Những sai phạm khiến lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bị cách chức

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã ký các văn bản giao đất, xây dựng hàng loạt dự án BT không tổ chức đấu thầu, mà chỉ định nhà đầu tư. 

Ông Lê Đức Vinh (Chủ tịch UBND Khánh Hòa) nhiệm kỳ 2016-2021 bị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa cách chức, xóa tư cách Phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, vì "đã có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng".

Phó chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 Đào Công Thiên bị cách chức. Thủ tướng cũng xóa tư cách Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 với ông Nguyễn Chiến Thắng; cảnh cáo ông Trần Sơn Hải, nguyên Phó chủ tịch tỉnh.

Các lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa này bị xác định đã trực tiếp ký các văn bản về đất đai, đầu tư xây dựng các dự án, "vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước".

nhung sai pham khien lanh dao tinh khanh hoa bi cach chuc
Ông Lê Đức Vinh tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa hôm 25/10. Ảnh: Xuân Ngọc.

Trong buổi tiếp xúc cử tri tại Nha Trang hồi tháng 10, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa ông Nguyễn Tấn Tuân thông tin, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương", sai phạm của tỉnh Khánh Hòa là việc thẩm định giá đất không đúng.

UBND Khánh Hòa đã phê duyệt 47 dự án vượt thẩm quyền, kiểm tra 23 dự án thì đã ban hành 289 văn bản có nội dung vi phạm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy không xem xét cho chủ trương 29 dự án vì không được trình.

Ngoài ra, các sai phạm của UBND Khánh Hòa chủ yếu giao đất, giao rừng và "đất ở không hình thành đơn vị ở" của các dự án Condotel (Khách sạn căn hộ hay Căn hộ khách sạn) và các dự án theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) không tổ chức đấu thầu, mà chỉ định nhà đầu tư.

Qua kiểm tra, Khánh Hòa có 22 dự án BT, trong đó 17 dự án đã ký kết hợp đồng với nhà đầu tư; 5 dự án được tỉnh phê duyệt nhưng chưa ký hợp đồng thực hiện.

Năm 2014, tỉnh Khánh Hòa đồng ý cho Công ty Cổ phần Thanh Yến thực hiện dự án BT xây trường Chính trị tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang, mức đầu tư 149 tỷ đồng, không qua đấu giá.

Doanh nghiệp được hoàn vốn bằng quỹ đất hơn 7.300 m2 nằm ở Trần Hưng Đạo - Lý Tự Trọng, trung tâm TP Nha Trang. Tỉnh sau đó thu hồi đất do Trường Chính trị quản lý tại vị trí này cho nhà đầu tư làm khu phức hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà ở chung cư Nha Trang Center 2 - nay đổi tên dự án Gold Coast.

Đến tháng 7/2016, UBND Khánh Hòa phê duyệt khu đất cho doanh nghiệp với giá khoảng 22,5 triệu đồng một mét vuông đất ở, còn đất thương mại dịch vụ hơn 7,8 triệu đồng, với tổng giá trị đất được giao hơn 114 tỷ đồng.

Hiện, dự án Gold Coast đã xây 40 tầng. Hàng rào tôn xung quanh công trình được tháo dỡ để nhân công nhân hoàn thiện lát gạch bên ngoài và đặt hệ thống cửa kính.

Trường Chính trị đã đưa vào hoạt động, song vẫn thiếu kinh phí làm ký túc xá. Tỉnh Khánh Hòa sau đó ký thêm hợp đồng BT, giao 18.000 m2 đất tại phường Vĩnh Hòa cho Công ty Cổ phần khách sạn Bến du thuyền thực hiện khu C trung tâm bến du thuyền Hoàng Gia.

Năm 2016, UBND tỉnh định giá mỗi mét vuông đất giao cho công ty này 4,7-9,8 triệu đối với đất ở; còn những khu vực xung quanh vài trăm triệu một m2. Doanh nghiệp xây ký túc xá Trường Chính trị mới với mức đầu tư khoảng 64 tỷ đồng và thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp đường Mai Xuân Thưởng dài 970 m.

nhung sai pham khien lanh dao tinh khanh hoa bi cach chuc
Khu đất đường Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang được tỉnh Khánh Hòa giao doanh nghiệp thực hiện dự án BT. Ảnh: Xuân Ngọc.

Một dự án BT khác, tháng 10/2014, tỉnh Khánh Hòa chấp thuận hợp đồng đầu tư xây dựng Cao đẳng Nghề Nha Trang - nay là Trường Cao đẳng Kỹ Thuật - Công nghệ Nha Trang với Vinaminco Khánh Hòa.

Một năm sau, Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng dân dụng tỉnh Khánh Hòa được ủy quyền ký hợp đồng chính thức. Vinaminco Khánh Hòa đầu tư xây cơ sở vật chất của trường tại xã Phước Đồng với diện tích 7,45 hecta, gồm nhà hiệu bộ, nhà học, tập luyện thể dục thể thao...

Tỉnh Khánh Hòa giao cho Vinamico Khánh Hòa khoảng 27.300 m2 đất hai mặt tiền số 32 Trần Phú giáp biển - vị trí cũ của trường để khai thác, kinh doanh nhằm thu hồi vốn. Nơi đây dự kiến được doanh nghiệp đầu tư dự án tổ hợp căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, cơ sở đào tạo du lịch, khách sạn Russia. Theo tính toán, mức đầu tư trường mới tại xã Phước Đồng hơn 300 tỷ đồng thì khu đất này có giá 11 triệu đồng một mét vuông.

Tuy nhiên, địa điểm mới của trường không có ký túc xá, thiếu nhà thực hành, hội trường..., khiến hơn 3.000 sinh viên phải trở về cơ sở cũ để học. Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng dân dụng Khánh Hòa cho hay, trong hợp đồng BT không có hạng mục xây ký túc xá, do vậy tỉnh đã đầu tư hơn 44,6 tỷ đồng để thực hiện và sử dụng nguồn vốn ngân sách. Ký túc xá có diện tích sàn hơn 4.300 m2 với quy mô năm tầng, phục vụ cho gần 470 sinh viên, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

Tháng 10/2016, UBND Khánh Hòa giao 62,3 hecta đất sân bay Nha Trang cũ cho Công ty Cổ phần tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án khu trung tâm đô thị, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.

Một năm sau, Khánh Hòa ủy quyền cho các Ban quản lý dự án của tỉnh hợp đồng BT với Phúc Sơn, để doanh nghiệp làm các dự án gồm nút giao thông Ngọc Hội, với mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng; đường vành đai 2 kết nối giao thông Ngọc Hội, hơn 1.000 tỷ đồng và nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang, trị giá sử dụng đất tạm tính gần 950 tỷ đồng. Các công trình giao thông này đang chậm tiến độ do chưa giải phóng mặt bằng.

Theo UBND Khánh Hòa, ba dự án BT đều không qua đấu giá, mà chỉ định thầu. Tuy nhiên, việc xác định giá đất chưa thực hiện được do dự án đang bị thanh tra, kiểm tra nên phải chờ khi có kết luận sẽ xác định giá đất để thanh toán.

Ngoài những dự án BT, Khánh Hòa còn vi phạm trong các lĩnh vực xây dựng, lấp biển và phá vỡ quy hoạch. Theo kết quả kiểm tra, có hàng chục dự án khu đô thị, biệt thự, dịch vụ du lịch được UBND tỉnh cho phép nghiên cứu, triển khai đầu tư trên các đồi núi Nha Trang. Trong đó, 30 dự án trên núi Cô Tiên, núi Chín Khúc 15 dự án, 22 dự án núi Cù Hin và 17 dự án ở núi xã Phước Đồng. Tuy nhiên, chỉ 13 dự án phù hợp với quy hoạch của TP Nha Trang được Thủ tướng phê duyệt năm 2012; 13 dự án phù hợp một phần, còn lại các dự án đều trái quy hoạch.

Trước đó, hồi tháng 11, ông Lê Đức Vinh, ông Đào Công Thiên và ông Nguyễn Chiến Thắng bị Ban bí thư cách các chức vụ trong Đảng. Ban bí thư nêu rõ, vi phạm của các ông này là rất nghiêm trọng, cùng với vi phạm của các tổ chức đảng, cá nhân đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; làm thất thoát rất lớn đất đai, tài sản, ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh.

"Khánh Hòa đang trải qua thời gian khó khăn sau kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về các sai phạm của cá nhân, tập thể lãnh đạo tỉnh", ông Nguyễn Đắc Tài (Phó chủ tịch UBND tỉnh) nói trong phiên họp HĐND, hôm 11/12.

Theo ông Tài, việc lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định 30 của Chính phủ hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc thẩm định quyết định chủ trương dự án. Trước đây, địa phương làm gọn, đón đầu để xử lý giải quyết về thủ tục đầu tư các dự án cho nhanh. "Thế nhưng, sau khi rà soát lại thấy bị sai theo quy định nên phải yêu cầu làm lại từ đầu. Dự án thì phải đấu thầu, đất thì phải đấu giá", ông Tài nói.

Xuân Ngọc

nhung sai pham khien lanh dao tinh khanh hoa bi cach chuc Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà bị cách chức

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, bị Thủ tướng cách chức theo quyết định ngày 13/12.

nhung sai pham khien lanh dao tinh khanh hoa bi cach chuc Cách tất cả các chức vụ trong Đảng của chủ tịch, nguyên chủ tịch Khánh Hòa

Ban Bí thư thi hành kỷ luật với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa.

/ vnexpress.net