Năm nào đến mùa bão lũ, thế nào tôi cũng bị ai đó ở tòa soạn cằn nhằn “bão lũ tang thương nhưng xem ảnh gởi về thấy nhân vật toàn nhe răng cười, đăng lên ai tin?”.
Cá chết và trôi ở Quảng Điền - nếu không có những nụ cười lạc quan thì người dân làm sao đối diện với những mất mát thế này? Ảnh: H.V.M
Lần nào tôi cũng lý luận cùn: “Tang thương là chuyện của tang thương, con người cười là chuyện của con người. Chẳng lẽ khi người ta cười, mình lại bảo anh/ chị ơi hãy khóc đi, khóc đi cho em chụp tấm hình mai đăng báo?”.
Đôi lúc chúng ta trầm trọng hóa tai ương…?
Hình ảnh có tính biểu trưng nhất trong đợt lũ vừa qua ở Thừa Thiên –Huế, có lẽ là người đàn ông vật lộn với nước xoáy với quyết tâm giữ bằng được cái lồng cá – tài sản duy nhất còn sót lại trên sông Bồ. Có những lúc, cái chết chẳng là gì so với những ám ảnh về nợ nần và mất mát.
Hàng trăm tấn cá nuôi lồng trên sông Bồ của người dân đang đến mùa thu hoạch bị chết trắng hoặc lũ cuốn trôi là con số thống kê chưa đầy đủ. Hàng trăm tấn cá đồng nghĩa với hàng tỷ đồng phần lớn là vốn vay cầm cố trong tích tắt trôi theo dòng nước. Ấy vậy mà gặp tôi, một trong những người nuôi cá lồng tên Khá ở xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) vẫn cười xen lẫn mếu máo khi kể “trời vừa lấy đi của tui hơn 800 triệu”. “Trời vừa lấy đi…” chứ không phải mất, nghe nhẹ tênh như vay mượn thì phải trả.
Hôm rồi ở Trung tâm thị trấn Bắc Trà My sau một trận lỡ núi làm nhiều người chết, tang tóc không thể bi thương hơn với gia đình một người đàn ông tên Bình khi chỉ trong tích tắt, anh mất một lúc cả vợ, mẹ và em trai cùng ngôi nhà và toàn bộ tài sản. Anh Bình phải căng bạt tạm trên lô đất trống của người thân để làm đám tang người thân và nơi thờ cúng.
Hôm đó trời mưa rào rào chứ không phải bay bay khiến những tấm bạt cứ oằn xuống, trước sau phải trái, chỗ nào cũng nghe nước dột. Trên bàn thờ, cảm giác như 3 di ảnh đang ôm nhau ngồi co ro vì lạnh. Ấy thế mà anh Bình lại chùi nước mắt để cười khi nghe tôi động viên và trao một phần quà nhỏ nhoi của bạn đọc. Anh bảo “ừ thì may mắn là nhà vẫn chưa mất hết người” và “còn người thì sẽ có lại tất cả”…
Cũng ở Bắc Trà My, lần đầu tiên tôi thấy một ngôi mộ mới được lát xi măng bằng phẳng ở trong một góc vườn. Dưới lớp xi măng ấy là một nữ sinh lớp 11 còn thanh xuân – nạn nhân xấu số của một trận lỡ núi khi đang ngủ trưa ở trong nhà mình. Phía trước mộ, người nhà cứ liên tục nhóm lửa như thi gan với mưa gió. Họ bảo “mấy hôm liền, đêm nào mẹ hắn cũng nằm mơ thấy con gái về báo mộng than khóc, nói mẹ ơi con lạnh quá nên phải đốt lửa, đốt quần áo như vậy cho cháu nó ấm”.
Thú thật tôi không biết làm gì, nói gì lúc đó ngoài để yên cho nước mắt lăn xuống gò má. Và bất ngờ là họ lại cười an ủi ngược lại tôi. Họ bảo “anh yên tâm, đêm qua mẹ cháu không còn nghe báo mộng nữa, rứa là chắc lửa mấy hôm nay đã giúp cháu ấm lên rồi, tụi em cũng nghe vui và được an ủi phần nào…”.
Hôm nào đó là một ngôi làng heo hút của huyện Đại Lộc, cũng sau một trận lũ ngập nóc nhà. Sau mấy ngày đêm dầm nước cộng với gió mưa, một ngôi nhà xây bỗng chốc biến thành một đống gạch vụn. Chủ nhân ngôi nhà là một phụ nữ 65 tuổi dẫn tôi lui phía sau rồi cười chỉ vào một con heo đang bị buộc chân vào cây cột, bảo “nhà sập rồi nhưng vẫn chưa trắng tay vì cũng may còn sót lại hắn”.
Tôi hỏi “hắn thì bán được bao nhiêu?”. Chị ấy trả lời “hắn ít lắm cũng được hai triệu rưỡi” rồi cười thành tiếng sau khi nói “hai triệu rưỡi dù sao vẫn còn may mắn hơn nhiều rất nhà đúng nghĩa đang trắng tay sau lũ”.
Hôm đó tôi gởi về tòa soạn một loạt ảnh về con heo cùng nụ cười nghe thành tiếng của “bà chủ”. Tòa soạn không những không đăng mà còn hồi âm “mắng mỏ”, đại ý báo mình đang kêu gọi bạn đọc cả nước chung tay giúp đỡ miền Trung, đăng ảnh này lên thì báo mình có mà… trắng tay! Hình như, đôi lúc chúng ta hơi bi kịch hóa cuộc đời hoặc trầm trọng hóa tai ương thì phải...?
Tang tóc mỉm cười
Hôm nào đó ở những vùng quê nghèo không thể nghèo hơn của Quảng Nam. Tôi giật mình khi bạn đồng hành – chủ nhân của những xe hàng cứu trợ đồng bào gặp thiên tai dài không đếm hết từ thành phố Hồ Chí Minh nhận xét “hình như tôi chỉ thấy lũ quét qua để lại di hại nặng nề trên những xóm làng, con đường, ruộng lúa…, còn trên gương mặt người thì dường như không!”. Là bởi đến đâu và dù tang thương đến mấy, chúng tôi vẫn gặp rất nhiều những nụ cười và lời đáp “có chi mô…” khi nghe người đối diện an ủi động viên cùng những phần quà be bé.
Tôi nhớ mãi nụ cười móm mém, già nua so với tuổi của một chị. Tài sản gần như trôi sạch hết theo nước lũ. Nhưng chị ấy vẫn “em còn may hơn nhiều người khác vì vẫn có cái ăn đến hết tháng này”, rồi chị cười. Hôm ấy là buổi chiều 27, chỉ còn 3 ngày nữa là hết tháng! Vài chục phút thăm nhà chị ấy, tiếng cười nhiều hơn lời than vãn.
Hay như hôm rồi ở thôn Tây An (Hòa Châu, Hòa Vang, Đà Nẵng), tôi không tin vào mắt mình khi chứng kiến cảnh bà Lê Thị Đắt, 72 tuổi khi lũ dâng ngập nhà đã bà Đắt cầu cứu hàng xóm sang bế cậu con út 28 tuổi bị bại liệt bỏ vào thúng vì sợ con nằm trên giường nước ngập không trở kịp. Bà neo thúng vào chân cầu thang vì sợ lũ cuốn trôi mất cậu con trai tật nguyền. Nước dâng cao bao nhiêu con nổi lên bấy nhiêu.
Hoàn cảnh của bà Đắc không thể thảm hơn khi bao năm nay không chồng nuôi hai đứa con. Cô con gái đầu đi lấy chồng xa, mình bà xoay xở nuôi cậu con trai bại liệt, không nhận thức, không nói cười suốt 28 năm ròng.
“Đêm qua tui bò vô thúng ngủ với con, hai má con nằm trong nớ chứ giường chiếu ngâm lũ hết trơn rồi. Nằm cả đêm chỉ lạy trời nước rút xuống để bồng con ra”, bà sụt sùi kể.
Bà nói “hai ngày ni thằng con đau, chừ vẫn còn sốt hầm hầm. Nhà có mì tôm mà hắn ăn không nổi. Ưng nấu cho hắn chén cháo mà nhà có còn chỗ khô kê bếp mô. May có vợ chồng chú trưởng thôn mua bánh mì, nấu đồ ăn bơi thúng đem vô cho chứ hai má con không biết mần răng”, rồi bà cười, khóe môi rung rinh nước mắt.
“Vui” nhất trong mùa bão lũ vừa qua có lẽ là clip ai đó ghi lại hình ảnh người dân vùng Thăng Bình đáng trốn lũ trên nóc nhà chuyền cứu trợ nhau những gói mì tôm trên “nền nhạc” là những tiếng cười khanh khách nghe sảng khoái như được mùa.
Bỗng dưng chợt nhớ vào một đêm mưa bão kinh hoàng của hơn 30 năm về trước, khi tôi còn là một đứa trẻ 8 tuổi ở một vùng quê bên phá Tam Giang ngoài Huế. Tôi nhớ như in cảnh cả nhà cùng rúc dưới một cái bàn chữ H khi bên ngoài bốn bề gầm gào gió rít. Tôi được phân công ôm chặt cô em gái lúc đó mới hơn 1 tuổi. Mạ tôi thu lu với thằng em trai mới sinh tròn 3 tháng. Dưới ngọn đèn dầu leo lét, ba tôi cứ liêu xiêu tới lui chằng chéo căn nhà tranh đang run bần bận trước sức gió cấp 12.
Nhưng ba tôi và sự chằng chéo cũng chỉ chống chọi được đến 3h sáng. Khi trời trở gió cũng là lúc căn nhà tranh vách đất của chúng tôi đổ sụp xuống phủ lấy cái bàn. Bỗng có một tiếng cười – tiếng cười cất lên từ con bé đang ngủ mơ trong lòng tôi. Rồi ba tôi, mạ tôi, hình như họ đang nói gì đó về ngày mai và bật cười thành tiếng. Chỉ có tôi là run rẩy sợ hãi và không hiểu vì sao họ có thể cười thành tiếng được trong tình cảnh trớ trêu như thế. Và những tiếng cười đó, nỗi sợ hãi đó đã ám ảnh cho đến tận bây giờ mỗi khi nghe tiếng gió gầm rú…
Những nụ cười tôi nghe từ những vùng lũ mình đã đi qua, chắc chắn không phải là vì họ quá quen với chuyện lụt bão, cũng không phải vì niềm vui đến từ phần quà đến từ những tấm lòng hảo tâm khắp mọi miền đất nước hay niềm vui ảo từ lời an ủi của người đối diện. Mà là “bao năm nay họ vẫn rứa anh à” như lời một nữ cán bộ xã ở huyện Bắc Trà My hôm trước. Đó là những thanh âm của “tang tóc mỉm cười, vui tươi thổn thức” như lời một học giả người Pháp nhận xét về cõi chết của vua Minh Mạng ở thượng nguồn sông Hương.
Ai đó bảo sinh ra làm người Quảng Nam, người miền Trung đã khổ, nhưng làm người Quảng, người miền Trung trong bối cảnh rừng mất, dự báo thời tiết theo hồ thủy điện và thiên tai thất thường như hiện nay thì còn khổ ải bội phần. Làm sao họ có thể chịu đựng nỗi nếu trong lòng không luôn có những âm thanh hy vọng về một ngày mai sẽ tươi sáng hơn?
Tang tóc mỉm cười, ấy mới là người miền Trung!
Cận cảnh: Người dân vùng lũ Quảng Nam chèo thuyền ngay... trong nhà Sau một đêm nước lũ tràn về, nhiều nhà cửa, tài sản, hoa màu của hàng trăm hộ dân ở xã Điện Thắng Nam, thị ... |
Nước mắt kẻ ăn rừng, nước mắt người vùng lũ Mưa lũ lịch sử: Khủng khiếp, bất ngờ, tàn khốc, tang thương... đó là những tính từ được lặp đi lặp lại khi những trận ... |