Phải chăng câu nói nhất thân nhì quen là có thật? Phải chăng những người đó có mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền nên ỷ thế làm bừa, sai luật ?
Thông tin nữ hành khách trên chuyến bay VN 253 của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh chiều 27/7 cung cấp cho phi hành đoàn, cô gái vừa ngồi vào ghế được vài phút thì hốt hoảng khi có bàn tay của người bên cạnh sờ vào vai rồi dần xuống sườn.
Quá hoảng sợ, nữ hành khách nói to: "Chú làm gì đấy?". Nam hành khách được xác định là ông C ngồi ghế 6D hạng thương gia nói: "Chú có làm gì đâu!".
Ngay lúc đó, tiếp viên trưởng có mặt, xử lý tình huống. Theo lời nữ tiếp viên trưởng thì ông C còn lớn tiếng dọa nạt và nói: Có biết tao là ai không? Sự việc được báo cho cơ trưởng chuyến bay.
Cơ trưởng đã quyết định từ chối phục vụ ông C, cắt bay đối với hành khách này, đồng thời thông báo khẩn cấp cho phía bộ phận mặt đất.
|
|
Tình trạng cậy quyền cậy thế khá phổ biến ngoài xã hội, phải chăng điều đó chứng tỏ rằng một số người coi sự quen thân hơn cả quy định của pháp luật. Ảnh: Vtc New. |
Những sự việc như trên trong xã hội hiện nay không phải là ít. Những câu hỏi kiểu như "Biết tao là ai không?" được rất nhiều người văng ra ở khắp mọi nơi, từ trên máy bay, nhà ga, khi gặp cảnh sát giao thông… đó là bởi họ đang ảo tưởng rằng họ đứng ở vị trí cao hơn người khác, có quan hệ và nhiều tiền bạc nên sẵn sàng coi thường, mạt sát người khác.
Trong số những người sẵn sàng "lớn tiếng" có cả cán bộ trong bộ máy công quyền. Một thời gian trước, đã có chuyện một nữ cán bộ thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội) ngang nhiên đỗ xe ô tô không đúng nơi quy định để vào quán ăn và còn to tiếng thách thức khi được người dân nhắc nhở.
Và còn rất nhiều vụ tương tự như vậy, có người khi vi phạm giao thông cũng đã to tiếng mắng cảnh sát và dọa cho cảnh sát nghỉ việc. Một số cảnh sát giao thông khi đề cập tới vấn đề này cho biết họ gặp khá nhiều trường hợp vi phạm nhưng cố tình không hợp tác, thậm chí chửi bới, xúc phạm người thi hành công vụ.
Một cán bộ cảnh sát giao thông Hà Nội chia sẻ, có những trường hợp do sơ ý vi phạm mà thái độ tốt thì lực lượng làm nhiệm vụ nhắc nhở. Một số trường hợp vi phạm cũng rất lịch sự, văn minh, nhận lỗi và sẵn sàng chấp hành xử lý. Nhưng một số trường hợp tự nhận người thân của cán bộ cấp cao để dọa lực lượng chức năng.
Có lẽ những câu chuyện cậy quyền cậy thế, cậy quan hệ để thách thức những người xung quanh và dư luận như vậy không còn hiếm gặp trong xã hội.
Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện ứng dụng văn hóa, chia sẻ: “Đây là những sự việc rất buồn trong xã hội hiện nay, khi mà chúng ta đang cố gắng xây dựng một nhà nước pháp quyền, dân chủ và văn minh.
Vậy làm sao còn dân chủ và văn minh khi mà người ta ỷ thế, cậy quyền và cho rằng mình được làm tất cả mọi việc trên pháp luật như vậy. Không một xã hội nào dung thứ cho những kẻ coi thường pháp luật như thế.
Cách ứng xử như vậy không chỉ là do cá nhân, do tính cách mà người có những lời lẽ thách thức như vậy thích ra oai, và cũng có thể họ thấy có tác dụng nếu nói như vậy.
Thật sự là đáng buồn khi những hành vi và lời lẽ thiếu văn hóa như vậy lại có tác dụng nhất định. Trong cuộc sống mà có rất nhiều lối hành xử như vậy thì càng làm hại cho xã hội.
Một điều lạ là tại sao một số người lại có lối hành xử như vậy trong khi chính họ là những người đang vi phạm về đạo đức, khi có những hành động khiếm nhã. Đó là điều rất đáng buồn.
Tình trạng cậy quyền cậy thế khá phổ biến ngoài xã hội, phải chăng điều đó chứng tỏ rằng một số người coi sự quen thân hơn cả quy định của pháp luật”.
Hành khách lên nhầm chuyến bay là vô cùng nguy hiểm |
Vậy nguyên nhân sâu xa là do đâu? Vì sao những hành vi như vậy trong một số trường hợp lại có tác dụng?
Phải chăng câu nói nhất thân nhì quen là có thật? Phải chăng những người đó đều có mối quan hệ thân quen với người có chức to, có quyền lớn trong xã hội nên ỷ thế làm bừa.
“Một là quan hệ, hai là chi phí việc này việc kia và thế là quen, cậy quen rồi thì người ta cứ làm bừa và nghĩ nếu có chuyện gì xảy ra thì gọi điện nhờ vả là xong.
Đó là biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức trong xã hội. Những sự việc như vậy sẽ có hại cho danh phận của những người có chức có quyền được nhờ vả.
Cũng đã có những vụ mọi người bị khuất phục trước những lời nói kiểu : Biết tao là ai không?
Mọi người không biết những đối tượng vừa nói ra câu đó có quen thật hay không nhưng cũng đều ngại và không muốn động vào họ.
Những con người chân chính lại bị khuất phục bởi những lời lẽ mang tính chất dọa nạt như vậy, phải chăng họ cũng ngại với những người có chức có quyền?
Như vậy vô hình chung là xã hội đang dung dưỡng, đang tạo đất sống cho những hành vi vô văn hóa, tạo cơ hội cho những kẻ lạm quyền, cậy quan hệ để làm những việc xấu xa, trái với pháp luật.
Thậm chí có nhiều trường hợp những người nói thách thức như vậy nhưng thực chất không là gì cả, cũng không quen biết ai.
Những hành vi ra oai trong xã hội không phải là ít nhưng họ không biết rằng dù có cậy quyền, ỷ thế quen biết thì trong mắt mọi người họ đều không được tôn trọng.
Những câu nói và hành vi thiếu văn hóa đó đã làm tổn hại đến chính thanh danh của họ và cả những người mà họ đang mượn uy thế để ra oai”, ông Sơn nói.
Còn nhớ vào năm 2016, một nữ nhân viên hàng không tại Nội Bài cũng đã bị Đào Vịnh Thuấn túm áo. Trong lúc đó, Trần Dương Tùng (người đi cùng Đào Vịnh Thuấn) lẻn ra phía sau dùng ví đánh mạnh hai lần vào đầu. Sự việc chỉ dừng lại khi có một người đàn ông lao vào can thiệp, sau đó mới có nhân viên an ninh xuất hiện.
Lúc đó, dư luận cũng đã đặt ra câu hỏi: Vì sao Đào Vịnh Thuấn và Trần Dương Tùng dám ngang ngược như vậy?
|
|
Trong lúc đang tranh cãi, Trần Dương Tùng (áo tối màu) lẻn ra phía sau đánh mạnh vào đầu nữ nhân viên hàng không khiến cô phải nhập viện kiểm tra sức khỏe. Người ngoài cùng (bên phải) là Đào Vịnh Thuấn sau đó bị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chấm dứt hợp đồng. ảnh chụp từ clip. |
Khi đã thốt ra câu "mày có biết tao không" hoặc có những cử chỉ và lời nói tương tự, thậm chí là hành hung người khác thì sự việc đã được đẩy lên tầm cao và trạng thái khác, nó như một sự ra lệnh quyền thế.
Phải tự tin vào sự chống lưng mạnh mẽ đến mức nào thì một người vi phạm mới có thể ra lệnh cho người khác như vậy.
Ở đây đã có sự hình thành của một nhóm đối tượng, dù thuộc khối dân sự, nhưng thực chất nắm đầy quyền lực thông qua việc giúp những người có quyền làm kinh tế, phụ trách các khu vực "sân sau" cho người này người khác.
Đã hình thành những nhóm lợi ích trong đó người có quyền lực và một số cá nhân trong hoặc ngoài hệ thống có những quan hệ nhằng nhịt về kinh tế. Điều này dẫn đến tình trạng "ban phát quyền lực".
Rất khó lý giải khi trong một xã hội đan xen nhiều mối quan hệ mà trong đó có những mối quan hệ còn có sức nặng hơn cả quan hệ hành chính.
Rõ ràng có những cá nhân nằm ngoài hệ thống quyền lực nhưng lại đang nắm giữ quyền lực một cách có hệ thống.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII xác định là việc "sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi".
Hành khách nam vừa qua có hành vi khiếm nhã với hành khách nữ trên máy bay đã bị nhân viên hàng không mời xuống và từ chối phục vụ, Cục hàng không thông báo là sẽ có mức xử phạt hành vi nói trên một cách nghiêm minh.
Đây cũng là bài học răn đe cho những ai còn có ý định ỷ thế, cậy quyền để làm những việc trái với pháp luật.
Tiến sĩ Sơn nói: “Pháp luật không phân biệt ai cả, mọi người vi phạm sẽ bị xử lý như nhau vì đây là một xã hội thượng tôn pháp luật, công bằng dân chủ và không có ai đứng ngoài pháp luật.
Những hành vi khiếm nhã, không tôn trọng người khác cũng như coi thường pháp luật thì càng cần phải bị xã hội lên án mạnh mẽ và sự xử lý nghiêm minh của luật pháp.
Không chỉ có ngành hàng không mà tất cả bộ máy chính quyền và các cơ quan cần phải xử lý nghiêm minh với bất kỳ ai có hành động, hành vi thiếu văn hóa như vậy”.
(1) Khoản 2 Điều 58 TT 13/2019/tt/bgtvt (ngày 29-3-2019 quy đinh chi tiết chương trình An ninh hàng không và Kiểm soát chất lượng An ninh hàng không Việt Nam) quy định: Không chấp nhận chuyên chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích. (2). Nếu khách "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách trên tàu bay mà chưa đến truy cứu trách nhiệm hình sự" sẽ bị xử phạt VPHC từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng theo quy định tại Khoản 5 Điều 26 ND162/2018/NĐ-CP ngày 30-11-2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. |
Tùng Dương
Khách thương gia sàm sỡ trên máy bay có thể bị phạt 7-10 triệu đồng
Cục trưởng Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết đã tiếp nhận thông tin vụ nữ hành khách trẻ tuổi bị khách thương gia ... |
Ông Vũ Anh Cường: Nữ hành khách đi cùng chồng, sao tôi dám sàm sỡ
Ông Vũ Anh Cường phân trần, thông tin ông sàm sỡ trên máy bay là sự hiểu lầm chứ không ai dại gì làm như ... |
"Mày biết tao là ai không?"
Mỗi khi xảy ra lộn xộn trên máy bay, người vi phạm thường thích thể hiện câu nói Mày biết tao là ai không, điều ... |