Bộ ảnh ghi lại thời khắc lịch sử trên đường phố Sài Gòn ngày 30/4/1975 được chàng thanh niên 19 tuổi chụp lại và trân trọng lưu giữ đến tận bây giờ.
Những khoảnh khắc khó quên
50 năm trước, chàng thanh niên Nguyễn Đinh Đạt sống cùng gia đình tại con hẻm 399 đường Trương Minh Giảng nay là đường Lê Văn Sỹ, Quận 3, TP.HCM.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đinh Đạt.
Sáng 30/4/1975, ông đang ngồi nghe tin tức trên đài thì phía trước nhà bỗng xuất hiện nhiều tiếng ồn ào. Nhìn xuống thấy hai lính phi công đang nép dưới hàng hiên, cởi trang phục, ông biết, bộ đội giải phóng đã tiến vào thành phố.
“Lúc đấy tò mò lắm. Tôi vội chạy vào nhà, xé một tấm giấy ghi vội 2 chữ phóng viên. Lấy cơm nguội dán tờ giấy vào trước ngực áo rồi lấy chiếc máy ảnh Nikon FTN 50mm chạy ra ngoài đường. Mình thích chụp hình và cả sự tò mò thôi thúc để không bỏ lỡ giây phút quan trọng này.
Những tấm ảnh đầu tiên là tôi núp trong con hẻm trước nhà chụp. Thấy ai dễ thì mới đứng công khai bấm máy. Bấm được một tấm là quay lưng bỏ chạy ngay. Cứ bấm xong là chạy”, ông Đạt nói.

Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.
Sau khi “tác nghiệp” tại góc đường Trương Minh Giảng, chàng trai trẻ lái xe đi khắp các tuyến phố của Sài Gòn để ghi lại những hình ảnh ngày 30/4/1975.
“Tôi lái xe đi đường Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sỹ), Trần Huy Liệu rồi ra Võ Di Nghi (nay là đường Phan Đình Phùng), ra Hai Bà Trưng, Lăng Cha Cả đi Gò Vấp. Tôi xuống cả Thủ Đức rồi về Dinh Độc Lập là chiều rồi. Tôi thuộc đường nên lên xe là theo lộ trình như vậy, đi chụp một vòng Sài Gòn ngày hôm ấy”, ông Đạt kể.
Ông nói, điều tiếc nhất là có quá ít phim. Chỉ mang theo 2 cuộn phim với 72 lần bấm máy nên ông phải rất tiết kiệm, không dám chụp tất cả những gì thấy trên đường.
“Về đến nhà, trời đã tối, tôi vội vàng vào phòng tráng phim ngay. Lúc đó hồi hộp lắm, cứ chờ hình hiện lên. 2 cuộn phim tôi bấm bị hư nhiều, chỉ còn khoảng 30 tấm chất lượng”, ông Đạt tiếc nuối.

Tấm hình ông Đạt chụp lúc 14h ngày 30/4/1975 trước Dinh Độc Lập.
Chỉ từng tấm hình, ông nói: “Tấm này tôi chụp gần nhà, khoảng 9h sáng 30/4/1975, lính dù Việt Nam Cộng hòa đóng tại Hóc Môn di chuyển về hướng trung tâm thành phố Sài Gòn. Tấm này là chụp lúc khoảng 11h trước cổng trường Lê Bảo Tịnh đường Trương Minh Giảng, quân Giải phóng từ Củ Chi hướng về trung tâm Sài Gòn. Còn tấm này là ở trước Dinh Độc Lập khoảng lúc 2h chiều. Lúc ấy mọi chuyện đã yên ổn rồi, người dân vẫn còn tụ tập ở đây rất đông”.
Ông bảo, xem những bức ảnh này như đang xem lại thước phim lịch sử 50 năm về trước, thời khắc mà ông được chứng kiến trọn vẹn cảm xúc của những ai đã từng có mặt ở Sài Gòn khi ấy.
Ước mơ
Một số ảnh trong album ngày 30/4/1975 của ông đã được Bộ Quốc phòng và TTXVN lưu trữ. Ông nói, sau khi chụp bộ ảnh này, ông tâm niệm phải trân trọng và gìn giữ chúng cho đến 50 năm sau.
Nửa thế kỷ, khoảng thời gian đủ dài để sinh ra nhiều thế hệ. Và những bức ảnh của ông giờ trở thành những tư liệu lịch sử quý giá, đánh dấu mốc son lịch sử của thành phố, của đất nước.
Trong bộ ảnh ấy, có 2 bức ảnh mà ông đặc biệt tâm đắc. Đó là ảnh một nhóm lính thất trận cởi bỏ toàn bộ trang phục, trên người chỉ còn mặc một chiếc quần đùi. Và bức ảnh đối lập với nó là hình ảnh hai anh bộ đội giải phóng, đầu đội mũ tai bèo, tay chuyền nhau điếu thuốc giữa các đồng đội đang reo mừng chiến thắng.
Ông đặt tên cho bức ảnh này là “Phút thư giãn”.

Tấm ảnh "Phút thư giãn" chụp ngày 30/4/1975.
Ông nói, xem mấy tấm ảnh này là phải xem cả bộ. Như vậy mới hiểu được câu chuyện của ngày hôm ấy, mới cảm nhận được đủ mọi sắc thái cảm xúc của cả hai bên.
Sau năm 1975, gia đình ông đi kinh tế mới. Ông trở thành lái xe cho một công ty xuất nhập khẩu của Bộ Thương mại, rồi làm nhiều vị trí tại đây cho đến khi về hưu.
Nửa thế kỷ trôi qua, chàng thanh niên ngày nào nay đã 69 tuổi nhưng vẫn giữ đam mê chụp ảnh. Ông đã vài lần ghé qua con hẻm xưa, căn nhà xưa, cả những con phố cũ, đứng đúng góc chụp những bức ảnh ngày 30/4/1975, chụp lại để thấy sự thay đổi của thành phố.
“Bây giờ nhiều người hỏi tôi còn nhớ hồi đó đứng đâu chụp không? Tôi vẫn nhớ hết. Chỉ cần quay lại những con đường xưa, giơ máy lên là cái góc máy y chang ngày xưa. Sao mà không nhớ được!”, ông nói.

Ảnh người lính giải phóng chụp tại cầu Thị Nghè.
Hỏi về mong ước sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông bảo chỉ mong có thể tìm được người trong bức ảnh từng chụp. Trong số nhiều tấm ảnh của ông, có một bức ảnh rõ mặt người lính được ông chụp tại cầu Thị Nghè vào ngày 1/5/1975.
Ông từng đăng tải bức ảnh này trên tài khoản mạng xã hội với hy vọng người lính kia sẽ nhận được hình ảnh của mình ngày ấy.
“Nếu được gặp lại những người lính trong ảnh năm nào thì cuộc gặp ấy thật sự có ý nghĩa. Bây giờ họ chắc cũng đã 70 như tôi”, ông Đạt chia sẻ.
https://vtcnews.vn/nhung-khoanh-khac-kho-quen-cua-duong-pho-sai-gon-ngay-30-4-1975-ar935127.html