Nhiều tân GS, PGS bị nghi vi phạm liêm chính: Hội đồng GS Nhà nước nói gì?

Đại diện Hội đồng Giáo sư Nhà nước lên tiếng trước thông tin một số tân GS, PGS vừa được công nhận bị tố vi phạm liêm chính học thuật.

Trưa 25/11, PGS.TS Dương Nghĩa Bang - Phó chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, từ sau khi công bố danh sách các ứng viên GS, PGS đạt chuẩn đến nay, Hội đồng chưa nhận được đơn thư tố cáo nào từ phía các chuyên gia, đơn vị liên quan đến liêm chính học thuật.

Theo quy định, trong quá trình xét duyệt, nếu có đơn thư tố cáo, phản ánh, Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ chuyển đến các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành để thẩm định, xác minh, làm rõ thông tin. 

Tùy theo từng nội dung phản ánh, các ứng viên có thể phải giải trình hoặc không phải giải trình. Đồng thời, ứng viên có thể chọn giải trình bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp các câu hỏi chất vấn của các thành viên hội đồng giáo sư ngành tại phiên báo cáo tổng quan.

ung-vien-giao-su-123-12003187
Xôn xao nhiều tân GS, PGS bị tố vi phạm liêm chính. (Ảnh minh hoạ)

Căn cứ giải trình của ứng viên và kết quả xử lý, xác minh của các bên liên quan (nếu có), Hội đồng Giáo sư ngành tổ chức thảo luận công khai, minh bạch, đưa ra kết quả để báo cáo lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước bằng văn bản theo quy định.

Vị Phó chánh văn phòng cho biết, trong trường hợp sau khi các ứng viên được công nhận, nếu có đơn thư tố cáo, phản ánh liên quan đến liêm chính học thuật thì Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ họp bàn lại trong trường hợp có quyết định, kết quả thẩm định của các đơn vị chức năng. Hội đồng không có chức năng giải quyết tất cả các phản ánh, đơn thư sau khi các ứng viên đã được công nhận, bỏ phiếu thông qua.

Trước đó, một số cơ quan báo chí, diễn đàn mạng xã hội xôn xao phản ánh nhiều tân GS, PGS vi phạm liêm chính học thuật, đứng tên các công bố quốc tế... trong đó dư luận nhắc đến một số tân GS, PGS ngành Y học, Kinh tế.

Ngày 20/11, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố kết quả công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023 cho 630 nhà giáo, trong đó có 58 GS, 572 PGS.

Theo danh sách, ngành Kinh tế chiếm số lượng ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS áp đảo với 92 người, gồm 6 tân GS và 86 PGS.

Ba tân PGS trẻ nhất năm 2023 đều sinh năm 1990 và cùng ngành Kinh tế, gồm: TS Nguyễn Thị Hồng Nhâm (chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng), Đại học Kinh tế TP.HCM; TS Phan Thị Thu Hiền (chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán), Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội); TS Lê Thanh Hà (chuyên ngành Kinh tế học), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội).

Ba tân GS trẻ tuổi nhất cùng sinh năm 1984, gồm ông Nguyễn Đại Hải (Viện Công nghệ hóa học, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), ông Đoàn Thái Sơn (Viện Toán học, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), và ông Trần Xuân Bách (Trường Đại học Y Hà Nội).

Năm nay, 3 ngành, liên ngành không có ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư là Ngôn ngữ học, Sử học - khảo cổ học - dân tộc học và Văn học.

Hà Cường / VTC News