Quốc hội Trung Quốc sẽ bầu nội các chính phủ mới vào đầu năm sau, khi 4 phó thủ tướng hiện nay đều sắp nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: Reuters.
Sau Đại hội 19, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nắm trong tay quyền lực lớn chưa từng thấy và giờ đây ông đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng trong việc xử lý những vấn đề đầy thách thức của nền kinh tế 12 nghìn tỷ USD, từ các khoản nợ bong bóng, dư thừa năng suất sản xuất cho đến hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước.
Áp lực này buộc ông phải lựa chọn những gương mặt tiềm năng nhất cho các vị trí trong nội các mới sẽ được quốc hội Trung Quốc bầu vào tháng ba năm sau, khi nhiều thành viên chủ chốt trong chính phủ hiện nay sắp nghỉ hưu, theo SCMP.
Thủ tướng Lý Khắc Cường nhiều khả năng sẽ tiếp tục lãnh đạo chính phủ Trung Quốc sau khi được bầu vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng ba phó thủ tướng của ông là Trương Cao Lệ, Lưu Diên Đông và Mã Khải sẽ nghỉ hưu, trong khi Phó thủ tướng Uông Dương sẽ chuyển sang nắm giữ vị trí cao hơn.
Hàn Chính, cựu bí thư thành ủy Thượng Hải, người vừa được bầu vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 19, nhiều khả năng sẽ giữ chức Phó thủ tướng thứ nhất, thay thế ông Trương Cao Lệ, người sẽ nghỉ hưu do quy định về tuổi tác.
Xuất thân là bí thư đoàn tại một nhà máy hóa dầu quốc doanh, ông Hàn dần thăng tiến và trở thành bí thư trẻ nhất Thượng Hải vào năm 2003. Trong thời kỳ này, Thượng Hải trở thành một trong những thương cảng nhộn nhịp nhất thế giới với tham vọng vươn mình thành trung tâm vận tải biển và tài chính toàn cầu.
Được đánh giá là người có có kiến thức sâu rộng về quá trình phát triển kinh tế và thương mại của Trung Quốc cùng lợi thế là bí thư Thượng Hải, ông được bầu vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị quyền lực bậc nhất của Trung Quốc trong Đại hội đảng vừa qua.
Hai vị trí phó thủ tướng còn lại rất có thể sẽ thuộc về hai ủy viên Bộ Chính trị là bà Tôn Xuân Lan và ông Hồ Xuân Hoa. Bà Tôn có thể thay thế Phó thủ tướng về hưu Lưu Diên Đông, trong khi ông Hồ Xuân Hoa sẽ kế nhiệm Phó thủ tướng Uông Dương, người đã được bầu vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Trước khi được bổ nhiệm là Phó thủ tướng phụ trách nông nghiệp, thương mại và quan hệ giao thương với Mỹ, ông Uông Dương từng giữ chức bí thư Quảng Đông trước ông Hồ Xuân Hoa. Trong thời kỳ lãnh đạo tỉnh Quảng Đông, ông Uông nổi tiếng với quan điểm tự do trong cải cách nền kinh tế, trong khi người kế nhiệm ông là Hồ Xuân Hoa lại tỏ ra thận trọng hơn, dù ông này vẫn tiếp tục thực hiện nhiều chính sách kinh tế của người tiền nhiệm.
Ông Hàn Chính (trái) và ông Hồ Xuân Hoa. Ảnh: SCMP.
"Tôi nhận thấy ông Hồ Xuân Hoa sẽ là người ít quyết liệt trong cải cách hơn so với ông Uông Dương", James Zimmerman, chuyên gia về luật quốc tế tại văn phòng Bắc Kinh của hãng luật Sheppard Mullin, cựu chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc, nhận định.
Bà Tôn Xuân Lan là nữ ủy viên duy nhất trong Bộ Chính trị Trung Quốc. Bà từng kinh qua nhiều vị trí công tác ở cơ sở như bí thư thành ủy Đại Liên, Thiên Tân, bí thư tỉnh ủy Phúc Kiến. Tháng 12/2014, bà Tôn được bổ nhiệm làm Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương, thay thế ông Lệnh Kế Hoạch bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Trong nội các mới, vị trí phụ trách về chính sách kinh tế được giới quan sát rất chú ý. Lưu Hạc, cố vấn kinh tế cấp cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhiều khả năng sẽ thay thế vai trò của Phó thủ tướng Mã Khải để phụ trách vấn đề về tài chính, khi ông Tập xây dựng một đội ngũ mới để lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nhiệm kỳ 5 năm tới.
Một số nguồn tin của SCMP cho biết ông Lưu, một trong 25 ủy viên Bộ Chính trị, nhiều khả năng cũng sẽ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo mà ông Mã để lại tại Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính Quốc Vụ viện. Ủy ban này được ông Tập thành lập hồi tháng 11 với nhiệm vụ loại bỏ những nguy cơ có thể gây khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ hệ thống nợ và tín dụng cũng như sự giám sát thị trường lỏng lẻo.
Ông Lưu từng tốt nghiệp trường Harvard danh giá và được coi là "tổng công trình sư" trong sáng kiến "cải cách trọng cung" của ông Tập, một chính sách kinh tế nổi bật nhằm hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc.
Ngoài chủ trương cắt giảm sản lượng, chính sách cải cách trọng cung này còn nhằm đối phó với những khoản nợ ngày càng tăng trong chính quyền các địa phương cùng số nợ xấu tại các ngân hàng thương mại. Khi được bổ nhiệm là phó thủ tướng, ông Lưu sẽ có thể tiếp tục thúc đẩy cuộc cải cách này, dù ông còn thiếu kinh nghiệm quản lý từ cấp cơ sở.
Từ trước tới nay, ông Lưu vẫn là người khá kín tiếng và chỉ giữ vị trí khiêm tốn là trưởng Tiểu ban Chỉ đạo Trung ương về Các vấn đề Kinh tế và Tài chính kiêm phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, trái ngược với ảnh hưởng rất lớn của ông đối với định hướng chính sách kinh tế ở Trung Quốc.
Bà Tôn Xuân Hoa (trái) và ông Lưu Hạc. Ảnh: SCMP.
Nhiều người tin rằng ông Lưu chính là "người có thẩm quyền" đầy bí ẩn đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ nổ ra khủng hoảng tài chính từ các khoản nợ ngày càng lớn được đăng trên một bài báo của tờ People’s Daily năm 2016.
Khi nắm giữ vị trí phó thủ tướng, ông Lưu sẽ bước ra khỏi tấm màn bí mật để đảm nhiệm vai trò tiên phong trong quản lý nền kinh tế, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng việc bổ nhiệm ông Lưu khó có thể mang lại nhiều thay đổi lớn trong chính sách kinh tế của Trung Quốc.
"Tôi cho rằng những người này được chọn không phải vì ý tưởng mới hay tính cách của họ sẽ thay đổi nền kinh tế Trung Quốc, mà vì họ sẽ củng cố định hướng mà nền kinh tế đang đi hiện nay", Christopher Balding, chuyên gia kinh tế tại Trường Kinh doanh HSBC thuộc Đại học Peking, nói.
"Nếu có điều gì thay đổi trong 5 năm qua, đó chính là sự đảo ngược những hoạt động cải cách theo chiều hướng tự do hóa", ông nói thêm.
Zimmerman cũng cho rằng việc lựa chọn ông Lưu cho vị trí phó thủ tướng phụ trách kinh tế cho thấy Trung Quốc sẽ iếp tục thi hành chính sách kinh tế hiện nay. "Việc bổ nhiệm này nhìn chung cho thấy con đường phía trước sẽ ưu tiên tăng trưởng ổn định, bền vững. Chúng ta sẽ không thấy động thái cải cách quyết liệt hay khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài", Zimmerman nói.
Trung Quốc: Những điều ít biết về nữ ủy viên Bộ Chính trị duy nhất Bà Tôn Xuân Lan đã trở thành người phụ nữ duy nhất trong danh sách 25 ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Trung ... |
Trung Quốc nêu tên ba cựu quan chức đảng gian lận bầu cử Ba cựu quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc bị cáo buộc gian lận bầu cử trong Đại hội đảng. |