Những trò lừa của tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”

Ngày 18-4, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 12 bị cáo phạm tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” khi tham gia tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” (CPQGVNLT).

Các đối tượng trong vụ án hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, các bị cáo là thành viên của tổ chức khủng bố “CPQGVNLT” thực hiện tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên và Kon Tum.

Bằng thủ đoạn vẽ ra các dự án, cùng những lời hứa đường mật, tổ chức khủng bố “CPQGVNLT” đã xúi dục, lôi kéo không ít người tham gia, thực hiện hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Vì nhẹ dạ cả tin, vì tham “miếng bánh vẽ” không ít người đã lôi kéo, vận động cả người thân của mình tham gia tổ chức, khi nhận ra đã phải trả giá đắt.

Chiếc bánh vẽ của những kẻ khủng bố

Tổ chức “CPQGVNLT” do Đào Minh Quân cầm đầu, được thành lập tại Mỹ, tiền thân là Tổ chức “Tân dân chủ” chuyên hoạt động chống phá nhằm lật đổ chính quyền, lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bằng bạo động, vũ trang. Đào Minh Quân cùng các đối tượng tham gia tổ chức này thường xuyên tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng,  Nhà nước Việt Nam, lôi kéo, móc nối, thành lập tổ chức, phát triển lực lượng trong nước và tiến hành đưa người từ nước ngoài về Việt Nam chỉ đạo thực hiện các hoạt động chống phá…

Bộ Công an đã từng thông báo “CPQGVNLT” là một tổ chức khủng bố, người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ, tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do tổ chức này thực hiện là phạm tội và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Để lôi kéo người dân tham gia, tổ chức “CPQGVNLT” đã dựng lên các chiêu trò bịp bợm như hứa hẹn phong chức tước, bổ nhiệm chức vụ cho các thành viên. Đồng thời chúng còn bịa ra những thông tin, luận điệu xuyên tạc nhằm lừa phỉnh những người nhẹ dạ, nhất là với những người có trình độ học vấn thấp, người dân tộc thiểu số, những người bất mãn với chính quyền địa phương…

Tổ chức này còn “vẽ” ra nhiều dự án cùng những lời hứa sẽ cấp đất, xây nhà để đánh vào lòng tham của một số người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết… Với những chiêu trò đó không ít người đã dính bẫy “miếng bánh vẽ” của tổ chức “CPQGVNLT”. Vì mê muội, các bị cáo đã lôi kéo người thân tham gia tổ chức khủng bố “CPQGVNLT”.

Điển hình, tại TP Hồ Chí Minh, bị cáo Trần Thị Ngọc Xuân được Lâm Ái Huê hướng dẫn thủ tục đăng ký làm thành viên tổ chức. Xuân thường xuyên dùng mạng xã hội Facebook phát trực tiếp các nội dung kêu gọi người dân tham gia tổ chức và thực hiện “trưng cầu dân ý”. Xuân đã lôi kéo cả chồng, con và  người quen của gia đình tổng cộng 6 người tham gia tổ chức. Ngoài ra Xuân còn được các thành viên của tổ chức gửi qua Facebook nhiều tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc, bôi xấu chính quyền. Nhận được các tài liệu, Xuân đã tích cực phát tán đến nhiều thành viên.

Ngày 19-2-2019, lợi dụng việc đi thăm các hộ gia đình nghèo ở phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức, Xuân đã mang theo 5 bộ tài liệu, khi đến thăm 3 hộ đã tuyên truyền về nội dung trong tài liệu và phát cho mỗi hộ 1 bộ. Trong thời gian tham gia tổ chức, Xuân được các thành viên tổ chức gửi tặng một điện thoại di động, 300 USD, 400 đô la Canada, 3 triệu đồng.

Tương tự Xuân, Nguyễn Thanh Xoan được La Ngọc Duyên lôi kéo đăng ký tham gia tổ chức. Bên cạnh việc phát tán các thông tin tuyên truyền xuyên tạc của tổ chức, Xoan còn lôi kéo, hướng dẫn 4 người tham gia bỏ phiếu “trưng cầu dân ý”.

Tại Đồng Nai, Lương Thị Thu Hiền liên lạc với nhiều người quen biết, nói rằng đang tham gia một tổ chức nước ngoài có hoạt động từ thiện, cấp đất, cấp nhà cho người nghèo nên cần thu thập thông tin để đăng ký với tổ chức. Nhiều người nghe theo đã cung cấp thông tin cá nhân cho Hiền, thực chất Hiền dùng để đăng ký “trưng cầu dân ý” cho Đào Minh Quân. Cùng hành động trên, tại Đồng Nai, bị cáo Trần Văn Long đã sử dụng thông tin cá nhân của hơn 20 người để đăng ký “trưng cầu dân ý”.

Tại An Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên và Kon Tum, các bị cáo cũng có hành vi phạm tội tương tự. Các bị cáo tích cực in, phát tán các tài liệu như “Hiến pháp lâm thời”, “Hiến pháp Đệ tam Việt Nam Cộng hòa”… nhằm phổ biến cho nhiều người biết đến tổ chức “CPQGVNLT” với mục đích ủng hộ “Tổng thống” Đào Minh Quân. Ngoài ra, các bị cáo trong vụ án còn làm cờ vàng ba sọc đỏ với nhiều kích thước khác nhau rồi phân phát cho người dân để chuẩn bị nghênh đón “Tổng thống” Đào Minh Quân.

z3349442462445_061dfb403ea068759-1650527779666
Các bị cáo tại tòa.

Nỗi ân hận muộn màng

Đứng trước tòa, bị cáo Phạm Hổ (SN 1949) thừa nhận chỉ vì có chút bất mãn với chính quyền địa phương nên đã “cả giận mất khôn”, đã tham gia tổ chức phản động của Đào Minh Quân nhằm lật đổ chính quyền. Trước tòa, Phạm Hổ nói rằng “Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, lẽ ra bị cáo nên ở nhà vui thú điền viên, an hưởng tuổi già thì bị cáo lại đi ngược lại. Giờ đây, khi nhận ra chân tướng của sự việc đã quá muộn, bị cáo đã hối hận và mong HĐXX xem xét cho bị cáo một mức án nhẹ nhất để sớm được về vui vầy cùng con cháu”. Bị tuyên án 3 năm tù, Phạm Hổ rời tòa bước đi không vững, có lẽ lúc này ông ta mới thấm thía sự “cả dại” của mình.

Khi luật sư của bị cáo Lương Thị Thu Hiền (SN 1968, ngụ Đồng Nai) trình bày hoàn cảnh, trình độ nhận thức … Hiền đã không còn là chính mình, không còn “bản lĩnh” một “cốt cán” của tổ chức “CPQGVNLT”. Hiền là đối tượng tích cực trong việc khi kêu gọi “trưng cầu dân ý” ủng hộ Đào Minh Quân làm “Tổng thống đệ tam Cộng hòa”. Nhưng trước tòa Hiền chỉ biết khóc và thừa nhận sai lầm. Khi được nói lời cuối cùng, lần nữa, Hiền nhận tội và cảm thấy hối hận vì nghe theo kẻ xấu, bị lôi kéo để rồi giờ đây chỉ biết mong HĐXX khoan hồng khi lượng hình.

Trình độ 1/12, tiếng Việt nói còn chưa rõ, nghề nghiệp làm nông, 1 vợ 4 con, trước tòa, Y Phương Ding Riêh nói lời nhận tội cũng không thành câu và chỉ mong HĐXX cho hưởng mức án nhẹ nhất có thể để sớm trở về làm rẫy nuôi con.

Chẳng riêng Y Phương Ding Riêh, bị cáo Y Hon Ênuôl, trình độ học vấn cũng mới qua lớp 1, cao hơn là Y Tũp Knul thì lớp 6/12. Hay như trong các bị cáo người có trình độ cao nhất cũng mới hết bậc trung học cơ sở, 9/12, hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn nên không mấy khó hiểu vì sao các bị cáo dễ bị dụ dỗ, lôi kéo. Tất cả bị cáo đều cho rằng mình bị xúi dục, bị mê hoặc, nhận thức hạn chế nên mới nghe những lời hứa hẹn của tổ chức khủng bố “CPQGVNLT”. Khi được nói lời cuối cùng, các bị cáo đều  thừa nhận hành vi, thừa nhận sai lầm, và mong HĐXX xem xét, khoan hồng khi lượng hình. Đồng thời hứa với HĐXX sẽ không bao giờ  tái phạm.

Hy vọng đây là bài học không chỉ đối với các bị cáo, những người phải trả giá vì hành vi “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” mà còn là bài học cho tất cả những ai có ý nghĩ tin vào  “miếng bánh vẽ” của tổ chức khủng bố “CPQGVNLT”.

12 bị cáo phải ra trước tòa ngày 18-4 và bị tuyên án hơn ai hết là những người đã bị “mắc bẫy” của tổ chức khủng bố này và đã phải trả giá. Các bị cáo: Trần Thị Ngọc Xuân (SN 1969) bị HĐXX tuyên phạt 13 năm tù, Nguyễn Thanh Xoan (SN 1972) 12 năm tù, Lương Thị Thu Hiền (SN 1968) 11 năm tù; Nguyễn Thị Kim Phượng (SN 1967), Trần Văn Long (SN 1955), Hồ Thị Xuân Hương ( SN 1968)  cùng 10 năm tù ; Y Hon Ênuôl (SN 1988),  Nguyễn Minh Quang (SN 1960), Lê Ngọc Thành (SN 1972) cùng 9 năm tù, Y Tũp Knul (SN 1970) 8 năm tù,  Y Phương Ding Riêh (SN 1978) 4 năm tù,  Phạm Hổ (SN 1949) 3 năm tù . Các bị cáo còn lại bị quản chế từ 2-3 năm.