Khi bóng ma Covid-19 vẫn ám ảnh toàn cầu, hộ chiếu vaccine có thể trở thành "ánh sáng cuối đường hầm" cho tự do đi lại toàn cầu.
Trung Quốc vừa trở thành quốc gia mới nhất phát hành hộ chiếu vaccine. Chứng chỉ kỹ thuật số, hiển thị tình trạng tiêm chủng của người dùng và kết quả xét nghiệm Covid-19, có sẵn cho công dân Trung Quốc thông qua một chương trình trên nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc WeChat đã được giới thiệu vào ngày 8/3.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chứng chỉ đang được triển khai "để giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại xuyên biên giới". Tuy nhiên, loại hộ chiếu vaccine này hiện chỉ được cấp cho công dân Trung Quốc và cũng chưa phải là yêu cầu bắt buộc.
Trước đó, một quốc gia khác ở châu Á cũng công bố kế hoạch cấp hộ chiếu vaccine là Thái Lan. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cho biết nước này sẽ cấp giấy chứng nhận cho những người dân đã hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 để họ có thể ra nước ngoài nếu muốn.
Thái Lan cũng có kế hoạch giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với người đã tiêm chủng từ 14 ngày xuống 7 ngày. Đề xuất dự kiến được một ủy ban quốc gia thông qua vào cuối tháng này.
Ảnh minh họa hộ chiếu Liên minh châu Âu và lọ vaccine Covid-19. Ảnh: AFP. |
"Hộ chiếu vaccine" hay giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 đã trở thành đề tài được thảo luận ở nhiều nơi trên thế giới, khi nhiều quốc gia muốn mở cửa với thế giới sau thời gian dài áp dụng các biện pháp hạn chế quốc tế ngăn đại dịch.
Thẻ Y tế Kỹ thuật số, ứng dụng do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) phát triển, sẽ được phát hành trong vòng vài tuần, theo các nhà phát triển. Công nghệ này cho phép hành khách đi máy bay có thể chứng minh tình trạng tiêm vaccine trước khi du lịch.
Tuy nhiên, một số quốc gia hiện đã có quy định về hộ chiếu vaccine của riêng mình. Đảo quốc Seychelles đã thông báo mở cửa đón khách du lịch có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine và đã trải qua hơn hai tuần kể từ khi tiêm mũi cuối cùng. Quy định về giấy chứng nhận tiêm chủng cũng được một số quốc gia đưa ra, gồm Estonia, Gruzia, Hungary và Romania.
Một số quốc gia khác đang lên kế hoạch áp dụng hộ chiếu vaccine trong thời gian tới. Hành khách có giấy chứng nhận tiêm vaccine có thể đến Hy Lạp sớm nhất vào tháng 5, theo kế hoạch đang được thảo luận ở Athens. Hy Lạp đã có thỏa thuận "bong bóng vaccine" vớiIsrael và Cộng hòa Cyprus, cho phép người đã tiêm chủng có thể đi lại giữa ba nước mà không cần cách ly.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis bày tỏ ủng hộ sáng kiến hộ chiếu tiêm chủng chung được triển khai trên khắp Liên minh châu Âu (EU), nhằm giúp khởi động lại ngành du lịch của châu lục.
Trong cuộc họp ở Jerusalem, Thủ tướng Mitsotakis và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhất trí tạo hành lang đi lại giữa hai nước. Ông Netanyahu lưu ý sẽ cho phép đi lại mà "không có hạn chế, cách ly hay bất kỳ điều gì khác".
"Tôi kỳ vọng điều chúng tôi và Israel sẽ làm là thử nghiệm về những gì chúng ta có thể tiến hành với các nước khác", Thủ tướng Mitsotakis nói.
Tại Israel, những tấm "vé thông hành" để tự do đi lại được thực hiện dưới dạng hộ chiếu vaccine hoặc huy hiệu màu xanh hiển thị trên một ứng dụng di động.
Cộng hòa Cyprus dự kiến sớm tham gia thỏa thuận đi lại với Hy Lạp và Israel, bắt đầu từ ngày 1/4.
Tây Ban Nha cũng đặt mục tiêu mở cửa trở lại ngành du lịch vào tháng 5, với sự hỗ trợ của hộ chiếu vaccine. Người đứng đầu ngành du lịch của quần đảo Balearic cho biết đã đề xuất với chính quyền trung ương Tây Ban Nha rằng sẽ trở thành một trong những nơi đầu tiên thử nghiệm hộ chiếu tiêm chủng.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez cũng kêu gọi sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng trên toàn EU để dễ dàng đi lại khắp lục địa. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi quốc gia này thông báo sẽ tổng hợp dữ liệu người từ chối tiêm chủng và chia sẻ với EU.
"Giấy chứng nhận tiêm chủng là điều mà chúng tôi chắc chắn sẽ áp dụng", Gonzalez nói với đài phát thanh RNE. "Nó là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo mọi người có thể đi lại an toàn".
Bộ trưởng Nội địa Bồ Đào Nha Eduardo Cabrita cũng có chung quan điểm khi nói rằng giấy chứng nhận tiêm vaccine sẽ dễ dàng quản lý hơn những yêu cầu phòng chống dịch hiện tại. "Chứng nhận này sẽ được xem như bằng chứng an toàn và loại bỏ một số quy định ở biên giới, như xét nghiệm PCR", ông nói.
Iceland tuần trước bắt đầu cấp giấy chứng nhận vaccine kỹ thuật số cho những công dân đã tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19. Quốc gia này đã bỏ các biện pháp hạn chế đối với người nhập cảnh nếu có giấy chứng nhận xét nghiệm kháng thể nCoV trong vòng 14 ngày.
"Mục đích là tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người di chuyển giữa các nước, để họ trình giấy xác nhận tiêm chủng khi làm thủ tục ở biên giới và được miễn các biện pháp hạn chế", một thông báo của chính phủ Iceland nêu rõ.
Đan Mạch hồi đầu tháng 2 thông báo sẽ phát hành hộ chiếu kỹ thuật số cho phép công dân chứng minh họ đã được tiêm chủng trong 3-4 tháng tới.
"Chúng tôi có hơn 800.000 công việc ở Đan Mạch liên quan tới giao thương với thế giới, nên đây là điều cơ bản nếu muốn bắt đầu xuất khẩu và giao thương trở lại, để người kinh doanh có thể gặp nhau. Những thứ như hộ chiếu vaccine là điều cơ bản để biến điều đó thành hiện thực", Quyền bộ trưởng Tài chính Morten Bødskov nói.
Thụy Điển cũng đang lên kế hoạch triển khai hộ chiếu vaccine kỹ thuật số vào mùa hè này. "Để giấy chứng nhận hoạt động trên toàn thế giới, chúng phải được các quốc gia công nhận", Bộ trưởng Xã hội Lena Hallengren cho hay.
Bahrain cũng đã giới thiệu ứng dụng BeAware cho phép công dân chứng minh tình trạng miễn dịch của họ hai tuần sau khi tiêm đủ vaccine Covid-19. Ứng dụng này đi kèm một giấy chứng nhận chính thức ghi chi tiết họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch và loại vaccine họ đã sử dụng. Các nhà chức trách có thể quét mã QR được liên kết với hồ sơ tiêm chủng quốc gia để xác thực thông tin.
Một hành khách làm thủ tục tại sân bay ở Bogota, Colombia tháng 9/2020. Ảnh: Reuters. |
Liên minh châu Âu (EU) xác nhận đang thảo luận về "thẻ xanh kỹ thuật số" để cho phép những người đã tiêm chủng có thể đi lại dễ dàng hơn giữa các nước. Ủy ban châu Âu dự kiến công bố dự thảo về quy định mới vào ngày 17/3, theo Euronews. Lãnh đạo EU cho rằng sẽ mất ba tháng để quy định này chính thức có hiệu lực.
Chính phủ Anh cho biết đang xem xét những ưu, nhược điểm của hộ chiếu vaccine kỹ thuật số, dù ban đầu phản đối ý tưởng này.
Tại Mỹ, các hãng hàng không và doanh nghiệp hàng đầu đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden phát triển giấy chứng nhận tạm thời cho phép hành khách có thể chứng minh đã được xét nghiệm và tiêm chủng vaccine Covid-19, nhằm giúp hồi sinh ngành du lịch.
Tuy nhiên, một số hãng hàng không lo ngại kế hoạch cấp giấy chứng nhận tiêm chủng ồ ạt tại nhiều khu vực có thể gây ra nhầm lẫn hoặc không được chấp nhận rộng rãi.
"Thiết lập hướng dẫn thống nhất là điều quan trọng và Mỹ nên đi đầu về việc này", các tập đoàn của Mỹ viết trong thư kiến nghị gửi Nhà Trắng hôm 8/3.
Thanh Tâm (Theo AFP, Telegraph, WSJ, Straits Times)