- Hàn Quốc sẽ tước giấy phép 7.000 bác sĩ đình công
- Hàn Quốc: Thủ đô Seoul kéo dài thời gian hoạt động của các bệnh viện nếu bác sĩ đình công
Hơn một tuần từ khi các bác sĩ Hàn Quốc rời phòng khám xuống đường biểu tình, mâu thuẫn của họ với chính phủ vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Hàng nghìn thực tập sinh y khoa và các bác sĩ nội trú tại Hàn Quốc đình công trong hơn một tuần qua, khiến hoạt động tại các cơ sở y tế ở nước này bị gián đoạn. Bệnh viện phải trì hoãn các ca phẫu thuật, hủy hẹn khám hoặc từ chối bệnh nhân. Cuộc đình công kéo dài có thể gây ra những hậu quả tai hại hơn.
Chuyện gì đã xảy ra?
Tranh chấp bắt đầu vào đầu tháng 2, khi chính phủ Hàn Quốc đề xuất tiếp nhận thêm sinh viên vào các trường y để giải quyết tình trạng thiếu nhân viên y tế kéo dài ở nước này. Những thực tập sinh y khoa và bác sĩ nội trú phản đối chính sách này cho rằng tình trạng thiếu nhân viên y tế không xảy ra trên toàn ngành mà chỉ giới hạn ở các chuyên khoa cụ thể, như chăm sóc cấp cứu. Vì vậy, kế hoạch của chính phủ sẽ không giải quyết được vấn đề, trong khi họ cho rằng mình đang là nạn nhân của một hệ thống với điều kiện làm việc khắc nghiệt và mức lương thấp.
Họ xuống đường biểu tình, đe dọa đình công hoặc bỏ việc.
Các bác sĩ biểu tình bên ngoài Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc. (Ảnh: New York Times)
Các bác sĩ cấp cao nhìn chung ủng hộ đồng nghiệp. Nhưng công chúng Hàn Quốc ủng hộ việc tăng cường đội ngũ bác sĩ, nên chính phủ đã không có động thái nào đáng kể trước những phản ứng nayf. Trong khi đó một số ý kiến cho rằng các cuộc biểu tình chỉ là một chiến thuật để đòi tăng lương.
Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, các thực tập sinh y khoa – bộ phận quan trọng của các bệnh viện lớn – bắt đầu nộp đơn thôi việc vào ngày 19/2. Tính đến cuối tháng 2, gần 10.000 người, tương đương khoảng 10% tổng số bác sĩ trong nước, đã nộp đơn. Nhưng hầu hết những đơn xin thôi việc này đều không được các bệnh viện chấp nhận.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói với các phóng viên: “Không thể biện minh cho hành động tập thể này khi họ coi sức khỏe của người dân là con tin và đe dọa đến tính mạng cũng như sự an toàn của họ”.
Chính phủ Hàn Quốc đưa ra thời hạn để các bác sĩ quay trở lại làm việc, nếu không họ sẽ phải đối mặt với hậu quả pháp lý, bao gồm nguy cơ bị mất giấy phép hành nghề và bị phạt khoản tiền lên tới 30 triệu won (22.000 USD). Còn Bộ Y tế Hàn Quốc đã đệ đơn khiếu nại đối với một số bác sĩ, cáo buộc họ vi phạm luật y tế.
Tính đến sáng 29/2, gần 300 bác sĩ đã trở lại làm việc, nhưng hầu hết vẫn không có dấu hiệu nhượng bộ.
Hôm 4/3, Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết cơ quan này đã bắt đầu tiến hành các thủ tục đình chỉ giấy phép của khoảng 7.000 bác sĩ nội trú không trở lại làm việc.
Tình hình ở các bệnh viện Hàn Quốc
Với tình trạng thiếu nhân lực kéo dài, nhiều bệnh viện đã phải trì hoãn các thủ tục y tế. Một số bệnh nhân phải chuyển từ bệnh viện lớn đến các phòng khám nhỏ hơn. Chính phủ phải tạm thời cho phép các bệnh viện để y tá thay thế bác sĩ khi thích hợp. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện lớn vẫn thiếu nhân lực, khiến người dân bức xúc.
Bệnh viện Đại học quốc gia Seoul.
Vụ việc nhiều phòng cấp cứu từ chối một phụ nữ 80 tuổi mắc ung thư giai đoạn cuối, và cuối cùng bệnh nhân tử vong, được chú ý trong bối cảnh cuộc đình công căng thẳng.
Đối với chính phủ và những người ủng hộ, vụ việc thể hiện tình trạng thiếu bác sĩ có thể gây tử vong cho bệnh nhân - mặc dù một cuộc điều tra đã kết luận rằng cái chết của người phụ nữ này không liên quan đến việc các bác sĩ bỏ đi.
Đối với các bác sĩ, đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy vấn đề về mặt cấu trúc đã khiến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khẩn cấp ở Hàn Quốc trở nên quá tải. Các bác sĩ Hàn Quốc cho biết, hệ thống y tế của nước này cho phép cả bệnh nhân bị thương nhẹ hoặc bị bệnh được điều trị tại phòng cấp cứu, sử dụng các cơ sở vật chất thường dành cho bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch.
Chính phủ đề xuất những gì?
Chính phủ Hàn Quốc cho biết nhu cầu bổ sung bác sĩ ở nước này là rất cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh dân số đang già đi nhanh chóng. Hàn Quốc có trung bình khoảng 2,6 bác sĩ trên 1.000 người, so với mức trung bình 3,7 ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Đầu tháng này, Bộ Y tế Hàn Quốc đề xuất tăng tuyển sinh trường y lên khoảng 5.000 sinh viên mỗi năm, bắt đầu từ năm 2025. Đây sẽ là lần đầu họ tăng chỉ tiêu kể từ năm 2006 và điều này đồng nghĩa với việc Hàn Quốc sẽ có thêm 10.000 bác sĩ trong 10 năm tới. Chính phủ nước này cũng cam kết chi hơn 10 nghìn tỷ won (7,5 tỷ USD) để cải thiện các dịch vụ thiết yếu trên khắp cả nước, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, một đề xuất tương tự của người tiền nhiệm ông Yoon, vào năm 2020, nhằm tăng số lượng bác sĩ cũng đã dẫn đến cuộc đình công kéo dài một tháng, khiến đề xuất này không thể đưa vào thực hiện.
Các bác sĩ và nhân viên y tế nói gì?
Các thực tập sinh y khoa và bác sĩ nội trú đã lên tiếng về nhiều vấn đề trong hệ thống y tế. Dù một số bác sĩ có uy tín ở Hàn Quốc được trả lương cao, các bác sĩ đang được đào tạo nói rằng họ phải làm việc nhiều giờ với mức lương thấp dù họ là lực lượng chính trong hệ thống y tế đất nước. Theo cộng đồng y tế, các thực tập sinh y khoa và bác sĩ nội trú kiếm được khoảng 3.000 USD mỗi tháng, thường làm việc hơn 80 giờ một tuần. Ở một số bệnh viện lớn, các bác sĩ trẻ thường chiếm từ một phần ba lực lượng trở lên và thường là những người chăm sóc gần bệnh nhân nhất.
Họ nói rằng chính phủ đã bỏ qua các vấn đề về cơ cấu khiến một số chuyên ngành như phẫu thuật thẩm mỹ và da liễu sinh lợi nhiều hơn các dịch vụ quan trọng khác như cấp cứu và nhi khoa. Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc và Hiệp hội Thực tập sinh và Bác sĩ Nội trú Hàn Quốc, hai trong số các nhóm bác sĩ lớn nhất nước này, yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn cho các bác sĩ trẻ làm trong các bộ phận thiết yếu, trả lương công bằng hơn cho tất cả các chuyên ngành và ngừng mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh trường y.
Joo Soo-ho, phát ngôn viên của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, cho biết: “Trong điều kiện hiện tại, các bác sĩ không thể chăm sóc bệnh nhân với tinh thần trách nhiệm”.
Yếu tố chính trị?
Theo các cuộc khảo sát, bộ phận đông đảo người dân Hàn Quốc ủng hộ kế hoạch tăng số lượng sinh viên y khoa. Ví dụ, trong một khảo sát, có tới 76% số người được hỏi ủng hộ kế hoạch của chính phủ.
Đề xuất tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y là một phần trong kế hoạch chính sách chăm sóc sức khỏe mà Tổng thống Yoon công bố vài tháng trước cuộc bầu cử quốc hội. Tỷ lệ ủng hộ của ông đã tăng lên khi ông giữ quan điểm trước các bác sĩ.