Những người thắp lửa thầm lặng

Để làm nên một Khe Sanh hôm nay, có rất nhiều người đã được vinh danh, những người được coi là thắp lửa cho Khe Sanh rực sáng. Họ là những người lính đã bỏ lại một phần máu xương trên chiến trường cho đất này nở hoa, là những nhà lãnh đạo với những quyết sách quan trọng tạo nguồn lực cho Khe Sanh phát triển, họ là những doanh nhân thành đạt có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương…

nhung nguoi thap lua tham lang

Để làm nên một Khe Sanh hôm nay, có rất nhiều người đã được vinh danh, những người được coi là thắp lửa cho Khe Sanh rực sáng. Họ là những người lính đã bỏ lại một phần máu xương trên chiến trường cho đất này nở hoa, là những nhà lãnh đạo với những quyết sách quan trọng tạo nguồn lực cho Khe Sanh phát triển, họ là những doanh nhân thành đạt có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương…

Và còn có rất nhiều người “thắp lửa” thầm lặng, dẫu không hoặc chưa được vinh danh trên các khán đài, bục vinh quang nhưng âm thầm đóng góp bằng những việc làm nhỏ bé giúp đỡ người khác...

Hạnh phúc là cho đi

Anh Võ Văn Thái, hiện trú tại khóm 3A thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị là một thành viên của nhóm Từ thiện Phật tử Hướng Hóa, anh Thái cùng với vợ phụ trách công việc nấu cháo từ thiện cho hội. Mỗi tháng ba lần, dù trời nắng hay những đêm đông lạnh buốt thấu xương, trong khi mọi người đang còn nằm cuộn mình trong chăn ấm thì vợ chồng anh đã thức dậy từ 3-4 giờ sáng nhóm lửa để nấu mấy nồi cháo thật to cho hoạt động “Cháo tình thương” ở Bệnh viện Đa khoa huyện.

Dù công việc của cá nhân gia đình bận rộn nhưng anh vẫn dành thời gian để đi kiếm củi, sắp xếp thời gian lo cho nồi cháo tình thương thật thơm ngon, coi đó như là phần việc của chính gia đình mình.

nhung nguoi thap lua tham lang
Cháo yêu thương tại bệnh viện cho bệnh nhân nghèo. Ảnh: TL.

Để bổ sung thêm vào nguồn quỹ cho nồi cháo tình thương hàng tháng, anh đã lượm, thu gom lon bia, chai nhựa bán để dành dụm tiền. Trên chiếc xe máy của anh luôn có sẵn một cái bao để lượm các loại chai lon này bất cứ lúc nào nếu bắt gặp trên đường. Số tiền dành dụm được không nhiều, mỗi tháng cũng chỉ khoảng vài trăm ngàn nhưng ý nghĩa của hành động đẹp này rất lớn. Nó không chỉ đẹp ở chỗ số tiền được góp thêm vào quỹ tình thương của hội mà còn ở hành động kiên trì, bền bỉ của anh mỗi ngày góp phần lan tỏa một hành động đẹp, ngoài ra, đó còn là một hành động giúp bảo vệ môi trường, giúp người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh, không vứt rác bừa bãi trên đường.

nhung nguoi thap lua tham lang
Anh Thái bên chiếc xe thu gom rác. Ảnh: TL.

Điều đáng quý là trong khi điều kiện kinh tế gia đình còn không ít khó khăn nhưng những người thân đều đồng lòng ủng hộ, cùng hỗ trợ anh hoàn thành tốt những việc làm từ thiện giúp đỡ người nghèo. Võ Văn Lượng, con trai của anh chia sẻ với chúng tôi rằng: “Có một số người cho việc làm của ba em là “hâm” nhưng em và gia đình tôn trọng và ủng hộ sự lựa chọn của ba, em rất tự hào về ông”. Riêng bản thân Thái lúc nào cũng nhiệt tình và tươi cười vui vẻ với công việc bởi anh đã thực hiện được tâm nguyện cuộc sống của mình, giúp đỡ được người khác chính là hạnh phúc!

Tự học để giúp đỡ người khác

Đó là câu chuyện về Đặng Nhật Trường, sinh năm 1983, hiện trú tại khóm 3B, thị trấn Khe Sanh. Ngay từ tiểu học, cậu học trò đã rất đam mê guitar nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn không thể theo học nên cậu đã học lén từ sau cánh cửa. Trường đã dành dụm đủ tiền mua được cây đàn guitar, tự học chơi đàn và sáng tác được rất nhiều bài hát.

Trường thi đậu 3 trường đại học, theo học 2 trường ở TPHCM một thời gian, vì bản thân chưa đủ đam mê và điều kiện gia đình nên Trường đã từ bỏ, trở về nhà phụ giúp ba mẹ. Thời gian này, Trường đã đến với niềm đam mê tiếng Anh và đã tự học, tự trau dồi kiến thức cho bản thân. Vừa làm công việc khoan giếng vừa tranh thủ thời gian để tự học. Hầu như đêm nào Trường ngủ, trên tay cũng vẫn ôm cuốn sách. Ngoài sách, Trường đã học trực tiếp bằng những cuộc hội thoại ghi âm, video trên mạng do người nước ngoài giảng dạy... Kết quả của quá trình nỗ lực không mệt mỏi là một vốn liếng tiếng Anh kha khá, đặc biệt là ngôn ngữ giao tiếp rất tốt.

nhung nguoi thap lua tham lang
Đặng Nhật Trường ở lớp học. Ảnh: TL.

Qua quá trình tự học tiếng Anh, Trường đã nhận ra cách dạy ngoại ngữ trong nhà trường ở địa phương còn nhiều thiếu sót, đặc biệt là về phát âm. Mỗi giáo viên có một cách phát âm khác nhau, không có sự đồng bộ khiến học sinh gặp khó khăn. Thực tế đó cùng với động lực muốn cống hiến cho xã hội, Trường đã nghĩ ra một cách, là mở lớp tiếng Anh miễn phí cho các em ở các độ tuổi với những giáo trình riêng từng cấp độ. Các bạn nhỏ được dạy kỹ càng đến từng cách phát âm từ vựng và ngôn ngữ giao tiếp, ngoài ra vẫn được củng cố thêm nhiều kiến thức mới, phân biệt giữa tiếng Anh - Anh và tiếng Anh- Mỹ.

Lớp được mở ở nhà cộng đồng khối, ban đầu học viên vẫn còn ít khoảng 7-8 bạn nhỏ, nhưng dần được sự yêu thương, tin tưởng và lan tỏa trong cộng đồng, các bậc phụ huynh đã biết và gửi gắm con em đến học. Lớp học của Trường đã trở thành câu lạc bộ cho những bạn nhỏ yếu kiến thức hay bất cứ ai thực sự đam mê đều có thể tham gia. Lớp học luôn tràn đầy yêu thương, hỗ trợ và hơn hết là sự sẻ chia không ngần ngại, có những bạn rụt rè, khi tham gia lớp học đã có thể mạnh dạn giao tiếp bằng tiếng Anh khá tự tin.

Tổ chức lớp học được một thời gian, đến lúc nhận ra cuộc sống quá khó khăn, và mong muốn được theo học lên cao hơn để phát triển khả năng ngoại ngữ, tìm được việc làm phụ giúp gia đình, Trường đành gác lại đam mê, chia tay học trò. Rất nhiều bạn nhỏ đã khóc khi nghe Trường ngừng giảng dạy. Với quyết tâm tự ôn luyện để thi lại đại học ngoại ngữ, Trường đã xin lái taxi ở Huế, ở trọ, ăn cơm bụi, chạy taxi để thực hiện ước mơ của mình. Dù không còn trẻ nữa, đã bước sang tuổi 35, nhưng hình ảnh một người miệt mài bên trang sách trong nhà trọ bình dân là một hình ảnh đẹp đủ sức lay động tinh thần đam mê học tập, cống hiến cho nhiều người trẻ hôm nay.

Xóa mù bằng… bún yêu thương

Mười mấy năm trước, thầy giáo Lý Chí Thành vui vẻ nhận quyết định trong niềm hân hoan được đến với vùng núi cao. Có thể duyên nợ với mảnh đất này đã được quyết định chính từ giây phút nhận quyết định ấy chăng, để đến bây giờ thầy đã trở thành người bạn, người đồng hành thân thiết của đồng bào nghèo ở huyện miền núi Hướng Hóa.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở một vùng quê Cam Lộ, thầy giáo Lý Chí Thành lúc đó là tấm gương về hiếu học và vượt khó. Thành tích nhiều năm liền là học sinh giỏi, đạt các giải cao trong các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh và kết quả thi tuyển đỗ điểm cao vào hai trường đại học: Sư phạm Hóa và Hóa dầu là một minh chứng.

nhung nguoi thap lua tham lang
Thầy giáo Thành rửa bát, chuẩn bị bún yêu thương cho học sinh ở vùng khó. Ảnh: TL.

Thấu hiểu hơn ai hết về nỗi khổ của những người nghèo, những học trò nghèo, tấm lòng của người thầy bắt đầu từ những ngày đầu tiên nhận lớp. Thầy thường đến nhà những em học sinh cá biệt, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở xa để tìm hiểu, rồi tìm mọi cách miễn, giảm các khoản thu nộp cho các em.

Thầy đã lập ra hội từ thiện “Cựu học sinh Trường THPT Hướng Hóa” quyên góp được một số sách vở và áo quần cũ giúp đỡ cho các em nhỏ ở vùng khó khăn. May mắn đã đến khi một số tổ chức từ thiện đã tìm đến nhờ thầy làm cầu nối. Niềm vui cũng đến khi thầy làm cầu nối cho hội từ thiện “Thiện Tâm” ở thành phố Huế, Chương trình từ thiện “Hạt gạo yêu thương” của một số cá nhân trong và ngoài nước...

Với sự hỗ trợ tận tình của thầy, các chương trình từ thiện đã được tổ chức mang ý nghĩa thiết thực và lan tỏa điều tốt đẹp trong cộng đồng. Được biết, để tổ chức và trao những suất quà, hỗ trợ làm nhà tình nghĩa… đến đúng địa chỉ những người khó khăn cần giúp đỡ, thầy giáo đã không quản lặn lội đường xa với muôn vàn khó khăn.

Thầy Thành chia sẻ: Được đến tận nơi xa xôi hẻo lánh, được tận mắt chứng kiến những mảnh đời còn cơ cực và bất hạnh, tôi càng thấu hiểu, càng có thêm động lực chia sẻ, giúp đỡ họ nhiều hơn nữa. Tên gọi “thầy Thành” đầy yêu thương và kính trọng của dân bản và từ “nghiện” làm từ thiện là những danh hiệu đẹp nhất dành tặng cho thầy.

Chứng kiến thầy giáo cùng nhóm từ thiện vất vả với việc chuẩn bị nấu nướng cho mỗi đợt từ thiện cùng với quà tặng là một bữa bún có tên gọi “Bún yêu thương”, nhiều người thắc mắc là vì sao phải vất vả như vậy. Câu trả lời thật xúc động, là bởi vì rất nhiều người dân ở các vùng bản xa chưa từng biết “bún” là gì, cả đời họ chưa từng được ăn một bát bún để biết được hương vị của nó như thế nào. Đó là lí do thầy phải vất vả rửa cả đống bát đĩa để phục vụ cho mỗi ngày mai của đợt tình nguyện. Thì ra, thầy muốn xóa mù từ “bún” trong “từ điển” của những người dân vùng bản xa.

Không chỉ trở thành người đàn ông siêng rửa bát, thầy còn trở thành thợ mộc, thợ điện, thợ bốc vác, dựng nhà... để giúp đỡ dân nghèo. Thầy sẽ còn đi nữa, và đi mãi để thực hiện nghĩa tình đơn giản: “Để có được ngày hôm nay, một phần, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của xã hội. Đã đến lúc tôi phải trả”.

“Thà thắp lên một ngọn nến, hơn là nguyền rủa bóng đêm”. Nếu chúng ta không thể thắp lên được ngọn lửa thì hãy là ngọn gió giúp thổi bùng lên những ngọn lửa nhỏ ấy, giúp ngọn lửa ấy được lan tỏa ra thêm nữa. Còn rất nhiều những người “thắp lửa” thầm lặng ấy, ta có thể gặp họ ở bất cứ nơi đâu, trên đường đi, ngoài gốc chợ, trên bục giảng, ở gốc rừng hay nơi công sở… Việc làm của họ không chỉ giúp đỡ, xoa dịu bớt những khó khăn, cơ cực cho những mảnh đời còn bất hạnh mà còn giúp cho chúng ta có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời.

nhung nguoi thap lua tham lang Cuộc sống nguyên sơ của 40 con người trên đỉnh Cheng Leng

Ngọn núi của người Jrai - ngọn Cheng Leng là nơi cư trú của năm chục con người. Họ chọn cho mình cuộc sống nguyên ...

nhung nguoi thap lua tham lang Chuyện ‘người hùng thầm lặng’ sau mỗi chuyến xe Grab

Làm việc 24/7, có khi nhịn đói để hỗ trợ đồng nghiệp nhưng những người làm công tác cứu hộ của Grab chưa một lần ...

/ https://laodong.vn