng lẫn nhau chứ không phải phát tán virus chính trị".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng đại dịch đáng lẽ phải là "cú sốc điện" khuyến khích nhiều hành động đa phương hơn. Nếu không, ông cảnh báo, thế giới sẽ "cùng lên án vũ điệu" mà Trung Quốc và Mỹ đang nhảy múa, trong đó mọi người "chẳng là gì ngoài những khán giả hổ thẹn vì sự bất lực chung".

4915 000 8qh3a6 6273 1600828736
Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump được phát trên màn hình tại phiên họp. Ảnh: Liên Hợp Quốc

Căng thẳng với Mỹ cũng chi phối bài phát biểu nảy lửa của Tổng thống Iran Hassan Rouhani, lãnh đạo của quốc gia đang đối mặt cuộc khủng hoảng Covid-19 tồi tệ nhất Trung Đông. Ông chỉ tríchđ các lệnh trừng phạt của Mỹ, tuyên bố Tehran sẽ kiên cường trước áp lực của Washington.

Rouhani tuyên bố Mỹ không thể áp đặt đàm phán hoặc chiến tranh lên Iran, nhấn mạnh đất nước của ông 'không phải quân bài mặc cả trong bầu cử và chính sách đối nội của Mỹ". Nhắc tới cái chết của George Floyd, một người Mỹ da đen bị cảnh sát da trắng ở Minneapolis ghì chết hồi tháng 5, Rouhani nói đó là phép ẩn dụ cho "kinh nghiệm riêng" mà Iran rút ra khi đối phó với Mỹ.

"Chúng tôi lập tức nhận ra bàn chân ghì lên cổ Floyd giống bàn chân của sự ngạo ngược đè lên cổ những quốc gia độc lập", Rouhani nói.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã lên mức nguy hiểm trong năm nay, khi Trump vừa ký một sắc lệnh thực thi tất cả các lệnh trừng phạt của LHQ lên Iran vì quốc gia này không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới, động thái mà ông đã đề nghị các nước thực hiện trong bài phát biểu của mình tại LHQ nhưng bị đa số từ chối vì coi là hành động không hợp pháp.

Tương tự, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh yêu cầu hợp tác đa phương chống lại đại dịch, kêu gọi chấm dứt "các lệnh trừng phạt vô lý" chống lại nước Nga và những quốc gia khác mà ông cho rằng đáng lẽ phải thúc đẩy kinh tế toàn cầu và tạo việc làm.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu thay mặt cho Liên minh châu Phi, cho hay những nước giàu chưa đủ hào phóng trong việc giúp đỡ các nước đang phát triển chống Covid-19, đại dịch đang cản trở nền kinh tế và sự phát triển của lục địa này.

Sau khi đại dịch bùng phát khắp thế giới hồi tháng 3, Guterres đã kêu gọi ngừng bắn toàn cầu để đối phó dịch. Hôm 22/9, ông tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế, dẫn đầu là Hội đồng Bảo an, thực hiện 100 ngày thúc đẩy "để biến điều này thành hiện thực vào cuối năm".

Giữa những lời kêu gọi LHQ cải cách, Tổng thống Pháp Macron cho hay bản thân cơ quan toàn cầu này "đang đứng trước nguy cơ bất lực".

"Xã hội của chúng ta chưa bao giờ phụ thuộc lẫn nhau như vậy", ông nói. "Vậy mà vào đúng thời điểm khi mọi chuyện xảy ra, chưa bao giờ chúng ta lại lạc nhịp, lạc điệu đến thế".

Hồng Hạnh (Theo AP)

Ông Trump sử dụng diễn đàn Liên Hợp Quốc để tiếp tục chỉ trích Trung Quốc Ông Trump sử dụng diễn đàn Liên Hợp Quốc để tiếp tục chỉ trích Trung Quốc
EU phản đối Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc với Iran EU phản đối Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc với Iran
Vai trò lãnh đạo của Việt Nam tại ASEAN và Liên hợp quốc Vai trò lãnh đạo của Việt Nam tại ASEAN và Liên hợp quốc
Liên hợp quốc lên án vụ thảm sát thường dân tại Colombia Liên hợp quốc lên án vụ thảm sát thường dân tại Colombia
/ vnexpress.net