Những ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh tài chính công

Viễn cảnh tài chính công được các ý kiến phát biểu tại Diễn đàn cho thấy “căng thẳng và nguy hiểm” nhiều hơn sự cải thiện cho dù chính sách đã đủ cả và đều đúng cả nhưng thực hiện thật là khó khăn.

Tài chính công và rủi ro thách thức

Tài chính công là tổng thể các hoạt động thu, chi của Nhà nước, phản ánh hệ thống các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ công nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước và đáp ứng các nhu cầu, lợi ích chung của toàn xã hội. Do vậy, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2017 đã chọn chủ đề “Cải cách tài chính công hướng đến phát triển bền vững”.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, bên cạnh những thành tựu đạt được, thời gian qua nền tài chính công cũng đối mặt với một số thách thức, rủi ro:

Thứ nhất, quy mô thu ngân sách so với GDP giảm nhanh chỉ còn 23,6 % GDP (giai đoạn 2006-2010 là 26,3% GDP), cơ cấu thu chưa hợp lý (thu từ thuế, phí là 22,6% GDP).

Thứ hai, nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng, vượt khả năng cân đối nguồn lực, dẫn đến bội chi cao, tích lũy ngân sách cho đầu tư phát triển thấp. Chi thường xuyên tăng cao, chi đầu tư phát triển giảm.

Thứ ba, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ; nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước ngân sách còn lớn; việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập, đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả.

Trong khi đó, mở cửa, hội nhập sâu rộng với môi trường cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi công cụ tài chính – ngân sách phải đủ mạnh để thực hiện hiệu quả vai trò định hướng, điều tiết, phân phối và hỗ trợ nền kinh tế...

Diễn đàn nhận định từ nay đến năm 2020, ngân sách Nhà nước sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức: Tăng trưởng kinh tế còn khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu, trong khi áp lực tăng chi ngân sách vẫn có xu hướng tăng, nhất là đối với yêu cầu chi cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chi cho đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo. Vì thế bội chi ngân sách và nợ công tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tài chính công.

Hạn chế chi khi không xác định được nguồn thu

TS Vũ Đình Ánh - Viện Kinh tế tài chính cho rằng, tuy có được quan tâm nhiều hơn và đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng tốt độ nâng cao hiệu quả chi ngân sách còn chậm. Tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong chi đầu tư phát triển vẫn hiện hữu. Không ít dự án đầu tư chậm tiến độ, đội vốn hàng chục phần trăm, thậm chí vài trăm phần trăm so với dự toán ban đầu đã khiến chi ngân sách gặp khó khăn.

10 năm qua quy mô thu ngân sách sụt giảm nhưng chi ngân sách vẫn tăng cao gây áp lực lớn đến cân đối ngân sách khiến bội chi tăng cao và kéo dài. Và, theo ông Trương Bá Tuấn - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cơ cấu thu chưa bền vững (còn phụ thuộc vào khoản thu không tái tạo như thu từ quyền sử dụng đất, thoái vốn nhà nước, thu từ tài nguyên). Sự giảm dần về quy mô thu đã đặt ra thách thức trong duy trì cân đối ngân sách đã khiến cho chi cho đầu tư phát triển trong 5 năm qua có xu hướng giảm.

“Nếu vẫn kéo dài thế này, ngân sách sẽ không đảm đương được”, ông Aaron Batten – Kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới phát biểu.

Viễn cảnh tài chính công mà các chuyên gia dựng lên cho thấy mảng “căng thẳng và nguy hiểm” nhiều hơn sự cải thiện. Hàng loạt các khuyến nghị giải pháp được đưa ra nhưng các chuyên gia đều cho rằng “không có gì mới”. Bởi như PGS.TS.Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu: “chính sách đã đủ cả, và đều đúng cả nhưng thực hiện thật là khó khăn”.

Còn TSKH Nguyễn Quang Thái thì chốt lại, “Khiếm khuyết lớn nhất của hệ thống tài chính công là vấn đề kỷ luật ngân sách không nghiêm và vẫn tăng chi và chi thường xuyên nhiều như hiện nay an ninh tài chính còn nguy”. Các chuyên gia cùng đồng thuận: Để bảo đảm an nình tài chính bền vững chỉ cần một giải pháp: cơ cấu lại chi ngân sách, nâng cao hiệu quả chi đầu tư, giảm chi thường xuyên. Giảm chi không chỉ ở tiết kiệm tiết giảm mà phải là cắt giảm bộ máy, nhưng điều này một Bộ Tài chính không làm nổi mà đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải kiên quyết làm.

Diễn đàn tài chính 2017 do Bộ Tài chính tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Đây sẽ là diễn đàn thường niên nhằm huy động trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách về tài chính - NSNN phục vụ cho tăng trưởng và phát triển bền vững.

/ Theo Thời báo Ngân hàng