Bangladesh, Australia, Nga và Israel tái áp đặt lệnh phong tỏa hoặc hạn chế để ngăn biến chủng Delta lây lan, Anh trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại.
"Đang có rất nhiều quan ngại về biến chủng Delta", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 25/6 cho biết. "Delta hiện là biến chủng lây truyền mạnh nhất, đã xuất hiện ở ít nhất 85 quốc gia và đang lây lan nhanh chóng trong nhóm người chưa tiêm chủng".
Mức độ lây lan đáng lo ngại của biến chủng Delta khiến nhiều quốc gia tái áp đặt các biện pháp hạn chế hoặc lệnh phong tỏa, ngay cả với những nước đã tiêm chủng cho phần lớn dân số.
Trong khi các đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 tại một số nước giàu giúp giảm số ca nhiễm mới, biến chủng Delta làm dấy lên lo ngại đại dịch còn lâu mới kết thúc. Thế giới hiện ghi nhận 181.461.690 ca nhiễm nCoV và 3.930.873 ca tử vong, tăng lần lượt 293.489 và 5.848, trong khi 164.239.054 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Bangladesh, nước láng giềng của Ấn Độ và vùng dịch lớn thứ 30 thế giới, ghi nhận 883.138 ca nhiễm và 14.053 ca tử vong, tăng lần lượt 4.334 và 77 ca. Giới chức Bangladesh thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ có hiệu lực từ 28/6, các văn phòng phải đóng cửa một tuần và chỉ cho phép hoạt động di chuyển liên quan đến y tế.
Để đối phó đợt bùng phát mới liên quan biến chủng Delta, giới chức Australia ngày 26/6 thông báo áp đặt lệnh phong tỏa hai tuần nghiêm ngặt với toàn bộ Sydney, thành phố lớn nhất nước, và khu vực lân cận.
Australia thông báo thêm 34 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 30.456, trong đó có 910 ca tử vong. Người dân thành phố cảng Sydney được lệnh phải ở nhà, trừ trường hợp cần thiết, nhằm ngăn các ca nhiễm liên quan biến chủng Delta.
Đây là lệnh phong tỏa toàn thành phố đầu tiên của Sydney kể từ đầu năm 2020, cho thấy mức độ quan ngại gia tăng của giới chức bang New South Wales, những người từng hy vọng chiến thuật truy vết và cách ly là đủ để kiểm soát biến chủng Delta.
Lệnh phong tỏa Sydney ảnh hưởng đến 5 triệu người trong thành phố và các thị trấn xung quanh. Dân địa phương cảm thấy "thất kinh" khi chứng kiến số ca nhiễm gia tăng sau nhiều tháng ở mức rất thấp.
Nhân viên y tế Australia lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại một trạm lưu động ở Sydney ngày 17/6. Ảnh: Reuters. |
New Zealand báo cáo 2.729 ca nhiễm, tăng 4 ca, trong đó gồm 26 ca tử vong. New Zeland thông báo đình chỉ ba ngày thỏa thuận di chuyển không cần cách ly ký với Australia do "nhiều đợt bùng phát" ở quốc gia láng giềng.
Nga, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, ghi nhận 5.430.753 ca nhiễm và 132.683 ca tử vong, tăng lần lượt 21.665 và 619 ca. Số ca nhiễm tại Nga tăng trong những ngày qua do biến chủng Delta.
St. Petersburg, thành phố lớn thứ hai của Nga và là nơi tổ chức một số trận đấu trong khuôn khổ Euro 2020, ghi nhận 107 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong cao nhất tại một thành phố của Nga từ khi Covid-19 xuất hiện ở nước này.
Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin ngày 25/6 yêu cầu các doanh nghiệp phải cắt giảm 30% nhân viên làm việc tại văn phòng từ ngày 28/6. Các nhân viên đã tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ được miễn quy định này, trong khi tất cả người lao động trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền sẽ phải làm việc tại nhà.
Các biện pháp mới của Moskva được đưa ra nhằm đối phó tình trạng số ca nhiễm tăng vọt do biến chủng Delta. Thị trưởng Sobyanin cho biết biến chủng Delta chiếm 90% ca nhiễm mới tại Moskva.
Anh thông báo thêm 18.270 ca nhiễm và 23 ca tử vong trong 24 giờ qua, tổng số người nhiễm và tử vong lần lượt là 4.717.811 và 128.089.
Biến chủng Delta lây lan nhanh chóng tại Anh khiến chính phủ nước này phải trì hoãn việc mở cửa trở lại hoàn toàn. Hàng nghìn người biểu tình chống lệnh phong tỏa ngày 26/6 xuống đường ở London để bày tỏ sự thất vọng của mình.
Nam Phi, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19 tại châu Phi, ghi nhận 1.895.905 ca nhiễm và 59.621 ca tử vong, tăng 18.762 và 215 ca. Số ca nhiễm liên quan đến biến chủng Delta tăng vọt khiến giới chức Nam Phi phải xem xét áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn.
"Chúng ta đang ở giai đoạn cấp số nhân của đại dịch khi số ca nhiễm đang tăng lên cực kỳ nhanh", Tulio de Oliveira, chuyên gia virus học hàng đầu của Nam Phi, cảnh báo. Giới chuyên gia nhận định Delta đang trở thành chủng trội tại Nam Phi do khả năng lây nhiễm cao hơn biến chủng Beta, hay B.1.351, được phát hiện lần đầu ở nước này.
Israel, một trong các quốc gia triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 thành công nhất thế giới, báo cáo 840.638 ca nhiễm, tăng 208 ca trong 24 giờ qua, và 6.249 ca tử vong.
Israel ngày 25/6 tái áp đặt quy định đeo khẩu trang trong không gian kín nơi công cộng, 4 ngày sau khi nước này ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Đây được cho là bước lùi đối với Israel, khi lệnh gỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín nơi công cộng mới có hiệu lực hôm 15/6.
Số ca nhiễm nCoV tăng đột biến được cho là đòn giáng mạnh vào Israel, quốc gia tự hào về một trong những chiến dịch tiêm chủng Covid-19 thành công nhất thế giới. Khoảng 5,2 triệu người trong tổng số hơn 9 triệu dân Israel đã tiêm đủ hai mũi vaccine của Pfizer-BioNTech, tương đương 55% dân số.
Mỹ,vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.487.403 ca nhiễm và 619.282 ca tử vong do nCoV, tăng 4.731 ca nhiễm và 137 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Tổng thống Joe Biden hôm 24/6 khuyến khích người dân tiêm chủng khi biến chủng Delta đang lan rộng và được dự đoán trở thành chủng trội tại Mỹ, khiến ca nhiễm tăng vào mùa thu. "Biến chủng mới và nguy hiểm này tiếp tục lây lan. Nó là biến chủng phổ biến nhất ở Mỹ và những người không được tiêm chủng sẽ rất dễ bị tổn thương", Biden nói.
Biden khẳng định vaccine là cách tốt nhất để chống lại virus, sau khi Nhà Trắng thừa nhận chính quyền không thể đạt mục tiêu tiêm chủng 70% dân số vào ngày 4/7. "Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi virus và các biến chủng là tiêm phòng đầy đủ. Vaccine hiệu quả, miễn phí, an toàn, dễ dàng và tiện lợi", Tổng thống Mỹ nói.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 30.232.222 ca nhiễm và 395.777 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 49.753 và 1.253 ca.
Ấn Độ nhìn chung đã kiểm soát được làn sóng Covid-19 thứ hai, chiến dịch tiêm chủng tại nước này dường như ngày càng được đẩy nhanh. Giới chuyên gia cho biết Ấn Độ cần tiêm 10 triệu liều mỗi ngày để đạt mục tiêu tiêm chủng cho 950 triệu người vào tháng 12. Hơn 5% dân số Ấn Độ đã tiêm đủ hai liều.
Hồi đầu tháng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết chính phủ sẽ mua 75% vaccine từ các nhà sản xuất và phân phối miễn phí đến các bang. Nhiều bệnh viện tư nhân trước đó cũng chủ động mua vaccine cho người từ 18 đến 45 tuổi. "Nếu nguồn cung ổn định, chúng tôi sẽ tiêm được cho phần lớn dân số vào cuối năm nay", D.N Patil, quan chức y tế cấp cao ở bang Maharashtra, cho biết.
Indonesia, vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh trong tuần qua. Indonesia thông báo thêm 21.095 ca nhiễm và 358 ca tử vong, tổng số là 2.093.962 và 56.729.
Indonesia chủ yếu triển khai tiêm vaccine Trung Quốc Sinovac. Sinovac hôm 22/6 cho biết vaccine Covid-19 không thể bảo vệ người tiêm 100% khỏi nguy cơ nhiễm virus, nhưng có thể giảm các triệu chứng nghiêm trọng và ngăn ngừa khả năng tử vong.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)
Biến thể Delta khiến nhiều nước lao đao, ngăn châu Á trở lại bình thường
Các biến thể Delta đang tạo ra rào cản trên con đường hướng tới cuộc sống bình thường của người dân tại nhiều nước châu ... |
Nga cảnh báo biến chủng Delta "bùng nổ"
Giới chức Nga cảnh báo về sự lây lan bùng nổ của biến chủng Delta, khi số ca nhiễm mới và tử vong tăng nhanh. |
Biến chủng Delta của virus corona ở TP.HCM nguy hiểm thế nào?
Giám đốc HCDC thông tin về mức độ nguy hiểm từ biến chủng Delta của virus corona được ghi nhận ở TP.HCM. |