Những khác biệt của sóng thần Covid-19 Ấn Độ

Các chuyên gia đánh giá Covid-19 tại Ấn Độ lần này tốc độ lây lan nhanh hơn, tử vong nhiều hơn, tấn công nhiều người trẻ tuổi so với đợt bùng phát năm 2020.

Tất cả mô hình dự đoán trên thế giới hiện nay phản ánh Covid-19 tại Ấn Độ sẽ chạm đỉnh vào tháng 5. Theo Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) tại Đại học Washington, Mỹ, số ca tử vong do nhiễm nCoV mỗi ngày tại Ấn Độ sẽ đạt đỉnh vào ngày 10/5, với 5.600 ca. Mô hình dự báo của ĐH Washington, Mỹ, cho thấy nếu Ấn Độ thực hiện tốt việc đeo khẩu trang từ tuần tới, 70.000 người sẽ tránh khỏi cái chết.

Tình hình Covid-19 tại Ấn Độ trong những tuần qua vô cùng căng thẳng. Các phân tích thống kê cho thấy so với đợt bùng phát thứ nhất, đợt dịch lần này có phần khác biệt và nguy hiểm hơn nhiều.

Làn sóng Covid-19 thứ hai lây nhanh như thế nào?

Nguyên nhân dẫn đến Covid-19 lây lan nhanh chóng là do cách chống dịch lỏng lẻo, cùng sự xuất hiện của biến thể virus mới từ Anh và biến thể mang "đột biến kép" của Ấn Độ.

Tiến sĩ Bhramar Mukherjee, Trưởng khoa thống kê sinh học tại Đại học Michigan, Mỹ, đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại Ấn Độ. Bà xem xét độ chênh lệch về số ca nhiễm trong chu kỳ 30 ngày của đợt dịch đầu tiên. Theo thống kê của tiến sĩ Mukherjee, số ca nhiễm trong ngày 22/6/2020 là 13.560 ca, tăng lên 45.601 ca vào ngày 22/7/2020, tức là chênh nhau ba lần và cũng là mức tăng cao nhất.

Tuy nhiên, trong đợt bùng phát thứ hai tính từ ngày 15/2, số ca nhiễm ngày 7/4 là 126.276, cao gấp tám lần ngày 8/3 (15.353 ca). Mức chênh lệch cao nhất về số ca tử vong trong đợt này là 10 lần, trong khi với đợt dịch trước là khoảng ba lần.

Các triệu chứng bệnh trong hai đợt dịch khác nhau ra sao?

Các chuyên gia cho rằng các triệu chứng vẫn vậy, dù người bệnh nhiễm biến thể mới. Theo tiến sĩ Balram Bharghava, Trưởng Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, trong đợt dịch thứ hai, người bệnh sẽ thấy khó thở vào tuần đầu tiên. Trong đợt bùng phát thứ nhất, triệu chứng này xuất hiện vào tuần thứ hai.

Bác sĩ Satyanarayana Mysore từ Bệnh viện Manipal, Bangalore, giải thích: "Triệu chứng khó thở là do hiện tượng bão cytokine gây ra. Khi hệ miễn dịch sản sinh ra quá nhiều cytokine, chúng sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ oxy của cơ thể". Đây là một trong những lý do khiến nồng độ oxy của người bệnh suy giảm.

Những khác biệt của sóng thần Covid-19 Ấn Độ
Một bệnh nhân Covid-19 chờ nhập viện tại New Delhi, Ấn Độ, hôm 23/4. Ảnh:Reuters

Nhiều người trẻ nhiễm virus hơn?

Các bác sĩ nhận thấy sự gia tăng về số bệnh nhân Covid-19 trẻ tuổi. Bác sĩ nhi khoa Digant Shastri ở Surat đã chứng kiến số ca mắc tăng lên ở những nhóm dưới 18 tuổi. "Tuần trước, tôi chỉ gặp bốn ca trong độ tuổi đó. Giờ đây, con số đã tăng lên 50 người", bác sĩ Shastri cho biết.

Số bệnh nhân tăng lên một phần là do xét nghiệm cho trẻ em trở nên dễ tiếp cận và rẻ hơn. Trẻ em được xét nghiệm nhiều hơn vì các em có nhiều triệu chứng hơn trước. "Phần lớn các ca bệnh năm ngoái chỉ có những biểu hiện nhẹ", theo bác sĩ Shastri.

Phân tích của chính phủ dựa trên 10.000 người được nhập viện phản ánh sự thay đổi nhỏ về độ tuổi của người bệnh. Trong cả hai đợt dịch, tỷ lệ bệnh nhân trên 40 tuổi vẫn chiếm hơn 70%. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân dưới 19 tuổi tăng từ 4,2% trong đợt dịch thứ nhất lên đến 5,8% trong đợt bùng phát thứ hai. Tỷ lệ người mắc Covid-19 ở độ tuổi từ 20 đến 40 cũng tăng từ 23% đến 25%.

Xét nghiệm RT-PCR cho kết quả sai?

Xét nghiệm RT-PCR là cách hiệu quả nhất để phát hiện trường hợp nhiễm nCoV. Song, theo một số báo cáo ở Ấn Độ gần đây, xét nghiệm cho kết quả âm tính, trong khi bệnh nhân có triệu chứng rõ ràng của Covid-19. Điều này dấy lên mối lo ngại lớn rằng nhiều bệnh nhân đã không được phát hiện và lây virus cho người khác.

Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ đã bác bỏ nhận định trên, khẳng định không biến thể nCoV nào có thể qua mặt xét nghiệm RT-PCR. Kết quả xét nghiệm sai có thể bắt nguồn từ vấn đề trong khâu thu thập và xử lý các mẫu tại những phòng thí nghiệm thiếu nhân lực hoặc phải làm việc vượt công suất. Xét nghiệm chậm trễ cũng ảnh hưởng tới kết quả, nhất là khi virus thâm nhập sâu vào cơ thể và lượng virus tại mũi, họng giảm xuống dưới mức có thể phát hiện bằng RT-PCR.

Ấn Độ đang chống chọi đợt bùng phát Covi-19 tồi tệ nhất, liên tục 6 ngày ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới. Các bệnh viện quá tải, lò hỏa táng hoạt động hết công suất và nhiều gia đình bệnh nhân tuyệt vọng lên mạng xã hội cầu xin nguồn oxy, giường bệnh. Nhiều bệnh nhân chết trên cáng trước cổng bệnh viện hoặc trên đường vì không có giường cấp cứu.

Vùng dịch lớn thứ hai thế giới ghi nhận thêm 319.435 ca nhiễm và 2.764 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt 17.625.735 và 197.880.

Mai Dung (Theo StraitsTimes)

Vỡ trận COVID-19, Ấn Độ điều quân đội hỗ trợ các bệnh viện Vỡ trận COVID-19, Ấn Độ điều quân đội hỗ trợ các bệnh viện

Ấn Độ đã cử lực lượng vũ trang đến hỗ trợ các bệnh viện khi nước này đang “vỡ trận” trong cuộc chiến chống lại ...

Ấn Độ có thể có tới 13.000 người chết vì COVID-19 mỗi ngày Ấn Độ có thể có tới 13.000 người chết vì COVID-19 mỗi ngày

Nghiên cứu mới của Mỹ chỉ ra rằng Ấn Độ vẫn chưa tới đỉnh dịch và số người chết vì COVID-19 tại nước này sẽ ...

/ vnexpress.net