NHNN chỉ bán được 3.400 lượng vàng trong phiên đấu thầu: Chưa đủ để bình ổn giá

Trong phiên đấu thầu vàng sáng 23/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán được 3.400 lượng trong tổng số 16.800 lượng vàng miếng SJC tung ra.

Nhận định về kết quả này, các chuyên gia cho rằng, 3.400 lượng vàng đấu thầu thành công chưa đủ để bình ổn thị trường vàng trong nước.

Theo chuyên gia Trần Duy Phương, nguồn cung đủ để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là phải khoảng 10.000 - 15.000 lượng vàng. “Thị trường vàng hiện nay chưa thỏa cơn khát. Sau đấu thầu, giá vàng trong nước có xu hướng tăng trong khi giá thế giới không thay đổi", ông nhận xét.

3.400 lượng vàng đấu thầu thành công chưa đủ để bình ổn giá vàng trong nước. (Ảnh minh họa: Công Hiếu)

 3.400 lượng vàng đấu thầu thành công chưa đủ để bình ổn giá vàng trong nước (Ảnh minh họa: Công Hiếu)

Trong phiên đấu thầu đầu tiên, nhu cầu mua của các doanh nghiệp không lớn. Sau một lần hủy vì không không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định, phiên đấu thầu đã được diễn ra nhưng cũng chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia. 

Ông Phương cho rằng, NHNN cần tổ chức thêm 2-3 phiên đấu thầu nữa để bán được 10.000 - 15.000 lượng, mới đủ tác động đến thị trường vàng, giúp co hẹp sự chênh lệch của giá vàng trong nước và  thế giới.

Tuy vậy, ông Phương nêu quan điểm đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để bình ổn giá. Thị trường vàng Việt Nam không chỉ có vàng miếng SJC mà còn nhiều loại vàng nguyên liệu khác. Việc đấu thầu chỉ giải quyết vấn đề ở vàng miếng SJC, còn vàng miếng, vàng nhẫn, vàng nữ trang…vẫn cần nguồn cung để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Do đó, NHNN cần xem xét, nghiên cứu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng bằng nhiều hình thức. Lúc đó, giá vàng trong nước mới tiến sát giá thế giới.

NHNN cần tạo cơ chế cho các doanh nghiệp trong nước chủ động nhập khẩu vàng dưới sự giám sát của NHNN, có thể bằng cách sửa Nghị định 24”, ông tư vấn.

Đồng quan điểm, một chuyên gia cũng khẳng định, 3.400 lượng vàng được đấu thầu thành công chưa đủ để bình ổn giá vàng. Nhưng theo ông, đây không phải là điều quan trọng bởi NHNN không chỉ giới hạn trong một phiên đấu thầu, phiên đầu không đủ thì sẽ có phiên thứ 2, thứ 3…

Có hai yếu tố là tần suất và giá đấu thầu. Nếu giá đấu thầu hấp dẫn sẽ có nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia. Đồng thời, tần suất tăng lên cũng sẽ giúp đấu thầu thành công đủ lượng vàng cần thiết để bình ổn giá", ông nói.

Ông cũng lạc quan chỉ ra rằng giá vàng trong nước đang có xu hướng tiệm cận giá thế giới. Các chính sách trong thời gian gần đây đã góp phần giữ giá vàng trong nước bình ổn hơn và sẽ tác động rõ nét hơn trong thời gian tới.

Còn theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, trong các phiên tiếp theo, rất có thể NHNN sẽ giảm giá tham chiếu đấu thầu để hợp hơn với thị trường và nhu cầu của doanh nghiệp. Mức giá đầu tiên dự kiến đưa ra là 81,8 triệu đồng/lượng, sau đó đã được NHNN hạ xuống để chính thức đầu thầu ở mức 80,7 triệu đồng/lượng. Và trong phiên đấu thầu ngày 23/4, các doanh nghiệp, tổ chức đã đấu thầu thành công với giá hơn 81,3 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân “ế” vàng đấu thầu

Theo nhận định của chuyên gia vàng Trần Duy Phương, nguyên nhân chính khiến phiên đấu thầu vàng đầu tiên chỉ đạt 3.400 lượng là do các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp mua vào theo nhu cầu đã bán ra trước đó.

Ví dụ, tuần qua họ đã bán khoảng 1.000 lượng vàng thì họ tham gia đấu thầu để mua lại số vàng dựa vào số lượng đã bán ra trước đó. Ngoài ra, điều kiện đấu thầu hiện nay quy định rằng lượng đặt mua tối thiểu phải là 14 lô, tương đương 1.400 lượng đang khiến nhiều doanh nghiệp e dè vì nhu cầu của họ chưa đến mức này. Ví dụ họ mới bán ra khoảng 200 lượng mà phải mua vào 1.400 lượng là vượt quá nhu cầu", ông phân tích.

Theo chuyên gia, giá vàng miếng trong nước đang dần tiệm cận giá thế giới. (Ảnh minh họa: Minh Đức)
 Theo chuyên gia, giá vàng miếng trong nước đang dần tiệm cận giá thế giới (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Theo ông, thời điểm hiện tại, khi giá vàng vẫn liên tục biến động khó lường, không có doanh nghiệp, tổ chức tín dụng nào muốn đầu cơ vào vàng miếng. Họ chỉ có nhu cầu mua vào một lượng vừa đủ với số vàng đã bán hoặc là dư đôi chút. “Chẳng hạn họ đang âm 1.000 lượng vàng thì họ sẽ mua vào khoảng 1.200 - 1.400 lượng. Nhưng họ chỉ âm khoảng 500 lượng mà bắt họ phải mua vào 1.400 lượng thì rất là khó".

Điều kiện đấu thầu này đã cản trở các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia đấu thầu, vì thế mà khối lượng vàng đấu thầu thành công không nhiều.

"Do đó, nếu NHNN sửa điều kiện, cho mua vàng ở mức chỉ 400 - 500 lượng chẳng hạn thì chắc chắn sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia hơn", ông nói.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, giá tham chiếu còn khá cao, khiến vàng đấu thầu kém hấp dẫn. Do đó, NHNN cần tính toán sao cho mức giá đấu thầu hợp lý nhất với nhu cầu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đang muốn mua vàng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu NHNN đưa ra mức giá đấu thầu quá thấp cũng không được. Bởi vì, nếu doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trúng thầu với mức giá thấp, trong khi NHNN không nhập được vàng từ thế giới với mức giá hợp lý thì hợp đồng đấu thầu cũng sẽ bị hủy theo quy định.

“Mặc dù Việt Nam đang có lợi thế là giá vàng trong nước cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới. Nhưng nếu giá vàng thế giới tăng quá nhiều, vượt quá biên độ lợi nhuận thì hợp đồng đấu thầu sẽ bị hủy dể ngân sách Nhà nước không bị thiệt hại. Gá tham chiếu đưa ra phải dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng trước các yếu tố tăng, giảm giá của giá vàng thế giới và đây là chuyện không dễ dàng", một chuyên gia khẳng định. 

https://vtcnews.vn/nhnn-chi-ban-duoc-3-400-luong-vang-trong-phien-dau-thau-chua-du-de-binh-on-gia-ar867024.html

CÔNG HIẾU / VTC News