Sau vụ một học sinh bị bỏ quên trên ôtô, trường Marie Curie (Hà Nội) xây dựng lại quy trình đưa đón, đảm bảo không lặp lại sự cố.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, cho biết nguyên nhân khiến học sinh bị bỏ quên trên xe mấy năm trước là tài xế và cô phụ trách (trưởng xe) kiểm soát không tốt, may mắn không để lại hậu quả nghiêm trọng. "Sau lần đó, trường xây dựng lại quy trình với nhiều lớp giám sát để nếu người này không làm đúng trách nhiệm thì vẫn có người khác phát hiện ra", thầy Khang nói.
Đêm 6/8, sau vụ học sinh trường Gateway (Hà Nội) tử vong vì bị bỏ quên 9 tiếng trên ôtô, thầy Khang đã báo động đỏ trong toàn hệ thống trường học, đồng thời gửi thư ngỏ tới cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh. "Đây là bài học đắt giá các hiệu trưởng cần ý thức được và rà soát xem có chỗ nào chưa chặt chẽ, chuẩn mực thì thay đổi để ngăn ngừa rủi ro", thầy giải thích.
Trong thư, thầy Khang khẳng định học sinh có thể ngủ quên trên xe nên trưởng xe và lái xe phải kiểm tra xe trước khi đưa về bãi tập kết; báo cáo về Trung tâm điều hành xe. Học sinh có thể ngã hoặc va vào phương tiện khác khi lên xuống xe, vì vậy lái xe cần đỗ sát vỉa hè và quan sát kỹ trước khi đóng mở cửa xe và chuyển bánh. Xe có thể đụng phải học sinh khi ra vào nơi tập kết đón học sinh lúc tan trường, do đó lái xe phải đi chậm và tuân theo sự dẫn dắt của giám thị.
Hiện, trường Marie Curie có hơn 100 xe đưa đón học sinh theo hợp đồng ký kết với một công ty dịch vụ, nhưng quy trình được nhà trường đưa ra. Trên xe có một tài xế và một trưởng xe. Cô có trách nhiệm kiểm soát sĩ số học sinh trên xe, dựa vào danh sách (gồm tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của phụ huynh) để liên lạc khi không thấy các em. Sau đó, trưởng xe sẽ gọi về trung tâm điều hành xe của trường để báo cáo về số học sinh đã lên và xuống xe vào trường; thời gian xe tới và lúc về bãi tập kết là mấy giờ theo kiểu báo cáo nhanh của quân đội. Nếu xe nào không báo cáo, 8h15, trung tâm sẽ gọi đến để hỏi tình hình.
Tại trường, giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ điểm danh lớp học để xem cháu nào vắng mặt không phép. Khi đó, giáo viên sẽ liên hệ với gia đình. Nếu phụ huynh báo cháu đã lên xe rồi, cô giáo phải lập tức báo cho gia đình là không thấy cháu ở lớp để gia đình và nhà trường phối hợp tìm kiếm.
Ngày 7/8, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Nội) đã họp, thống nhất thắt chặt hơn công tác quản lý số lượng học sinh lên và xuống xe, tăng cường sự tương tác và liên lạc giữa phụ huynh và nhà trường. Cùng ngày, trường đã tổ chức một buổi tập huấn cho học sinh đi học bằng ôtô kỹ năng thoát hiểm nếu bị bỏ quên trên xe như bấm còi, mở hệ thống báo động, mở cửa sổ và sử dụng búa thoát hiểm.
"Dự kiến những ngày sắp tới, tất cả học sinh trong trường, gồm cả những em được phụ huynh đưa đón cũng sẽ được hướng dẫn những kỹ năng này", thầy Tạ Như Việt, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn, nói.
Hiện nhà trường có hơn 50 xe loại 16 chỗ. Mỗi xe sẽ có một lái xe (nhân viên nhà xe) và một cô giáo phụ trách cố định là nhân viên nhà trường. Cô giáo nắm danh sách học sinh đăng ký đi xe và số điện thoại của phụ huynh, mỗi em lên xe cô sẽ đánh dấu là đã có mặt. Khi đến trường, cô phụ trách sẽ đỡ các em xuống, sau đó điểm danh lại một lần và lên xe kiểm tra lần cuối.
|
|
Xe đưa đón học sinh của trường Phổ thông chất lượng cao Hùng Vương, Phú Thọ. Ảnh. B.N |
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống trường Quốc tế Canada (TP HCM), bà Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết các trường thành viên hiện có 34 xe từ 9 đến 29 chỗ đưa đón học sinh. Lợi thế của các trường là hiệu trưởng và giám đốc điều hành đều là người Canada hoặc Australia, do đó các nguyên tắc bảo vệ, chăm sóc học sinh, bao gồm việc đưa đón đều theo quy chuẩn những nước này.
Hệ thống xe đưa đón học sinh ở các nước phát triển rất phổ biến với quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn cho học sinh. Trước đây, trường hợp đồng dịch vụ với đơn vị bên ngoài, song lãnh đạo trường nhận thấy không kiểm soát được nên đã mua xe, thuê và quản lý đội lái xe, nhân viên quản lý theo xe. Họ được tập huấn nhuần nhuyễn thao tác đưa đón học sinh, như đón lên xe, giao trả, kiểm đếm học sinh vắng mặt, báo cho người có trách nhiệm...
Đầu năm học 2019-2020, trường sẽ lắp đặt hộp đen theo dõi hành trình, lắp thêm camera trên xe, phụ huynh sẽ có phần mềm để theo dõi việc đi lại của con. Theo bà Oanh, những biện pháp kỹ thuật này nhằm hỗ trợ, tăng cường an toàn cho học sinh, song quan trọng hơn là thao tác, kỹ năng và trách nhiệm của nhân viên.
"Hiện nhiều trường tự tổ chức xe đưa đón học sinh hoặc hợp đồng bên ngoài, rất manh mún và không đảm bảo an toàn. Tôi nghĩ nên tổ chức một hệ thống xe buýt đưa đón học sinh như các nước phát triển với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho các trường có nhu cầu. Việc này nhà nước có thể làm hoặc xã hội hóa, nhà nước quản lý", bà Oanh đề xuất.
Với 4.000 học sinh các cấp và hơn 40 xe đưa đón, Hệ thống giáo dục Nam Việt (TP HCM) tự tuyển dụng, đào tạo và trả lương cho đội ngũ lái xe, bảo mẫu theo xe. Ông Nguyễn Đức Quốc, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Nam Việt, cho biết quy trình đưa đón học sinh nghiêm ngặt. Khi học sinh lên xe có bảo mẫu điểm danh, kiểm đếm, xuống xe sẽ được đếm một lần nữa. Tiếp đó, học sinh rời khỏi xe vào cổng trường sẽ được quét vân tay điểm danh, thông tin này được chuyển đến phụ huynh trực tiếp qua điện thoại để họ nắm được con có đi học hay không.
10 phút sau đó, tài xế, bảo mẫu và nhân viên hệ thống công nghệ tại trường sẽ làm biên bản bàn giao học sinh, cháu nào vắng sẽ trực tiếp báo về phụ huynh. Trong suốt quá trình học, giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm về số lượng học sinh ở trường, lớp, báo về bộ phận quản nhiệm nếu có tình huống bất ngờ. Các bước trên được lặp lại ở khâu đón trẻ về nhà.
"Các cháu nhỏ thường hay ngủ quên hoặc đùa giỡn, trốn ở góc xe. Do đó chúng tôi quán triệt tài xế phải luôn kiểm tra xe lần cuối cùng trước khi rời khỏi xe", ông Quốc nói.
Sáng 6/8, học sinh Lê Hoàng Long, lớp 1 Tokyo trường Gateway, bị bỏ quên trên xe buýt. Nhà trường không liên lạc với gia đình về việc học sinh không tới lớp học. Đến hơn 16h, khi phát hiện cháu bé bất động trên sàn xe, trường đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện E, lúc này phụ huynh mới biết sự việc. Theo kết quả điều tra ban đầu, cháu Long tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện. Công an quận Cầu Giấy đã khởi tố vụ án Vô ý làm chết người vào sáng 7/8.
Dương Tâm - Mạnh Tùng - Thanh Hằng
Siết quản lý xe hợp đồng sau vụ học sinh trường Gateway tử vong
Để ngăn chặn vụ việc xảy ra tương tự như tại trường Gateway, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra những đơn vị kinh ... |
Học sinh lớp 1 trường Gateway bị bỏ quên trên ô tô: Những câu hỏi lớn cần giải đáp
Nhiều nghi vấn vẫn chưa có lời giải trong vụ việc bé trai 6 tuổi bị bỏ quên trên xe ô tô đến chết ở ... |