- Quốc hội Nga ấn định ngày chính thức bầu cử tổng thống
- Bầu cử Hạ viện và cuộc khủng hoảng trong lòng nước Mỹ
Năm 2024 sẽ chứng kiến con số kỷ lục với 57 quốc gia, đại diện cho hơn 50% dân số thế giới và GDP toàn cầu, tổ chức các cuộc bầu cử. Các kết quả sẽ giúp xác định ai sẽ là người lãnh đạo thế giới, sẽ tạo ra những thay đổi gì trong cục diện, trật tự thế giới hiện nay. Trong đó, có 9 cuộc bầu cử đáng chú ý nhất.
Mỹ: Cuộc tái đấu của hai ông Biden - Trump?
Vào ngày 5/11/2024, hàng chục triệu người Mỹ sẽ bầu ra tổng thống thứ 60 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ trong cuộc tranh cử có thể giúp ông Joe Biden đương nhiệm nắm quyền đến năm 86 tuổi. Hết cuộc thăm dò này đến cuộc thăm dò khác cho thấy đa số cử tri cho rằng ông Biden đã quá già để có thể tiếp tục làm tổng thống, bất chấp đối thủ tiềm năng của ông, cựu Tổng thống Donald Trump cũng đã ở tuổi 77.
Thông tin sai lệch có vẻ là một đặc điểm của chiến dịch tranh cử ở Mỹ, tàn dư của cuộc tranh cử căng thẳng gần đây nhất, kết thúc bằng việc những người ủng hộ ông Trump xông vào Điện Capitol để cố gắng ngăn chặn Quốc hội nước này chứng nhận chiến thắng của ông Biden.
Tương tự như hai cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trước đây vào năm 2016 và 2020, cuộc bầu cử năm 2024 sắp tới dự kiến sẽ xảy ra những rủi ro đáng kể trên mạng và trong thế giới thực. Tình trạng bất ổn ngày 6/1/2021 tại Điện Capitol càng nhấn mạnh thêm khả năng những tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm sẽ dẫn đến bạo lực, đặc biệt khi những câu chuyện đó được khuếch đại bởi những nhân vật nổi bật. Còn chưa đầy một năm nữa là đến cuộc bầu cử, những tường thuật sai sự thật được thiết kế nhằm làm suy yếu niềm tin vào quá trình bầu cử và gieo rắc sự nghi ngờ vào hệ thống chính trị Mỹ đã lan truyền trên mạng. Những kẻ cực đoan dự kiến sẽ tăng cường nỗ lực huy động xung quanh các vấn đề văn hóa nóng bỏng như chủng tộc, nhập cư và quyền của người đồng giới.
Hiện tại, ông Trump tham gia cuộc đấu sơ bộ để tranh suất đề cử của đảng Cộng hòa với tư cách được yêu thích nhất, bất chấp nhiều phiên tòa hình sự đang chờ đợi ông. Nhiều khả năng cuộc bầu cử năm tới sẽ là màn tái đấu giữa hai ông Joe Biden và Donald Trump. Nhưng, lần này, chưa biết ai sẽ là người chiến thắng. Có chuyên gia đã mạnh dạn dự đoán ông Trump sẽ giành chiến thắng để quay trở lại làm Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2. Khi đó cục diện đối đầu giữa phương Tây và Nga, giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ có sự thay đổi đáng kể.
Anh: Thử thách dành cho ông Sunak
Thời gian của cuộc bầu cử Quốc hội ở Vương quốc Anh vẫn chưa được ấn định, nhưng sẽ phải được tổ chức không muộn hơn tháng 1/2025 hoặc có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng 12/2024. Cuộc thăm dò cho thấy đảng Bảo thủ cầm quyền, vốn là đảng cầm quyền chính ở Vương quốc Anh kể từ năm 2010, đang trên đà mất quyền lực vào tay Công đảng trong bối cảnh bất mãn về cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và những bất bình khác.
Ông Rishi Sunak đang cố gắng ngăn chặn một cuộc nổi loạn lớn giữa các nghị sĩ cánh hữu của đảng Bảo thủ về dự luật trục xuất người di cư sang Rwanda của ông trước một cuộc bỏ phiếu quan trọng. Ông đã gặp những người nổi dậy tiềm năng trong một bữa ăn sáng tại số 10 phố Downing vào cuối tháng 11 để có cuộc đàm phán kéo dài 11 giờ, khi ông cố gắng thuyết phục họ ủng hộ đạo luật. Một số nghị sĩ cánh hữu đã lập luận rằng, cần phải có luật cứng rắn hơn để đảm bảo kế hoạch này hoạt động. Một chuyên gia bầu cử đã cảnh báo đảng Bảo thủ có thể phải đối mặt với kết quả tồi tệ nhất từ trước đến nay tại cuộc bầu cử sắp tới và có thể chỉ còn lại 130 ghế.
Nga: Ông Putin sẽ tái tranh cử
Ông Vladimir Putin là nhà lãnh đạo của Nga trong 23 năm qua. Vào năm 2020, Nga đã sửa đổi hiến pháp để cho phép về mặt lý thuyết, ông có thể nắm quyền đến năm 2036.
Rất ít ai có khả năng cản đường ông Putin để đảm bảo có thêm 6 năm nữa trong cuộc bầu cử vào tháng 3/2024. Trong một tuyên bố mới đây trên báo chí, Tổng thống Putin cho biết ông muốn tiếp tục lãnh đạo nước Nga thêm một thời gian nữa. Vì thế, chắc chắn ông sẽ ra tranh cử, nhưng với tư cách là ứng cử viên độc lập, không đại diện cho đảng phái nào.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov dự đoán nếu Tổng thống Putin ra tranh cử, ông sẽ giành được hơn 90% phiếu bầu vào năm 2024. Nếu ông Putin tái đắc cử, cục diện cuộc chiến Ukraine sẽ tiếp diễn theo chiều hướng như hiện nay và nước Nga sẽ tiếp tục là một “cực” đối trọng với phương Tây trong cuộc đấu tranh địa chính trị dai dẳng không có hồi kết.
Ấn Độ: Cuộc chơi quyền lực của ông Narendra Modi
Một trong những cuộc bầu cử quốc gia quan trọng nhất vào năm 2024 sẽ diễn ra ở Ấn Độ. Người Ấn Độ sẽ đi bỏ phiếu vào mùa hè và Thủ tướng Narendra Modi cùng đảng BJP theo chủ nghĩa dân tộc của ông đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba. Sự nghiệp chính trị và thành công của ông Modi dựa trên sự ủng hộ từ hơn 1 tỷ người theo đạo Hindu ở Ấn Độ và theo các nhà phê bình, điều này đã gây ra sự thù địch đối với cộng đồng thiểu số Hồi giáo lớn ở đất nước này.
Ông Modi sẽ tham gia bỏ phiếu với tư cách là người được ủng hộ rõ ràng, với những người ủng hộ ghi nhận ông là người đã nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Vào tháng 8, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư đưa tàu không người lái lên Mặt trăng sau Nga, Mỹ và Trung Quốc, đồng thời có kế hoạch đưa người lên Mặt trăng vào năm 2040.
Mexico: Sẽ có nữ Tổng thống đầu tiên?
Lần đầu tiên trong lịch sử Mexico, nước này sẵn sàng có nữ tổng thống vào năm 2024 sau khi từng ứng viên hàng đầu được đề cử. Các yếu tố như quyết định gây tranh cãi gần đây của Mexico về việc cải tổ cơ quan giám sát bầu cử được ca ngợi rộng rãi của đất nước. Viện Bầu cử quốc gia đã tạo thêm yếu tố mới về sự không chắc chắn cho một cuộc bỏ phiếu có khả năng bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch và bạo lực cả trong thế giới thực và trực tuyến.
Cuộc bầu cử vào năm tới sẽ là màn đối đầu giữa hai phụ nữ: Một cựu Thị trưởng thủ đô Mexico City theo cánh tả và một nữ doanh nhân có nguồn gốc bản địa. Cựu Thị trưởng thành phố Mexico Claudia Sheinbaum đang tranh cử thay mặt cho đảng Morena của Tổng thống sắp mãn nhiệm Andres Manuel Lopez Obrador. Đối thủ của bà là bà Xochitl Galvez đã được chọn để đại diện cho liên minh đối lập Mặt trận rộng rãi vì Mexico (Broad Front for Mexico). Cả hai người đang cạnh tranh để làm nên lịch sử ở Mexico trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 6/2024.
EU: Thử thách của chủ nghĩa dân túy
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2024 sẽ dẫn đến những thay đổi cả về quy mô và thành phần do có thêm 15 thành viên mới của Nghị viện châu Âu (MEP). Các cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra trong bối cảnh có sự chia rẽ nội bộ về vấn đề di cư và Ukraine, ảnh hưởng ngày càng tăng của phe cực hữu ở châu Âu và các quy định chặt chẽ hơn về nội dung có hại và gây hiểu lầm trên mạng.
Ukraine: Bầu cử trong thiết quân luật
Cuộc bầu cử năm 2024 của Ukraine không chắc chắn, do thiết quân luật cấm bầu cử trong thời gian chiến tranh. Trong bối cảnh khó khăn đó, một cuộc bỏ phiếu đóng vai trò như một hành động nhằm giải tỏa căng thẳng nội bộ và những bất mãn của người dân.
Cuộc bầu cử nếu diễn ra sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, không chỉ đến từ hoạt động quân sự của Nga mà còn phải đối mặt với tình trạng “chiến tranh trên không gian mạng”, trong đó các tác nhân Nga được cho là sẽ can thiệp vào cuộc bỏ phiếu như một “sản phẩm phụ” của cuộc xung đột đang diễn ra giữa Kiev và Moscow. Các đảng chính trị và công ty PR ở Ukraine cũng được biết là sử dụng các trang trại bot, những kẻ lừa đảo và người viết blog để truyền bá thông tin sai lệch về các đối thủ.
Iran: Sẽ không có sự thay đổi đáng kể
Các tác động địa chính trị và kinh tế của rất nhiều cuộc chiến thùng phiếu, xảy ra ít nhiều cùng một lúc, có thể kết hợp lại để gây bất ổn hơn nữa cho một thế giới bất ổn. Phương Tây đang mong ngóng một cuộc “nổi dậy” khác bằng lá phiếu bầu cử, theo đó các cử tri sẽ loại bỏ những giáo sĩ bảo thủ của Iran trong các cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 3/2024. Hơn 25% ứng cử viên đối lập đã bị loại. Nhiều người Iran dự kiến sẽ tẩy chay cuộc bỏ phiếu.
Tuy nhiên, cho dù ứng cử viên nào giành chiến thắng, cục diện chính trị ở Iran cũng sẽ khó có sự thay đổi đáng kể nào, bởi quyền hành tối cao ở Iran vẫn luôn nằm trong tay đại giáo chủ.
Nam Phi: Mọi bất ngờ đang chờ ở phía trước
Một viễn cảnh gây chấn động khác là cuộc tổng tuyển cử ở Nam Phi. Lần đầu tiên kể từ khi ông Nelson Mandela đưa đất nước Nam Phi đi đến tự do và kỷ nguyên phân biệt chủng tộc kết thúc cách đây 30 năm (năm 1994), đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) có thể mất đa số và bị những đối thủ như Liên minh Dân chủ lấy phiếu.
Điều lạ lùng là ANC có thể liên minh với những người đấu tranh cho tự do kinh tế cánh tả để tiếp tục nắm lấy quyền lực. Nhưng, đảng này có vẻ sẽ bị cử tri trừng phạt vì tham nhũng, bê bối lãnh đạo, tỷ lệ tội phạm, thất nghiệp cao và tình trạng cắt điện hằng ngày lên đến 6 giờ đã trở thành thông lệ. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp có thể định đoạt số phận của ANC.