Chỉ mất khoảng một phút để đi bộ từ bến xe buýt về nhà, nhưng Tajae Redden vẫn nơm nớp lo sợ vì đang ở một mình.
Tajae cảnh giác với mọi chiếc xe đi ngang qua để đảm bảo an toàn cho bản thân. Gia đình cô bé 13 tuổi này sống ở phía bắc thành phố St. Louis, bang Missouri, Mỹ, nơi nhiều người đôi lúc mang súng ra bắn để "giải sầu" sau một ngày tồi tệ. "Mọi người không cần mất nhiều thời gian để rút súng ra và nã đạn mà không cần lý do rõ ràng nào. Nơi này là như thế", Tajae cho biết.
St. Louis có tỷ lệ giết người cao nhất trong số các thành phố ở Mỹ kể từ năm 2014, với 66,1 vụ/100 người. Chỉ riêng mùa hè năm nay, 13 đứa trẻ đã thiệt mạng vì trúng đạn. Dù ở trong nhà hay ngay cạnh gia đình, lũ trẻ cũng không đảm bảo được an toàn.
Jurnee Thompson, 8 tuổi, bị giết tại bãi đỗ xe trong một buổi tụ tập xem bóng đá, khi các anh chị em của cô bé có mặt ngay gần đó. Kennedi Powell, ba tuổi, trúng đạn trong lúc đang chơi với bạn bè trong khu dân cư. Eddie Hill, 10 tuổi, cũng qua đời khi ngồi trước hiên cùng gia đình.
Không khó để sở hữu một khẩu súng ở St. Louis. Bang Missouri là một trong những nơi có luật súng đạn thoải mái nhất trên cả nước Mỹ. Người dân không cần giấy phép để mua súng và có thể công khai mang theo vũ khí.
Thành phố St. Louis còn bị chia rẽ nặng nề về chủng tộc và tầng lớp. Một số đứa trẻ được sống trong những khu phố an toàn hơn. Các khu dân cư giá cao hơn có số vụ giết người thấp hơn đáng kể. Tuy nhiên, những đứa trẻ không có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra và địa điểm cư trú của gia đình. Thay vào đó, các em phải học cách thích nghi.
Tajae Redden (phải) cùng hai cháu trai của mình tại thành phố St. Louis, bang Missouri, Mỹ. Ảnh: Guardian. |
Có nhiều điều khiến Tajae lo lắng trong khu phố của mình, như những lúc trên phố đông người hoặc khi những chiếc xe lướt qua. Bạo lực súng đạn có thể xảy ra mọi lúc với bất cứ ai, bao gồm cả trẻ nhỏ.
Chante Bass, mẹ của Tajae, tới đứng tại bến xe buýt gần nhà vào hầu hết mọi ngày trong tuần, bất cứ khi nào bà có cơ hội. Bà muốn đảm bảo an toàn cho những đứa trẻ lên xuống xe buýt và không bỏ đi cho tới khi đứa trẻ cuối cùng về nhà.
Bass là điều phối viên của Neighborhood Net, chương trình gồm hàng chục tình nguyện viên đứng tại các bến xe buýt trên toàn thành phố để đảm bảo những đứa trẻ rời khỏi nhà và trở về an toàn mỗi ngày. Chương trình do tổ chức phi lợi nhuận Better Family Life điều hành, được thành lập nhằm đối phó với tình trạng số trẻ em trở thành nạn nhân của bạo lực súng đạn ngày càng tăng. "Với sự có mặt của người lớn, mọi người sẽ kiềm chế những hành động gây hại cho trẻ em", Bass cho biết.
Tajae nắm vững những quy tắc vui chơi ngoài trời. Trò đuổi bắt xung quanh nhà sẽ an toàn nếu bà Bass cũng ở ngoài, hoặc có mặt tại một số điểm nhất định trong nhà. Cô bé có thể chơi trong sân sau khi mẹ mình ở trong phòng ngủ tầng trên. Còn nếu bà đang ở tầng trệt, Tajae có thể chơi ở hai bên hông ngôi nhà. Camera an ninh cũng được lắp đặt cả trước và sau nhà.
Bass cho biết bà cố dành thời gian ở nhà nhiều nhất có thể để tạo điều kiện cho các con vui chơi ngoài trời. Cách nhà bà chỉ một phút lái xe là công viên với sân chơi, sân bóng rổ và bóng chày, nhưng nơi đây tập trung nhiều người nghiện ma túy và gái mại dâm. Bà chọn phương án đưa các con tới công viên cách nhà 20 phút, nhưng rộng và an toàn hơn.
Thành phố St. Louis hoàn toàn khác biệt so với Houston, bang Texas, nơi Tajae cư trú từ năm 6 tuổi đến khi gia đình em trở về St. Louis hồi năm 2017. Cô bé 13 tuổi nhớ khoảng thời gian được vui chơi thoải mái cùng bạn bè bên ngoài, không cần người lớn giám sát và luôn cảm thấy an toàn.
Những tiếng súng hồi lễ Phục sinh năm nay vẫn đọng lại trong ký ức của Tajae. Một phụ nữ lái xe ngang qua và nổ súng, nhưng bà Bass không biết chúng phát ra từ đâu nên đã kéo cả gia đình vào trong nhà và yêu cầu mọi người nằm lên sàn. "Cháu cảm thấy sợ hãi. Ở Texas mọi người không phải lo lắng chạy vào nhà và nằm lên sàn bởi có ai đó đang nổ súng", Tajae nói.
Bà Chante Bass (trái) cùng hai con Taron (giữa) và Tajae tại sân nhà của họ ở thành phố St. Louis, bang Missouri, Mỹ. Ảnh: Guardian. |
Tajae cũng khó chịu với những câu chuyện đùa về súng đạn khi đi học. Một số bạn cùng lớp của Tajae dường như không quá bất ngờ với mức độ phổ biến của vũ khí trong thành phố. "Các bạn cười đùa về chuyện đó, nhưng nó không hài hước", cô bé nói.
Tajae nhớ lại một chuyến xe buýt từ trường về nhà vào buổi chiều nọ. Khi xe dừng tại một bến, cô bé thấy có người giơ súng, nhưng tài xế nói không nhìn thấy, trong khi học sinh trên xe hành động như thể mọi thứ đều bình thường. "Họ không để cháu gọi điện cho mẹ nên cháu bắt đầu khóc. Mọi người có lẽ nghĩ cháu là đứa mít ướt", Tajae kể lại.
Taron, em trai 7 tuổi và Damontez, cháu trai 9 tuổi của Tajae đều có mặt trên xe buýt lúc đó. "Cháu không biết liệu mình có bị giết hay không. Cháu không muốn chết, nên đã hoảng loạn và run rẩy. Cháu cũng không muốn nhìn thấy người thân của mình ra đi", cô bé cho biết.
Môi trường căng thẳng được cho là có thể gây tổn hại nghiêm trọng đối với sức khỏe tâm thần và sự phát triển não bộ của trẻ em, dẫn tới ảnh hưởng đến khả năng suy luận, điều chỉnh cảm xúc và đồng cảm. "Điều này có thể còn độc hại hơn nước nhiễm chì", giáo sư Joan Luby tại Đại học Washington, thành phố St. Louis, nhận định.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có một số cách để ngăn chặn sự tổn hại, ngay cả trong môi trường căng thẳng. Nếu đứa trẻ nhận được hỗ trợ từ một người chăm sóc ân cần và tình cảm, tác hại của sự căng thẳng có thể đảo ngược.
"Nếu tôi được lựa chọn, tôi sẽ không sống tại đây. Nhưng căn nhà này đủ rộng với chúng tôi và thuộc quyền sở hữu của gia đình, giúp chúng tôi không phải trả tiền nhà", bà Bass nêu lý do sống tại St. Louis. Bên cạnh đó, bà còn được ở gần những người con khác của mình cũng như những đứa cháu, điều mà Tajae cũng trân trọng bởi Houston cách St. Louis tới 12 giờ lái xe.
Bà Bass luôn chú trọng việc giáo dục các con về những giá trị, nhắc nhở rằng mỗi người không nhất thiết phải trở thành "sản phẩm" của môi trường xung quanh.
"Các con tôi không được sống an toàn như những đứa trẻ khác. Điều đó không công bằng. Tuy nhiên, chúng biết rằng hoàn cảnh không quyết định con người của chúng", bà nói.
Ánh Ngọc (Theo Guardian)