Đơn vị tuyển dụng yêu cầu cao về chuyên môn, kỹ năng làm việc nhưng nhiều ứng viên thiếu kiến thức, yếu ngoại ngữ, doanh nghiệp phải đào tạo lại.
Nghịch lý của thị trường lao động
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong quý II/2018, số lao động thất nghiệp ở trình độ đại học khoảng 126.000 người, mặc dù trên thực tế, thị trường lao động đã và vẫn có nhu cầu sử dụng nhóm lao động này. Cổng thông tin điện tử của Bộ ghi nhận có 171.000 vị trí tuyển dụng mới, tăng 24.900 (14,7%) so với quý I/2018.
Vì sao có nghịch lý này? Tại diễn đàn khoa học "Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia nhấn mạnh, lao động trong nền kinh tế nước ta chỉ "vàng" về số lượng chứ chưa có chất lượng cao. Bởi nhiều lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, chủ yếu là lao động kỹ năng thấp, giá rẻ.
Báo cáo thị trường quý II/2018 của ManpowerGroup thống kê, với lực lượng lao động gần 56 triệu người, chỉ 11% có kỹ năng tay nghề cao. Thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã giải phóng sức lao động của con người. Công việc nặng nhọc dần chuyển giao cho máy móc nên nhu cầu tuyển dụng hiện thiên về tư duy trí tuệ, chuyên môn kỹ thuật cao hơn. Vì vậy, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn tìm kiếm nhân tài.
Một nguyên nhân khác, theo bà Manuela Spiga, Giám đốc khu vực mảng hướng nghiệp và quan hệ doanh nghiệp Đại học RMIT Việt Nam, công tác dự báo cung - cầu lao động còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên chưa thực sự chính xác. Một bộ phận thiếu kiến thức, kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc, tìm việc. Phần lớn cử nhân sau tốt nghiệp cần được đào tạo lại mới có thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Làm việc nhóm là một trong những kỹ năng tối quan trọng để thành công trong công việc.
Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện một công ty chuyên về vận tải hàng hóa logistic ở Hà Nội chia sẻ, nhiều ứng viên muốn làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nhưng lại mù mờ về địa lý, không thể kể tên một số cảng biển ở Việt Nam, nhầm lẫn quốc gia ở châu Á sang tận châu Mỹ. Việc không biết đến những khái niệm phổ biến như thuế giá trị gia tăng, thuế doanh nghiệp, cách soạn thảo văn bản, diễn đạt lủng củng, sai ngữ pháp... cũng không hiếm gặp ở các nhân sự trẻ.
Một số doanh nghiệp đau đầu khi không tuyển được ứng viên đủ trình độ theo yêu cầu. Chẳng hạn, trong đợt tuyển dụng kỹ sư ở một công ty chuyên về công nghệ tại TP HCM, qua đánh giá tiêu chuẩn chỉ có 4,5% sinh viên vượt qua bài kiểm tra, trong số đó chỉ có 2% đủ trình độ tiếng Anh.
Báo cáo của ManpowerGroup nhìn nhận, trong tương lai, các kỹ năng cần thiết cho cả ứng viên lẫn doanh nghiệp là: kỹ năng mềm, chuyên môn và hiểu biết về số hóa.
Hiểu biết về kỹ năng số hóa góp phần tạo thành công cho cá nhân và doanh nghiệp trong tương lai.
Xây dựng chiến lược đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường
Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng yêu cầu kỹ năng đa dạng, bà Manuela Spiga cho rằng, các đại học - nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội - cần xây dựng chương trình dạy phù hợp.
Lấy ví dụ tại Singapore, Đại học Công nghệ Nanyang và Đại học Quốc gia Singapore đã trở thành những ngôi trường hàng đầu thông qua việc kết hợp với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để tạo thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP HCM, đã qua rồi thời kỳ đại học chỉ đào tạo cái trường có, mà hiện phải chuyển hướng sang đào tạo cái thị trường cần.
Lãnh đạo một đại học tại Hà Nội cũng nhận định nếu không muốn sinh viên thất nghiệp, các trường phải có tầm nhìn trong việc dự đoán nhu cầu của thị trường lao động, từ đó xây dựng được chiến lược phát triển đào tạo riêng và người học cũng có sự lựa chọn phù hợp nhất.
Sinh viên RMIT thường xuyên được kết nối trực tiếp với doanh nghiệp thông qua sự kiện ngày hội việc làm.
Với chiến lược giúp viên sẵn sàng cho cuộc sống và công việc, RMIT - đại học quốc tế đầu tiên thành lập tại Việt Nam năm 2001 liên tục cập nhật kiến thức, giúp sinh viên tiếp cận sát với thực tế thị trường lao động. Giáo trình có nhiều môn kỹ năng mềm, giúp cử nhân sau tốt nghiệp có thể đáp ứng điều kiện doanh nghiệp mà không cần đào tạo lại.
Trong quá trình học, sinh viên được tham gia các khóa Hoàn thiện kỹ năng cá nhân (Personal Edge). Đây là chương trình miễn phí với các kỹ năng mềm cần có từ nhà tuyển dụng, gồm: tư duy sáng tạo, giao tiếp tự tin, làm việc trong môi trường đa văn hóa, lãnh đạo có nhân cách, sử dụng công nghệ số và hoạch định sự nghiệp. Mỗi bộ kỹ năng được dạy thông qua các lớp học chuyên đề, hội thảo do các nhà lãnh đạo đầu ngành, giảng viên và cựu sinh viên hướng dẫn.
"Trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, sinh viên nếu có thể sớm phát triển các kỹ năng mềm và không ngừng rèn luyện sẽ dễ đạt thành công dù ở vị trí nhân viên, doanh nhân hay chuyên gia", bà Manuela Spiga khẳng định.