Nhiều người mù mắt vì uống rượu “3 không”

Không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần, những loại rượu “3 không” trôi nổi vẫn len lỏi vào nhà hàng, quán nhậu, quán tạp hóa bán cho người tiêu dùng. Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho 3 bệnh nhân bị mù mắt do uống phải rượu rởm. Gần Tết, số vụ ngộ độc rượu lại có xu hướng gia tăng.

Ngộ độc methanol rất “âm thầm”

Bệnh nhân bị mù mắt do rượu đầu tiên được chuyển tuyến từ Vĩnh Phúc lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng mê sảng và mắt không nhìn thấy gì. Trước khi nhập viện, người này có uống rượu và gia đình không rõ anh ta mua rượu ở đâu.

ruì›oì›ì£u thanh triì€.jpeg -0
Quản lý thị trường phối hợp với Công an TP Hà Nội kiểm tra, thu giữ rượu không rõ nguồn gốc tại một nhà hàng ở huyện Thanh Trì. Ảnh: Nguyễn Duyên

Nam bệnh nhân thứ hai sau khi uống rượu xuất hiện tình trạng đau đầu, nhìn mờ, đã đi khám tại chuyên khoa mắt và các bác sĩ tuyến dưới nghi bị ngộ độc rượu nên đã chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Anh này vào viện trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo và chỉ thấy đau đầu. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, xét nghiệm rượu của 2 bệnh nhân đã uống, phát hiện có methanol với hàm lượng trên 24mg/l. Cả hai được chẩn đoán mù mắt do uống rượu pha cồn công nghiệp, tiên lượng phục hồi rất kém do đến viện muộn, khiến mắt bị tổn thương nặng. Bệnh nhân thứ ba cũng uống phải rượu rởm pha cồn công nghiệp methanol bị biến chứng dẫn tới mù mắt.

Mặc dù được cảnh báo, truyền thông rất nhiều, song theo các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân bị ngộ độc rượu vào cấp cứu vẫn nhiều, có xu hướng gia tăng vào dịp cuối năm, trước và sau Tết Nguyên đán. Đa số các trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải rượu trắng “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần. Những rượu này chủ yếu bán trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí đưa vào quán nhậu ven đường.

Điển hình là một nhóm thanh niên ở thị xã Bắc Kạn, sau khi ăn lẩu ở quán ven đường đã phải nhập viện. Ban đầu, thấy nhóm thanh niên có dấu hiệu hoa mắt, nôn mửa, nhiều người nghi họ bị ngộ độc thực phẩm. Sau khi cơ quan chức năng kiểm tra, xét nghiệm rượu mà nhóm này uống, phát hiện có hàm lượng methanol vượt mức cho phép gây ngộ độc.

Theo BS Nguyên, ngộ độc methanol do uống phải rượu giả không có biểu hiện ngay, khiến người uống chỉ đau đầu, mệt mỏi do bị say rượu. Sau vài ngày cồn công nghiệp âm thầm tấn công cơ thể, bệnh mới phát ra, vì vậy, phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mù mắt. Mặc dù được điều trị tích cực, song tỷ lệ tử vong vẫn chiếm 30-50%. Những người cứu được tính mạng, thì để lại di chứng hết sức nặng nề như mù mắt, tổn thương não, gan…

Cần ra quân kiểm tra, xử lý mạnh

Thống kê từ những trường hợp nhập viện do ngộ độc rượu cho thấy, nguyên nhân gây ngộ độc hàng đầu là rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol; tiếp đến là rượu ngâm cỏ cây rừng độc, rượu ngâm củ ấu tẩu, hoặc ngâm động vật… Thời gian gần đây, cơ quan chức năng không còn “mạnh tay” xử lý, tình trạng bán rượu trôi nổi tại nhiều quán tạp hoá, trà trộn vào nhà hàng, quán nhậu lại xảy ra, khiến nhiều người suýt mất mạng vì uống phải rượu pha cồn công nghiệp.

Một cán bộ Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay, rượu rởm hay được tiêu thụ tại các khu vực có đông công nhân lao động do giá thành rẻ. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại nhiều nhà hàng, quán nhậu, đơn vị này đã phát hiện nhiều nơi bán rượu thủ công không rõ nhãn mác, nguồn gốc, thậm chí có nhà hàng còn có cả hầm rượu chứa những can rượu trắng 10 lít không rõ nguồn gốc. Điển hình là lực lượng chức năng kiểm tra nhà hàng Sơn Dương, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) phát hiện 480 lít rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo chuyên gia chống độc, việc phân biệt methanol và rượu hay cồn y tế (thành phần chính là ethanol) bằng cảm quan là rất khó. Chỉ có một điểm là khi uống rượu có pha methanol sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường. Còn cơ quan chức năng, khi kiểm tra, phát hiện rượu không có hoá đơn chứng từ, không có nguồn gốc, chủ yếu là tạm giữ tang vật, xử phạt, ít khi mang đi giám định methanol. Rất nhiều vụ ngộ độc rượu chứa methanol gây chết người không tìm được nơi sản xuất, có chăng chỉ xử phạt được nơi bán rượu, vì thế những kẻ sản xuất rượu rởm vẫn nhởn nhơ. Khi việc kiểm tra lắng xuống, vì lợi nhuận, người sản xuất vẫn bất chấp đưa rượu rởm ra thị trường.

Tết Nguyên đán đang cận kề, nhu cầu tiêu thụ rượu gia tăng, đặc biệt các cuộc liên hoan cuối năm, gặp gỡ đầu xuân, thường có chén rượu chúc Tết, vì vậy, các ca ngộ độc rượu luôn gia tăng vào dịp này. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân không nên sử dụng rượu không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ; không uống rượu ngâm với lá, rễ, củ cây và phủ tạng động vật theo kinh nghiệm cá nhân…Cơ quan quản lý không để cồn công nghiệp bán trôi nổi ngoài thị trường, hiệu thuốc, chỉ bán tại quầy hóa chất tẩy rửa, hoặc cửa hàng hóa chất để tránh gây nhầm lẫn cho người sử dụng. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra nơi sản xuất rượu thủ công, các điểm kinh doanh rượu, nhà hàng, quán nhậu… để phát hiện kịp thời rượu rởm pha cồn công nghiệp, ngăn chặn những ca ngộ độc đáng tiếc.

https://cand.com.vn/Xa-hoi/nhieu-nguoi-mu-mat-vi-uong-ruou-3-khong-i719610/