Những phụ nữ trong độ tuổi 35-55 được đào tạo thành kỹ sư năng lượng mặt trời cho dự án đem ánh sáng tới đảo Zanzibar ở Đông Phi.
Nuru Sheha, 14 tuổi, học bài buổi tối dưới ánh đèn LED chạy bằng năng lượng mặt trời tại làng Matemwe, đảo Zanzibar. Ảnh: Sam Eaton.
Salama Husein Haja từng không được coi trọng ở quê hương vì là mẹ đơn thân, hàng ngày vật lộn kiếm sống nhờ nghề nông. Tuy nhiên, cô hy vọng có được địa vị xã hội và thu nhập ổn định sau khi được đào tạo làm kỹ sư năng lượng mặt trời cho một dự án đem ánh sáng tới hàng chục ngôi làng không có điện lưới trên đảo Zanzibar, phía đông quốc gia Đông Phi Tanzania.
Trong số những kỹ sư này có người đã lên chức bà, có người là mẹ đơn thân, nhiều người chưa từng học đọc, học viết. Họ được đào tạo theo một chương trình sẽ thay đổi cuộc sống trong cộng đồng nghèo sống nhờ nghề đánh cá và nghề nông.
"Không có điện, không thể làm những việc như dạy dỗ con cái", Haja, 36 tuổi, nông dân trồng rau, mẹ của ba đứa trẻ ở một ngôi làng tại Unguja, đảo đông dân nhất và lớn nhất thuộc quần đảo Zanzibar, nói. "Chúng tôi buộc phải thắp đèn dầu nhưng nó nhả khói độc ảnh hưởng tới mắt, phổi. Khi có điện, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn".
Kasia Hassan, mẹ của 9 đứa con, nấu nướng cho gia đình dưới ánh sáng tù mù của nến parafin. Ảnh: Sam Eaton.
Cuộc sống là thử thách với phụ nữ tại Zanzibar, khu vực bán tự trị của Tanzania, nơi một nửa dân số sống dưới mức nghèo khổ. Theo khảo sát chính phủ năm 2016, số phụ nữ không được đi học gấp đôi nam giới, họ ít có khả năng sở hữu đất đai hoặc không thể tiếp cận với vốn vay từ ngân hàng.
Nhiều gia đình nghèo ở vùng nông thôn cũng thiếu điện khiến gánh nặng cuộc sống lớn hơn. Toàn bộ mạng lưới điện của đảo phụ thuộc vào tuyến cáp ngầm nối với đất liền đã bị hư hại năm 2009, khiến khu vực này chìm trong bóng tối suốt ba tháng.
Ngoài ra, chỉ có một nửa số hộ dân ở Zanzibar mắc lưới điện, phần còn lại phải dựa vào đèn dầu để thắp sáng. "Cả nhà chúng tôi có mỗi một cái đèn", Aisha Ali Khatib, mẹ của 9 đứa trẻ, người được đào tạo thành kỹ sư năng lượng mặt trời cùng với Haja ở trường Barefoot, làng Kinyasini, Unguja, nói.
"Một muỗng dầu hỏa để thắp đèn có giá 200 shilling (0,09 USD), số tiền mà tôi không thể kiếm nổi trong hai ngày làm việc", cô cho biết.
Năng lượng mặt trời cung cấp giải pháp kết nối những làng xóm nông thôn khó tiếp cận mạng lưới điện, tăng tính bền vững. Chương trình đào tạo kỹ sư năng lượng mặt trời do trường Barefoot, một tổ chức tình nguyện thành lập năm 1972 ở Ấn Độ, tài trợ.
Dự án nhằm giải quyết vấn đề thực tế là phụ nữ ít có khả năng rời khỏi làng quê do nghèo đói và phải chăm lo gia đình, đồng thời trao quyền cho phụ nữ trong xã hội bất bình đẳng như Tanzania bằng cách cung cấp cho họ việc làm lương cao.
Người dân tại các làng tham gia dự án phải đề cử hai phụ nữ trong độ tuổi 35-55. Họ sẽ rời nhà tới trường để tham gia khóa đào tạo. Nhiều người chưa từng đi học, nhưng được công nhận là người có khả năng lãnh đạo và gắn bó sâu sắc với cuộc sống thôn quê.
Pandu Matti Salum, chủ một cửa hàng tạp hóa ở làng Kandwe, cho biết nhờ đèn LED bằng năng lượng mặt trời, cửa hàng của ông mở cửa suốt buổi tối, tăng thêm doanh thu. Ảnh: Sam Eaton.
"Khi bạn đào tạo một phụ nữ, nghĩa là bạn đang đào tạo cả một cộng đồng", Fatima Juma Haji, chuyên gia đào tạo kỹ sư năng lượng mặt trời ở trường Barefoot, cho hay. "Khi bạn đào tạo một người đàn ông, anh ta sẽ không ở lại làng và sẽ đi mất, nhưng khi bạn đào tạo một phụ nữ, cô ấy sẽ quay lại làng quê và giúp đỡ cộng đồng".
Học viên phải sống và học tập 5 tháng tại trường, sau đó về làng, xây dựng hệ thống chiếu sáng bằng điện mặt trời cho gia đình và hàng xóm. Các hộ gia đình chỉ phải trả vài USD một tháng tiền điện, rẻ hơn nhiều so với thắp sáng bằng dầu hỏa hay dùng điện lưới.
Một phần tiền được trích ra để trả lương cho kỹ sư, đổi lấy việc người này sẽ bảo trì thiết bị. Tiền gây quỹ cũng có thể được sử dụng vào các dự án cộng đồng.
Học viên tham gia chương trình cho biết họ hưởng lợi nhờ có nguồn thu nhập ổn định, được người làng tôn trọng. "Chúng tôi được trao một cuộc sống tốt hơn bởi khi rời khỏi đây, chúng tôi sẽ thành kỹ sư và quay lại dạy cho những người khác", Haja nói. "Khi quay lại, tôi sẽ có địa vị trong làng, tôi có tri thức và sẽ tự hào về bản thân mình".
Gia đình không đàn ông: Phụ nữ Tanzania cưới nhau để tránh bạo hành
Những người phụ nữ từng đổ vỡ hôn nhân của bộ lạc Kuria chuyển đến sống chung dưới một mái nhà, nượng tựa vào nhau ... |
Treo thưởng 440.000 USD cho người có tin về tỷ phú Tanzania bị bắt cóc
Gia đình Mohammed Dewji đưa ra mức thưởng lớn khi cảnh sát vẫn chưa xác định được động cơ và nơi giam giữ tỷ phú ... |
Hồng Hạnh (Theo Reuters)