Nhiều ổ dịch phức tạp, Hà Nội có tiếp tục giãn cách xã hội?

Trong thời gian qua, Hà Nội đã ghi nhận một số ổ dịch có diễn biến tương đối phức tạp. Đáng chú ý, ổ dịch Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) từ ngày 23/8 tới nay đã vượt mốc 300 trường hợp dương tính COVID-19.

Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội vẫn tăng cao. Nhất là ngày 29.8 có số ca nhiễm ghi nhận cao nhất trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4 đến nay), thành phố ghi nhận 133 ca dương tính. Ngày 30.8, Hà Nội ghi nhận 103 ca.

Đáng chú ý, Hà Nội vẫn ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng, qua phát hiện sàng lọc ho sốt. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4: 3.268 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.547 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.721 ca.

Cụ thể, ổ dịch Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) từ ngày 23/8 tới nay đã vượt mốc 300 trường hợp dương tính với nCoV.

Một số ổ dịch lớn khác cũng được Sở Y tế Hà Nội thống kê trong đợt dịch thứ 4 là Văn Miếu (từ 30/7) với 103 ca nhiễm, Văn Chương (từ 17/7) có 88 trường hợp, chung cư HH4C Linh Đàm (từ 8/8) ghi nhận 48 người, ngõ 24 Kim Đồng (từ 24/8) có 44 ca. Mới nhất, ổ dịch tại chợ Ngọc Hà được phát hiện từ ngày 28/8 đến nay đã ghi nhận 13 người dương tính.

Hà Nội sẽ kết thúc giãn cách xã hội đợt 3 vào ngày 6.9 tới đây. Liệu Hà Nội có tiếp tục giãn cách xã hội đợt 4? Phó Giám đốc CDC Hà Nội - ông Khổng Minh Tuấn - nhận định: “Với tình tình dịch bệnh như hiện nay, rất có thể Hà Nội sẽ phải tiếp tục giãn cách chứ không thể dừng được. Người dân vẫn phải chấp hành việc này. Cụ thể việc giãn cách thế nào, thành phố sẽ có phương án cụ thể”.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng đề xuất 2 giải pháp giúp Hà Nội sớm khống chế được dịch bệnh.

Tập trung tiêm vaccine

Theo số liệu được cập nhật trên Cổng Thông tin Tiêm chủng Covid-19, Hà Nội đến nay đã thực hiện tổng cộng hơn 2,9 triệu mũi tiêm vaccine phòng Covid-19. Với số lượng đó, chỉ khoảng 45% dân số tại Hà Nội trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1. Tỷ lệ người được tiêm mũi 2 cũng mới dừng ở ngưỡng hơn 5%.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng nếu đẩy nhanh được tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tương tự TP.HCM, Hà Nội sẽ có cơ hội chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vaccine còn hạn chế, thành phố cần tập trung tiêm chủng cho nhóm người cao tuổi, mắc bệnh nền.

GS Nguyễn Anh Trí - Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đánh giá, trong suốt thời gian qua, thành phố Hà Nội rất quyết liệt khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn bùng phát.

Theo GS Trí, sở dĩ như vậy còn một số lý do. “Việc thành phố thực hiện rất quyết liệt công tác phòng chống dịch nhưng ở đâu đó vẫn còn người dân thực hiện chưa nghiêm túc. Ca dương tính ẩn náu trong cộng đồng vẫn còn nhiều.

Thứ 2, tôi cho rằng giải pháp 5K và giãn cách xã hội chưa đủ mạnh. Việc thực hiện giãn cách xã hội không thể thực hiện kéo dài mãi được.

Hai biện pháp này là cần thiết nhưng để ngăn chặn được dịch bắt buộc Hà Nội phải thực hiện việc tiêm vaccine nhanh nhất, mạnh nhất, đầy đủ và kịp thời nhất. Phải ưu tiên tiêm vaccine tại Hà Nội ngay. Toàn thành phố Hà Nội hiện chỉ cần 14-16 triệu liều vaccine”, GS Nguyễn Anh Trí phân tích thêm.

Cách ly, theo dõi F1 và F0 diễn biến nhẹ tại chỗ

Hiện nay, Hà Nội vẫn áp dụng phương pháp cách ly tập trung với các trường hợp F1. Trong khi đó, tất cả F0 được phát hiện sẽ được đưa tới bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, với các ổ dịch phức tạp đã được khoanh vùng và phong tỏa, việc làm này có thể chưa thực sự tối ưu.

“Tại các ổ dịch này, việc chúng ta cần làm là đảm bảo người dân bên trong không được ra ngoài. Phong tỏa vốn là biện pháp tách F0 và người tiếp xúc khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, việc chuyển các F0, F1 đến khu cách ly hay cơ sở y tế có thể gây ra nguy cơ lây nhiễm trong quá vận chuyển hoặc tại chính khu cách ly tập trung”, vị chuyên gia này giải thích.

Do đó, theo Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, tại những ổ dịch đã được phong tỏa, thành phố nên xem xét cho F0 chưa có triệu chứng, diễn biến nhẹ và F1 cách ly tại chỗ.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh ở thời điểm hiện tại, phương pháp hữu hiệu nhất để sớm khống chế tình hình dịch là phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo phường, tổ dân phố, ban quản lý tòa nhà, tổ Covid-19 cộng đồng, trong việc tuyên truyền, giám sát, vận động, hỗ trợ người dân tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, giữ khoảng cách thay vì chỉ tập trung kiểm soát chặt ở cổng vào khu phong tỏa.

PV (th)

Khi nào địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có thể công bố kiểm soát được dịch? Khi nào địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có thể công bố kiểm soát được dịch?
Bình Dương tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 đến ngày 15/9 Bình Dương tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 đến ngày 15/9
Đà Nẵng: Để dân tập trung trò chuyện, Bí thư, Chủ tịch phải chịu trách nhiệm Đà Nẵng: Để dân tập trung trò chuyện, Bí thư, Chủ tịch phải chịu trách nhiệm
/ Nghề nghiệp và cuộc sống