Năm 1965, trên đường từ đảo Cồn Cỏ trở về, thuyền của ông Lê Văn Tạo bị gió thổi dạt vào nam, ông bị địch bắt, giam cầm suốt 5 năm.
84 tuổi, ông Lê Văn Tạo, trú thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, vẫn minh mẫn và khỏe mạnh. Nhắc đến những chuyến đi biển tiếp tế cho bộ đội canh giữ đảo Cồn Cỏ - "con mắt thần ở biển Đông" hơn 50 năm trước, ánh mắt ông sáng lên.
Năm 1965, khi hai con mới được ba tuổi và một tuổi, ông Tạo đăng ký đi tiếp tế cho Cồn Cỏ. Biết vùng biển bom đạn Mỹ rải như mưa nhằm chặn tuyến đường vận chuyển vũ khí, lương thực từ đất liền ra đảo, ông vẫn xung phong đi, vợ ở nhà hoạt động du kích.
Ông Lê Văn Tạo kể lại những chuyến đi biển năm 1965. Ảnh: Hoàng Táo |
Do nhiệm vụ bí mật, 15h chiều ông mới được thông báo rồi đi thuyền ra xã Vĩnh Kim, cách nhà 7 km, nhận hàng hóa. Hai chuyến hàng đầu tiên, ông Tạo đều phải quay vào bờ vì tàu địch vây ráp. Chuyến thứ ba, đoàn thuyền 6 chiếc của Đại đội 22 cập đảo Cồn Cỏ an toàn, nhưng khi trở vào nửa đường thì gặp địch.
Đúng lúc này gió mùa đông bắc tràn đến, con thuyền nan tre dài chưa đến 15 m bị cuốn về vùng biển Thừa Thiên Huế và bị địch bắt. Toàn bộ quân trang, quân dụng các thuyền viên vứt hết xuống biển.
"Chúng đưa tôi ra lại Cửa Việt (Quảng Trị) để thẩm vấn suốt một đêm, nhưng không có kết quả. Hai ngày sau, tôi bị tra tấn nhưng không khai thác được gì nên tiếp tục bị chuyển vào trại giam ở Sài Gòn", ông Tạo kể lại.
Bị đánh đập, chích roi điện, còng chéo tay chân 10 ngày liên tục và chỉ được ăn một bát cơm nhỏ với hạt muối trắng, ông Tạo một mực khai là ngư dân đi biển, gặp gió mùa kéo lưới không kịp nên dạt vào phía nam.
Sau hai năm, ông Tạo được chuyển đến nhà lao Tân Hiệp (Đồng Nai). Tại những nhà lao này, cùng với những người tù khác, ông Tạo đấu tranh chống ly khai, chống chào cờ.
Đến năm 1970, ông được thả về tại Cửa Tùng cùng với 46 người khác. Lúc này, quân số Đại đội 22 đã ổn định, ông được giao chở hàng đi Cửa Việt, được hai chuyến thì nhiệm vụ thay đổi nên ông ra quân.
Đảo Cồn Cỏ ngày nay tươi xanh, thu hút khách du lịch. Ảnh: Hoàng Táo |
Giống ông Tạo, đầu tháng 9/1965, dân quân Võ Văn Phương (nay 79 tuổi) nhận lệnh của Đại đội 22 mang công văn ra đảo Cồn Cỏ. Đêm 5/9, hai thuyền do ông Võ Văn Phương và Nguyễn Nghi làm thuyền trưởng, vượt biển từ Cửa Tùng. Khi cách đất liền khoảng 10 km thì gặp địch, thuyền ông Nghi nhờ được pháo đất liền chi viện nên cập bến an toàn.
Thuyền ông Phương bị chìm ngay loạt đạn đầu tiên. Hai người hy sinh, bảy người mất tích, chỉ có ông Phương và một dân quân sống sót, cởi áo quần rồi trôi dạt giữa biển. Đồng đội bị cá tấn công, ông Phương ôm phao tre bảy ngày đêm giữa biển vào đến vùng biển Quảng Nam rồi được ngư dân vớt lên.
Địch bắt ông Phương, chuyển ra trại giam ở Đà Nẵng. Bị tra tấn suốt hai năm, ông Phương nhất quán khai thuyền có năm ngư dân, bủa lưới cá chuồn thì bị gió lật thuyền, trôi dạt.
Tháng 9/1967, ông Phương được phóng thích tại cầu Hiền Lương, cùng 18 người khác. Quân số Đại đội 22 đã đủ nên ông Phương được điều về Trung đoàn pháo cao xạ 270, chiến đấu ở Nghệ An cho đến lúc ra quân năm 1973.
Ông Võ Văn Phương kể bị trôi dạt bảy ngày đêm trên biển khi chuyển hàng ra đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Hoàng Táo |
Trong thời gian tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, có rất nhiều thuyền bị dạt vào phía nam, nhiều người bị bắt, giam cầm. Như đêm 29/5/1965, 12 thuyền từ đảo Cồn Cỏ trở về đất liền thì chạm mặt địch, năm thuyền bị đánh chìm, năm thuyền trôi dạt vào nam, chỉ hai thuyền cập bờ.
Với hàng loạt thất bại trên chiến trường và đấu tranh của Đoàn đại biểu miền Bắc tại Hội nghị Paris, Pháp, địch buộc trao trả những ngư dân đánh cá bị dạt vào. Tháng 7/1970, 84 chiến sĩ, dân quân bị bắt giữ, giam cầm khi tiếp tế hàng hóa ra đảo Cồn Cỏ được trao trả cho phía nam Cửa Tùng.
Trở về với quê hương, những người này tiếp tục phục vụ trong nhiều đơn vị cho đến ngày đất nước thống nhất.
Năm 1965, Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chiến sự trên đảo Cồn Cỏ và vùng biển xung quanh trở nên khốc liệt. Tàu địch vây ráp, bộ đội thiếu thốn vũ khí, thuốc men, lương thực... Tháng 5/1965, Đại đội 22 tiếp tế cho Cồn Cỏ được thành lập, đóng quân tại xóm Xuân, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, gồm 40 chiến sĩ nòng cốt, 80 dân quân bốn xã ven biển là Vĩnh Quang (nay là thị trấn Cửa Tùng), Vĩnh Giang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái.
Kết thúc chiến tranh, Đại đội 22 và dân quân bốn xã của huyện Vĩnh Linh đã chuyển gần 7.000 tấn vũ khí, lương thực ra đảo Cồn Cỏ. 76 chiến sĩ, dân quân hy sinh và mất tích trên vùng biển Quảng Trị. Năm 1976, Đại đội tổ chức thành một đội thuyền vận chuyển hàng hóa ra Cồn Cỏ, do Tỉnh đội Quảng Trị quản lý. Đại đội 22, Trung đoàn 270 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 24/4/2013. |