Các tập đoàn tài phiệt vươn lên từ sự trỗi dậy của đất nước và nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ qua nhiều thế hệ trong gia tộc.
Trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế Hàn Quốc bị thống trị bởi một số tập đoàn do gia đình điều hành. Những tập đoàn này nắm giữ khối tài sản khổng lồ và có tầm ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống ở đất nước này.
Chaebol – từ để gọi chung những tập đoàn gia đình này, từ lâu đã trở thành vấn đề được công chúng hết sức quan tâm. Các gia đình chaebol hư cấu đã được khắc họa trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc. Gia tộc Lee của Samsung, gia tộc Koos của LG, gia tộc Cheys của SK, gia tộc Shins của Lotte và gia tộc Chungs của Hyundai là những cái tên quen thuộc và nắm giữ quyền lực của những nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất nước này.
Điều hành các công ty lớn nhất Hàn Quốc qua nhiều thế hệ
Hệ thống chaebol là di sản lịch sử của Hàn Quốc. Sau khi hiệp định đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953, chính quyền đã chỉ định những khoản vay đặc biệt và hỗ trợ tài chính cho một số gia đình để tái thiết kinh tế. Các công ty này mở rộng nhanh chóng và hoạt động kinh doanh trải dài ở nhiều ngành cho đến khi trở thành những tập đoàn lớn mạnh như hiện tại.
Ngay cả khi các công ty này phát triển về quy mô, sự giàu có và tầm ảnh hưởng cũng như chào bán cổ phiếu, chúng vẫn chịu sự kiểm soát của gia tộc – thường được điều hành bởi một chủ tịch đồng thời là người đứng đầu trong gia đình.
Những thay đổi về lãnh đạo qua từng thế hệ đôi khi khiến các gia đình chaebol bất ổn, buộc các công ty phải tách ra thành các nhóm nhỏ hơn.
Hơn hai thập kỷ trước, trong một cuộc tranh giành quyền lực trong gia đình, Hyundai đã bị chia rẽ giữa sáu người con trai của người sáng lập. Người con trai cả nắm quyền kiểm soát Hyundai Motor – hiện là một trong những công ty lớn nhất Hàn Quốc.
Chiếm một phần lớn trong nền kinh tế Hàn Quốc
Sự trỗi dậy nhanh chóng của Hàn Quốc, từ một nước nghèo đói sau chiến tranh trở thành nền kinh tế phát triển thần tốc trong vài thập kỷ gắn liền với sự lớn mạnh của các chaebol. Những thành công ban đầu của họ đã thúc đẩy tiền lương, mức sống, và cả xuất khẩu của đất nước.
Tổng doanh thu của 5 tập đoàn lớn nhất nước luôn chiếm hơn một nửa GDP của Hàn Quốc trong 15 năm qua, đạt mức 70% vào năm 2012, theo cuốn sách “Cộng hòa Chaebol” của nhà kinh tế học Park Sang-in. Hoạt động kinh doanh của các chaebol cũng đi sâu vào cuộc sống của người Hàn Quốc – từ bệnh viện đến bảo hiểm nhân thọ, chung cư, thẻ tín dụng, bán lẻ, thực phẩm, giải trí, truyền thông và đồ điện tử.
Có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo giới chính trị
Sự bảo trợ từ các lãnh đạo trong giới chính trị là rất quan trọng đối với sự phát triển của các chaebol thành các tập đoàn công nghiệp, đặc biệt là dưới chế độ của Tổng thống Park Chung-hee.
Đối với Tổng thống Park, chaebol là một phần giúp thực hiện tham vọng đưa Hàn Quốc trở thành một đất nước công nghiệp và giàu có của mình. Để đạt được mục tiêu đó, chính phủ của ông Park đã cấp vốn cho các công ty hợp tác trong chương trình nghị sự của ông, bảo vệ họ khỏi sự cạnh tranh và miễn cho họ trách nhiệm giải trình trước công chúng.
Trong khi mối quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp đã phần nào suy giảm trong những thập kỷ gần đây, các lãnh đạo giới chính trị vẫn thường xuyên tìm đến các chaebol để được hỗ trợ hoặc tư vấn. Các chaebol được coi là vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế và không thể bị phá vỡ, thậm chí là không thể bị bỏ tù.
Một trong những vụ bê bối chính trị lớn nhất của Hàn Quốc trong những năm gần đây đã chứng tỏ mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhà lãnh đạo chính trị và các tập đoàn kinh tế do gia đình điều hành.
Tuy nhiên, các chaebol vẫn là phần quan trọng trong nền kinh tế Hàn Quốc. Mùa hè vừa rồi, hàng loạt lãnh đạo chaebol đã tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong chuyến công du châu Âu nhằm thúc đẩy nỗ lực của Hàn Quốc đăng cai World Expo. Họ cũng tháp tùng người đứng đầu Hàn Quốc trong chuyến thăm Hoa Kỳ để gặp Tổng thống Biden và cũng là một trong số khách mời trong bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước tại Nhà Trắng.