Thế giới sắp chào đón năm 2023 với những hy vọng mới, tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vấn đề từ năm 2022 đầy biến động, dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến cục diện chính trị-xã hội toàn cầu, trong đó phải kể đến xung đột tại Ukraine, căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc, suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu.
Khó đàm phán Nga - Ukraine
Hầu hết các nhà phân tích đều nhận định, đàm phán giữa các bên rất khó xảy ra trong tương lai gần, mặc dù mới đây Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan trong cuộc chiến tại Ukraine. Ukraine, với sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây và Nga sau gần một năm giao tranh vẫn đang trong thế giằng co, chưa bên nào nhượng bộ.
Ukraine hiện đang đối mặt với các cuộc tấn công tên lửa và UAV dồn dập của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong khi đó, giữa bối cảnh phương Tây vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí và hỗ trợ nhân đạo cho Kiev, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định Ukraine sẽ là bên quyết định khi nào và đàm phán như thế nào với điện Kremlin.
Về phía Nga, Moscow cương quyết tiếp tục chiến dịch quân sự cho tới khi đạt được tất cả mục tiêu. Nga đã huy động 300.000 lính dự bị động viên và tăng cường sản xuất vũ khí trong nước. Mặc dù nền kinh tế nước này không tránh khỏi tác động từ các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây nhưng khả năng chống chịu của kinh tế Nga được đánh giá là tốt hơn so với dự đoán. GDP của Nga dự kiến chỉ giảm khoảng 4%, trong khi các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục mua hàng triệu USD dầu mỏ và khí tự nhiên của Moscow mỗi ngày.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây
Bên cạnh cuộc chiến tại Ukraine, căng thẳng giữa Bắc Kinh và phương Tây cũng được cho là một vấn đề tác động đến tình hình thế giới trong năm tới. Sự đối đầu giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc leo thang thành “cuộc chiến thương mại” vào đầu năm 2018, với dư âm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai bên đến ngày nay. Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 cho thấy hai bên đều mong muốn cứu vãn quan hệ song phương lao dốc.
Nhưng các chuyên gia cho rằng, cuộc gặp chỉ giảm bớt phần nào những căng thẳng giữa hai quốc gia và vẫn còn đó nhiều ngòi nổ bất ổn. Năm 2023 có thể sẽ cho thế giới thấy được lời đáp cho câu hỏi liệu hai siêu cường có cải thiện quan hệ hay không? Chính quyền Mỹ vẫn duy trì các loại thuế với Trung Quốc áp dụng từ thời Tổng thống Donald Trump, đồng thời tăng cường hạn chế Bắc Kinh tiếp cận công nghệ và dữ liệu của Washington.
Nhiều công ty tư nhân của Mỹ cũng thay đổi chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, cũng như giảm đầu tư vào nước này khoảng 20% so với năm ngoái, theo khảo sát của Văn phòng Thương mại Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc cũng nỗ lực xây dựng “pháo đài kinh tế”, hạn chế phụ thuộc vào đầu tư của phương Tây.
Thêm nữa, Liên minh châu Âu cũng nỗ lực độc lập hơn với Bắc Kinh về nguyên liệu thô và vi mạch. Đến nay, hầu hết các nền kinh tế lớn của phương Tây đều giả đáng kể quan hệ với các công ty viễn thông của Trung Quốc, ngoại trừ Canada.
Đáng chú ý, Trung Quốc được dự đoán tiếp tục tăng cường năng lực quân sự với tốc độ nhanh chóng, đặc biệt tại khu vực Thái Bình Dương. Trong khi đó, Mỹ sẽ hỗ trợ các nước đối tác trong khu vực thúc đẩy khả năng quốc phòng với các liên minh như có AUKUS (gồm Australia, Anh, Mỹ) hay Quad (gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ).
Nguy cơ suy thoái kinh tế
Sự cộng hưởng của hai vấn đề nói trên sẽ góp phần khiến kinh tế thế giới trong năm 2023 đối mặt nhiều thách thức. Trung Quốc, trung tâm sản xuất toàn cầu, dù đã nới lỏng hạn chế phòng dịch COVID-19 nhưng ảnh hưởng về kinh tế vẫn còn, đặc biệt đến chuỗi cung ứng. Trong khi một số nước thu nhập thấp gặp khó khăn trước việc giá năng lượng và thực phẩm tăng cao, chủ yếu do cú sốc kinh tế từ cuộc chiến Ukraine, thì chính phủ một số nước thu nhập cao đang thúc đẩy cùng lúc các gói kích thích kinh tế nhằm giúp người dân và các công ty đối mặt với cơn bão kinh tế này.
Theo các chuyên gia kinh tế, chưa có giải pháp dễ dàng nào để làm giảm sự hỗn loạn kinh tế - xã hội đang ảnh hưởng đến từng quốc gia hiện nay. Theo Ngân hàng trung ương châu Âu, sức mua của người dân đang giảm dần, tiền lương không theo kịp với sự tăng giá nhà ở và các hàng hóa cơ bản. Năm 2023, việc kiểm soát lạm phát trong khi duy trì số lượng việc làm ở mức cao sẽ là bài toán cân bằng khó khăn với chính phủ các quốc gia. Đối với nhiều đối tượng dễ bị tổn thương, năm 2023 có thể là thời điểm của một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về chất lượng cuộc sống.
Biến đổi khí hậu
Một trong những hệ quả của chiến sự Ukraine là gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu. Đối mặt với an ninh năng lượng, nhiều quốc gia sẽ buộc phải đưa ra lựa chọn tạm gác các cam kết bảo vệ môi trường và giảm phát thải carbon. Vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt và dầu mỏ của Nga, trong khi chưa thể tìm nguồn cung khác, các nước châu Âu, trong đó có Đức, đã tính đến việc khởi động các nhà máy điện than.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP27 tại Ai Cập vào tháng 11, cơ chế để các nước giàu bù đắp tài chính cho những mất mát và thiệt hại ở các nước đang phát triển đã không đạt được bất kỳ tiến triển thực tế nào. Dù giá khí đốt đã ổn định hơn trong những tháng cuối năm 2022, năm tới có thể còn nhiều biến động. Trước mắt châu Âu vẫn là mùa đông lạnh giá không có nhiên liệu từ Nga.